Thường xuyên nghe hoặc cảm thấy lạo xạo trong khớp mỗi khi di chuyển là dấu hiệu cho thấy khớp có thể đã bị viêm hoặc chấn thương.
Theo chuyên gia cảm giác lạo xạo ở khớp xảy ra do sụn khớp bị thoái hóa, khi di chuyển, bề mặt khớp trở nên thô và cọ xát vào nhau.
Dù không được xem là dấu hiệu điển hình trong chẩn đoán, lạo xạo khớp có thể liên quan đến các bệnh lý sau:
Thói hóa khớp gối
Thoái hóa khớp: là tình trạng mạn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Sụn khớp được xem là lớp đệm bao phủ bề mặt xương, có chức năng bảo vệ, giảm ma sát trong khớp. Nếu sụn và đĩa đệm ở giữa hai đầu xương bị hao mòn, dịch nhầy bôi trơn giảm dần thì khi người bệnh di chuyển, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau, phát ra tiếng kêu lạo xạo kèm theo đau nhức dữ dội.
Khi bị thoái hóa khớp, người bệnh còn cảm thấy đau nhức và cứng khớp, vận động khó khăn, teo cơ, biến dạng khớp... Hầu hết các khớp trên cơ thể đều có nguy cơ bị thoái hóa, kể cả cột sống lưng, cột sống cổ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quá trình lão hóa tự nhiên, tuổi tác càng cao thì thoái hóa khớp càng nặng nên không có cách chữa khỏi lành hoàn toàn. Các phương pháp điều trị tập trung vào mục tiêu giảm đau, duy trì chức năng vận động và tính linh hoạt của khớp.
Viêm khớp dạng thấp: là bệnh lý viêm khớp tự miễn mạn tính, xảy ra do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Khi người bệnh mắc viêm khớp dạng thấp, các phản ứng tự miễn dịch với viêm đến muộn, làm giải phóng cytoline và hình thành dịch rỉ viêm trong khớp gây phá hủy sụn. Bệnh ảnh hưởng đến màng hoạt dịch của khớp, từ từ bào mòn xương và gây ra tình trạng biến dạng khớp. Ngoài tiếng lạo xạo, viêm khớp dạng thấp còn xuất hiện các triệu chứng như sưng đau các khớp, cứng khớp vào buổi sáng, mệt mỏi, sốt, chán ăn...
Bệnh lý này thường ảnh hưởng đến các khớp đối xứng nhau, bắt đầu từ khớp nhỏ như các khớp gắn ngón tay với bàn tay, ngón chân với bàn chân, sau đó phát triển đến khớp cổ tay, đầu gối, mắt cá chân... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như loãng xương, bệnh tim mạch, nhiễm trùng, khô mắt và miệng, bệnh phổi, ung thư hạch. Các phương pháp chữa trị viêm khớp dạng thấp phổ biến là dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập thể dục và phẫu thuật. Việc chỉ định phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe tổng quát, tiền sử bệnh và mức độ nghiêm trọng của viêm khớp dạng thấp.
khô khớp gối
Khô khớp: là hiện tượng khớp tiết ra ít hoặc không đủ các chất dịch nhờn để bôi trơn khi vận động. Ban đầu, bệnh chưa gây đau nhức mà chủ yếu làm phát ra tiếng kêu lạo xạo ở khớp. Theo thời gian, khi dịch nhờn mất đi ngày càng nhiều, tiếng lạo xạo rõ ràng hơn, xuất hiện những cơn đau dữ dội, tê cứng và sưng khớp, khó chịu lúc vận động. Khô khớp thường xảy ra nhất ở khớp gối nhưng cũng có thể gặp ở nhiều khớp khác như khuỷu tay, khớp cổ, vai...
Khô khớp có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như lão hóa, lười vận động, hậu quả của chấn thương, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lạm dụng rượu bia và thuốc lá... Đối với khô khớp, một lối sống khoa học với thói quen vận động thường xuyên, kiểm soát tốt căng thẳng và ăn uống đủ chất giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Theo chuyên gia lạo xạo khớp là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe thuộc nhóm bệnh lý viêm khớp. Các bệnh lý này liên quan đến khớp ở mọi vị trí trên cơ thể, như khớp cổ tay, đầu gối, hông, ngón tay, vai... Đặc biệt, một số loại còn ảnh hưởng đến các mô và cơ quan liên kết khác như da, mắt, tim, phổi... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể làm biến dạng khớp, gây tàn phế. Do đó, để có phương hướng điều trị đúng đắn, khi cảm thấy khớp lạo xạo, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Theo BS NguyễnThịPhương - Phi Hồng/vnExpress