Nghiên cứu hơn 80 năm của Harvard hé lộ chìa khoá để có được hạnh phúc không phải là tiền bạc hay danh tiếng mà là điều vô cùng gần gũi và quen thuộc .
Giáo sư Robert Waldinger
“Điều gì giúp chúng ta sống khoẻ mạnh và luôn hạnh phúc?” là câu hỏi mở đầu cho bài diễn thuyết thu hút hơn 22 triệu lượt xem trên TED Talks của nhà tâm thần học nổi tiếng Robert Waldinger.
Ông hiện là Giáo sư Tâm thần học tại Trường Y Harvard và là người chịu trách nhiệm chỉ đạo dự án The study of Adult Development – Nghiên cứu về sự phát triển của con người. Đây là một trong những nghiên cứu quan trọng với thời gian dài nhất lịch sử từng được thực hiện.
NGHIÊN CỨU DÀI NHẤT LỊCH SỬ
Theo đó, dự án The study of Adult Development – Nghiên cứu về sự phát triển của con người được bắt đầu từ những năm 1938 và kéo dài cho đến nay. Trong hơn 80 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát cuộc sống của 724 nam giới. Những người này được chia thành 2 nhóm, nhóm 1 là sinh viên năm 2 của Đại học Harvard, nhóm 2 là những nam sinh đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất Boston.
Sau hơn 80 năm nghiên cứu, cho tới hiện tại gần 60 người trong số 724 người này vẫn còn sống, đang ở độ tuổi ngoài 90 và vẫn tiếp tục tham gia dự án. Không những vậy, thế hệ con cháu của những người này cũng đồng ý tham gia nghiên cứu này, cho đến hiện tại con số đã lên hơn 2000 người.
Theo giáo sư Robert Waldinger chia sẻ, tất cả những người tham gia đều được theo dõi sức khỏe định kỳ, lấy mẫu máu và quét sóng não. Thậm chí các chuyên gia còn phỏng vấn cha mẹ của những người này để tìm hiểu về tính cách, môi trường sống của mỗi thành viên tham gia dự án.
Những nam sinh đó sau này đã trưởng thành và bước vào mọi tầng lớp trong xã hội. Có người trở thành bác sĩ, luật sư, có người trở thành công nhân, một trong số đó thậm chí đã trở thành Tổng thống Mỹ.
Trong 724 nam sinh khi đó có những người vượt lên trên nghèo khó để vươn tới các vị trí cao trong xã hội, ngược lại có những người từ nơi cao tụt xuống đáy xã hội. Trong số đó cũng có những người có cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc, thành công lại có những người luôn sống trong sự đau khổ, giằng xé cùng với nỗi ê chề của thất bại. Thông qua hàng chục năm nghiên cứu cùng hàng chục nghìn trang dữ liệu, giáo sư Robert Waldinger đã chỉ ra:
“Không phải sự giàu có, danh tiếng hay làm việc chăm chỉ giúp chúng ta có được cuộc sống hạnh phúc, thứ giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn chính là những mối quan hệ tốt đẹp”.
Giáo sư Robert Waldinger chia sẻ, khi thực hiện khảo sát về việc “Mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là gì” hơn 80% người có câu trả lời là “làm giàu”. Từ kết quả này, giáo sư Robert Waldinger cho biết, việc chúng ta vô tình cho rằng việc nỗ lực kiếm thật nhiều tiền và nhiều tiền hơn nữa để có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn dễ khiến chúng ta có nhận định không chính xác.
Theo đó, qua nghiên cứu về sự phát triển của con người, giáo sư chỉ ra thứ quyết định cuộc đời của một người có hạnh phúc hay không lại phụ thuộc vào những mối quan hệ với người thân, bạn bè và cộng đồng.
Dưới đây là 3 bài học lớn về các mối quan hệ được các nhà khoa học đúc kết từ nghiên cứu này.
Chủ động kết nối, tránh xa cô đơn “độc hại”
Bước đầu tiên để có mối quan hệ tốt đẹp chúng ta cần dũng cảm, chủ động kết nối, mở rộng quan hệ và hãy kết bạn. Tránh việc để bản thân trở nên lạc lõng hay chìm trong sự cô đơn “độc hại” không có 1 người ai bên cạnh thấu hiểu.
Vì qua nghiên cứu giáo sư Robert Waldinger chỉ ra, những người bị cô lập, sống trong sự cô đơn “độc hại” thường có sức khỏe kém đi ở giai đoạn đầu trung niên, chức năng não suy giảm và tuổi thọ bị rút ngắn.
Ý kiến này cũng tương tự với nghiên cứu của Đại Học Chicago khi phát hiện ra não của những người cô đơn hoạt hóa trì trệ, dễ mắc các bệnh tim mạch, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và dễ mắc các bệnh tâm lý hơn những người có các mối quan hệ tốt đẹp.
Từ những nghiên cứu này, giáo sư Robert Waldinger đã đưa ra biện pháp “tiêu diệt” sự cô đơn “độc hại” chính là những mối quan hệ “tích cực”.
Thông qua nghiên cứu, giáo sư cho biết, những người có mối quan hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng tốt hơn thường dễ dàng có được niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe tốt hơn và sống thọ hơn với những người cô đơn ít bạn bè.
Có thể thấy việc có những mối quan hệ tốt đẹp là tiền đề giúp chúng ta có được niềm vui và sự hạnh phúc cùng sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Chất lượng của các mối quan hệ quan trọng hơn số lượng
Qua thống kê, cứ 5 người trưởng thành lại có 1 người cô đơn giữa 1 đám đông, cô đơn trong môi trường làm việc, cô đơn trong cuộc hôn nhân của mình hoặc cô đơn trong chính gia đình mình… Theo đó, thông điệp thứ hai mà các chuyên gia đã rút ra sau nghiên cứu đó là: “Việc bạn có bao nhiêu bạn bè hay người thân không phải là vấn đề, quan trọng là chất lượng những mối quan hệ đó ra sao”.
Theo nghiên cứu có rất nhiều nam giới và nữ giới 80 tuổi nói rằng họ thấy vô cùng hạnh phúc dù cơ thể đã già yếu và thường xuyên phải chịu sự đau đớn, tuy nhiên họ vẫn luôn thấy vui vẻ vì bên cạnh mình có người vợ/ người chồng hoặc người thân thấu hiểu và yêu thương họ.
Ngược lại, những cặp vợ chồng hay những người thường xuyên phải sống giữa những bất đồng, lạnh nhạt và có những mối quan hệ bất hạnh thường cảm thấy nỗi đau thể xác dường như nhân lên nhiều lần và trở nên trầm trọng hơn mỗi khi có thêm sự xuất hiện của nỗi đau tinh thần.
“Việc phải sống cùng người chồng, người vợ độc hại đôi khi còn đáng sợ cả việc ly hôn”, giáo sư Robert Waldinger cho biết.
Chính vì vậy, trong trường hợp này hãy luôn ghi nhớ rằng “chất lượng quan trọng hơn số lượng” hãy lựa chọn đồng hành cùng những người thực sự thấu hiểu và tôn trọng, yêu thương bạn một cách chân thành.
Không sợ những mối quan hệ tranh cãi,chỉ sợ những mối quan hệ không có sự tin tưởng
Giáo sư Robert Waldinger cho biết, việc gắn bó với người khác giúp trí nhớ của chúng ta trở nên “sắc bén” hơn. Theo nghiên cứu việc được ở trong những mối quan hệ tốt đẹp, luôn tin cậy lẫn nhau sẽ giúp chúng ta có trí nhớ tốt hơn bình thường. Ngược lại, những người ở trong mối quan hệ không thể tin tưởng người khác là những người dễ bị suy giảm trí nhớ.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, một mối quan hệ không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” đôi khi cũng sẽ có mâu thuẫn. Ví dụ như một cặp vợ chồng, họ hoàn toàn có thể xảy ra tranh cãi, nhưng miễn họ luôn tin tưởng nhau, khi khó khăn luôn tìm đến nhau thì những cuộc cãi vã đó không ảnh hưởng xấu tới trí nhớ của họ. Có thể thấy, những mối quan hệ xây dựng trên sự tin cậy sẽ giúp “bảo vệ” não bộ của chúng ta tốt hơn.
Sau cùng, chìa khoá để có được một cuộc sống hạnh phúc không phải là tiền bạc hay danh tiếng mà là những mối quan hệ tốt đẹp đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời. Mong rằng các sau bài viết này mọi người rút ra được “chìa khoá” hạnh phúc cho riêng mình.
Theo Trí thức Trẻ/anle20