Mỗi người nghẹn ngào vì những việc, những người khác nhau. Ông Tổng bí thư nghẹn ngào khi trung ương kỉ luật ông Nguyễn Thanh Long, điều ấy là dễ hiểu bởi ông Long là đồng chí cao cấp, là đảng viên lâu năm và giỏi giang của ông Tổng bí thư. Tôi cũng xin phép được nghẹn ngào.
Tôi nghẹn ngào bởi 30.000 đồng bào của tôi chết vì đại dịch, hai ngàn đứa trẻ thành mồ côi. Trong ấy có biết bao người chết oan khi mà việc phân loại và cách li F0, F1, việc ngoáy mũi tràn lan, vô tội vạ có thể gây ra lây nhiễm chéo và nhầm lẫn.
Tôi nghẹn ngào khi trong đại dịch, có những hẻm ở Sài Gòn đầy người chết, người đã phải trải qua một địa ngục dưới trần gian. Có những người sống sót duy nhất trong một gia đình hơn chục người.
Tôi nghẹn ngào bởi chỉ có 100 ngàn đồng trong túi, một người chồng trẻ không thể đưa vợ đến viện mà phải tự đỡ đẻ cho vợ, bằng cách gọi điện để mẹ mình hướng dẫn cách đỡ đẻ.
Tôi đã tự hỏi, chẳng lẽ xã hội này man rợ đến thế sao, khi tính mạng người phụ nữ có thể bị nguy hiểm đến vậy ngay giữa niềm vui làm mẹ và con người ta có thể cô đơn đến thế sao, khi mà sự việc xảy ra ngay trong lòng một thành phố lớn nhất cả nước, khi mà các Hội Phụ nữ, Hội Bà mẹ Trẻ em, Tổ Dân phố đang tồn tại?
Tôi nghẹn ngào khi một đôi vợ chồng mất công chở cả đàn chó trên chiếc xe máy để khi về đến nơi, chính quyền địa phương mang đi tiêu huỷ, như thể đàn chó, nguồn yêu thương của đôi vợ chồng nghèo là mầm lây nhiễm bệnh.
Tôi nghẹn ngào khi chứng kiến hàng vạn đồng bào rời khỏi thành phố lớn trong sợ hãi, trong buồn bã khi giấc mơ đổi đời vỡ tan, khi nỗi hoảng sợ bệnh tật và chết chóc khiến họ phải từ bỏ tất cả để quay về quê hương bằng xe đạp, xe máy hay đi bộ.
Tôi nghẹn ngào bởi những bệnh nhân ung thư và gia đình họ trong lúc tuyệt vọng nhất thì bị bán thuốc điều trị ung thư giả, những đồng tiền mồ hôi nước mắt cuối cùng cũng bị lấy nốt từ những con tim đang đau khổ nhất bởi sự chia ly giữa người sống và người sắp chết.
Tôi nghẹn ngào bởi bao đồng bào từ nước ngoài, đang khát khao về lại đất nước trong mùa dịch thì bị chính đồng bào có chức sắc của mình lợi dụng để kiếm lợi, song họ lại có thể đứng lên dưới ánh sáng sân khấu để được vinh danh này nọ.
Tôi nghẹn ngào bởi một bộ máy luôn nói vì dân, do dân nhưng cán bộ của một ngành đáng nhẽ là phải có đức nhất, yêu thương con người nhất thì lại tham nhũng tràn lan khắp các tỉnh thành, lợi dụng sự khốn khổ của dân đen để kiếm lợi.
Tôi nghẹn ngào bởi một hệ thống giáo dục bắt con trẻ học đến lồi mắt, đờ đẫn, mụ mị đầu óc nhưng lớ ngớ trong giao tiếp, ngơ ngác kiến thức xã hội, ẻo lả về thể chất, lấy con em như con tin để bắt phụ huynh phải chiều theo mọi “cải cách” đưa ra nhưng không chịu cải cách chính tư duy của mình.
Tôi nghẹn ngào bởi tôi biết là mình trao tặng cho các con một xã hội mà cái xấu lan tràn, khi mà một thằng nhóc mang tiếng nhà văn trẻ bằng tuổi con tôi có thể mày tao với tôi như thể tôi là một dạng bỏ đi, không chút giá trị trong xã hội mặc dù tôi là một người luôn nỗ lực trong mọi việc mình làm, luôn quan tâm tới xã hội và luôn tự hào về bản thân mình vì những đóng góp của mình.
Tôi nghẹn ngào bởi tôi biết những nghẹn ngào của tôi nó rơi vào tuyệt vọng âm u, như thể tôi đang lạc vào một cái cống đen ngòm, chưa thấy ánh sáng nơi nao.
Tôi nghẹn ngào bởi biết rằng đến cuối cuộc đời mình, con cái tôi sẽ lại phải vật lộn trong một xã hội ngập ngụa với rác trong đầu, với rác trên đường và chúng cũng sẽ bị bào mòn nếu chúng muốn làm những người chân chính, có trách nhiệm với xã hội.
Tôi hy vọng các vị lãnh đạo sẽ nghẹn ngào cùng với tôi và tôi xin phép được nghẹn ngào và đừng dùng những nghẹn ngào này để chụp tôi những cái mũ vớ vẩn.
Đoàn Bảo Châu/nguoiphuongnam