Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Những thói quen gây hại cho sức khỏe nên tránh

Những hành động dưỡng lâu ngày thành thói quen khiến người ta không tự biết và không nhận ra được rằng chúng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. 

1-Bữa ăn sáng

Người ta vẫn nói:
Bữa sáng ăn cho mình,
Bữa trưa ăn cho bạn bè,
Bữa tối ăn cho kẻ thù“.

Bỏ ăn sáng rất có hại cho sức khỏe, song rất nhiều người không   bỏ được thói quen xấu này. 

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo:Sau một đêm ngủ dậy, cơ thể bạn đã cạn kiệt năng lượng, vì thế hãy dành ra ít nhất 15 phút ăn sáng giúp cơ thể có đủ năng lượng cần thiết cho các hoạt động trong ngày. Để dạ dày khỏe mạnh, Tốt nhất khi vừa ngủ dậy hãy uống từ một đến hai ly nước, sau 30 phút mới ăn sáng.

2. Bảo quản cà phê



Bảo quản cà phê bột hoặc hạt trong tủ lạnh là thói quen sai lầm phổ biến của các bà nội trợ. “Kẻ thù” của cà phê chính là không khí, hơi ẩm, hơi nóng và ánh sáng, vì vậy cách bảo quản tốt nhất là cất chúng vào túi buộc kỹ để nơi kín gió.







3. Nước ép trái cây

Nhiều người thích uống nước ép trái cây hơn là ăn trái cây tươi. Các chuyên gia cho rằng đây là một sai lầm đáng tiếc bởi khi ép rau củ để lấy nước, bạn đã bỏ đi phần chất xơ của chúng vốn thành phần cốt yếu giúp bạn cảm thấy no và yên tâm chờ đến bữa ăn tiếp theo

Thiếu chất xơ cũng khiến bạn dễ bị táo bón.Hơn nữa, nước ép của các loại trái cây ngọt chứa chủ yếu là đường, về cơ bản không tốt cho sức khỏe của bạn bằng ăn trái cây thô.

4. Rửa hoa quả

Rau quả rửa trong bồn rửa bát tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

 Nghiên cứu cho thấy bồn rửa là nơi mật độ vi khuẩn tập trung nhiều, không thích hợp để rửa rau quả hay những đồ ăn tươi sống, đặc biệt là quả dâu tây.

 

5. Lười uống nước vào mùa đông

Nhiều người có thói quen uống ít nước vào mùa đông bởi họ không cảm thấy khát. Thực tế, vào mùa đông, con người ít hoạt động thể chất hơn, những vận động bình thường cũng bị hạn chế, do đó cơ thể không cảm thấy khát. 

Các chuyên gia Hiệp hội dinh dưỡng Anh khuyên mỗi người trưởng thành cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giữ ẩm, kể cả mùa đông. Nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ bị mất nước, gây ra nhiều bệnh tật và các vấn đề sức khỏe về thận, khó tiêu…

6. Hút thuốc lá

Không hiểu hết tác hại của thuốc lá nên nhiều người hút một cách “vô tội vạ”. Thuỷ tinh thể là cơ quan mà ngay cả khi uống thuốc cũng ít tác dụng nhất nhưng cũng bị ảnh hưởng của thuốc lá. Thống kê cho thấy trong số các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có đến 20% người hút thuốc lá.

Nhiều nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá có thể gây ra những thay đổi sinh hóa trong cơ thể, đẩy nhanh quá trình lão hóa bằng cách thúc đẩy sự phá hủy collagen. Kết quả của việc hút thuốc là mắt dần yếu đi và đục thủy tinh thể. Không chỉ vậy, hút thuốc còn gây hại đến các bộ phận khác dẫn đến ung thư phổi, rối loạn nhịp tim, rối loạn cương dương…

7. Cất giầy dép

Giày dép thường mang theo phấn hoa, bụi bẩn và vi khuẩn ở bất cứ nơi đâu bạn đặt chân tới. Nếu khi về đến nhà, bạn cất chúng trong tủ kín, vi khuẩn càng có cơ hội sinh sôi, tạo mùi, gây bệnh. Vì thế các chuyên gia khuyên nên để giày dép ở nơi thoáng mát, khô ráo.

8. Nói dối




Nói dối tưởng chừng là vô hại nhưng nghiên cứu cho thấy hành vi này ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tâm thần. Theo các nhà nghiên cứu, khi bạn nói dối, cơ thể theo một cách vô thức sẽ sản sinh ra những chất hóa học gây cảm giác căng thẳng có hại cho sức khỏe. Bởi bạn phải động não để nghĩ ra cách nói dối và lại lo lắng mình có sơ hở gì hay không.

9. Lười dọn vệ sinh nhà cửa

Lười biếng dọn dẹp nhà cửa sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn ẩn nấp và phát triển. Nhưng do công việc bận rộn hay tính cách lười biếng mà bạn ít quan tâm phòng ốc của mình. Do vậy, ít nhất mỗi ngày bạn nên quét dọn sạch sẽ phòng ngủ. Nghiên cứu cho thấy việc lau dọn nhà cửa có thể cải thiện hệ miễn dịch của con người sống trong đó, đồng thời ngăn cơ thể sản xuất cortisol (hormone gây stress).

Theo Health-Hoàng Kỳ (daikynguyen)