Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Thử nghiệm thành công tàu siêu tốc "hyperloop" đầu tiên trên thế giới

Mới đây, công ty Virgin Hyperloop đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công tàu siêu tốc chở khách sử dụng công nghệ Hyperloop vượt trội. Cuộc thử nghiệm này đối với công ty là một dấu mốc quan trọng, qua đó giúp mở ra triển vọng về một loại phương tiện giao thông vận tải mới có thể đạt tốc độ lên tới 1.000 km/h. 

Hyperloop
Tàu siêu tốc sử dụng công nghệ Hyperloop. (Ảnh: Thomas Yim/Virgin Hyperloop)

Hyperloop là hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao với khoang chở khách hay hàng hóa được đặt trong đường ống áp suất thấp để giảm ma sát, đạt vận tốc gấp 2 lần so với máy bay chở khách thông thường. Công nghệ Hyperloop được cho là phương thức vận chuyển thứ 5 sau đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt.

Hôm 8/11 vừa qua, chuyến đi chở người thử nghiệm đầu tiên bằng công nghệ Hyperloop đã được tiến hành tại bang Nevada, Mỹ. Hai hành khách đầu tiên có được vinh dự này là anh Josh Giegel, đồng sáng lập Virgin Hyperloop và cô Sara Luchian, trưởng bộ phận Trải nghiệm Khách hàng của công ty Virgin Hyperloop, công ty nghiên cứu và tổ chức chuyến đi thử nghiệm lịch sử kể trên. Chiếc tàu chỉ mất 15 giây để di chuyển quãng đường 500m.

Sự có mặt của anh Giegel, với vai trò lãnh đạo dự án của công ty, là một minh chứng rõ ràng cho sự tự tin của mình về sản phẩm của Virgin Hyperloop. Trong khi đó, cô Lucian là một trong số 40 nhân viên của công ty đã tình nguyện đăng ký ngồi vào chiếc ghế bên cạnh trong khoang. Virgin Hyperloop cho biết cả hai hành khách đều phải trải qua nhiều bài kiểm tra và huấn luyện với cường độ cao để đảm bảo rằng họ có đủ sức khỏe và sẵn sàng cho chuyến đi. Họ được đưa đi bộ trong ống vận chuyển và giới thiệu các lối thoát khác nhau cũng như những quy trình khẩn cấp phòng trường hợp có sự cố xảy ra. Cặp đôi này cũng sẽ luôn giữ liên lạc với phòng điểu khiển của công ty trong suốt quá trình thử nghiệm.

Hyperloop
Hai hành khách tham gia thử nghiệm tàu siêu tốc công nghệ Hyperloop hôm 8/11 vừa qua. (Ảnh: Sarah Lawson/Virgin Hyperloop)

Khoang tàu sử dụng trong chuyến hành trình này là một khoang tàu Hyperloop thế hệ thứ 2 được chế tạo mới tinh với tên mã là XP-2 và tên thông thường là “Kén Pegasus” (Pegasus Pod). Chiếc Kén Pegasus này được thiết kế cho 2 người ngồi thoải mái bên trong. Hai ghế được trang bị bộ đai an toàn 5 điểm, cấp độ được sử dụng trong những chiếc xe đua. Tuy nhiên, chúng đã được cải tiến một chút để dễ sử dụng hơn cho việc thử nghiệm và triển khai thương mại sau này.

Kén Pegasus. (Ảnh: Thomas Yim/ Virgin Hyperloop)

Tốc độ của Kén Pegasus trong thử nghiệm này được thiết lập ở 172km/h, ít hơn một nửa so với tốc độ tối đa 386 km/h mà người ta đã thử nghiệm trong điều kiện không hành khách vào năm 2017. Một phần nguyên nhân là do chiều dài của ống chỉ là 500m, không đủ để kiểm nghiệm được vận tốc di chuyển cao như vậy. Dẫu vậy, khi cơ sở thử nghiệm thứ 2 lớn hơn của Virgin Hyperloop được hoàn thành ở bang West Virginia, họ sẽ có đủ điều kiện kiểm tra với vận tốc lớn hơn.

Sự kiện này được đại diện của công ty đánh giá là “lần đầu bước lên mặt trăng” của họ. Bởi việc chiếc Kén chứng minh được độ an toàn cho người sử dụng là một cột mốc lớn trong hành trình tốc độ của nó. Các công ty khác cũng đang chạy đua để phát triển công nghệ Hyperloop nhưng Virgin Hyperloop là công ty duy nhất đã thử nghiệm thành công công nghệ này với hành khách.

Hiện Virgin Hyperloop đang phát triển tàu Hyperloop có khả năng vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa với tốc đạt 1.080 km/h, theo đó hành khách sẽ chỉ mất 45 phút để di chuyển trên hành trình từ Los Angeles đến San Francisco. Con tàu tương lai này được thiết kế để vận chuyển cùng lúc 28 người. Ngoài tính năng vượt trội về tốc độ, con tàu này còn góp phần bảo vệ môi trường khi lượng khí phát thải bằng 0%. Tính đến nay, tàu Hyperlooop đã nhận được 400 triệu USD vốn đầu tư.

Theo Engadget,Hạ Chi/trithuc