Là người Việt, chúng ta cần phải nói và viết tiếng Việt cho chính xác. Hiện nay có nhan nhản những chữ dùng sai và những lỗi in sai trên các sách báo và trong các buổi phát thanh ở quốc nội cũng như quốc ngoại, tôi thật sự lo lắng tiếng Việt sẽ dần dần mất đi sự chuẩn xác vì chiều hướng sử dụng sai từ ngữ hoặc viết sai chính tả. Tiếng Việt chúng ta phần lớn gồm những tiếng Hán-Việt nên nếu không thông hiểu ngữ nghĩa thì rất dễ sử dụng sai, nhất là đối với các từ cùng âm khác nghĩa. Lúc đầu chỉ có một số người dùng sai, sau đó nhiều người bắt chước dùng theo rồi dùng mãi nghe quen tai nên cứ tưởng là đúng. Tôi thấy nhiều người kể cả một số nhà văn, nhà báo, đều sử dụng một số từ ngữ tiếng Việt không chính xác như sau:
Dưới tuổi vị thành niên và trên tuổi vị thành niên: Theo quy định pháp luật hiện hành của nhiều nước trong đó có Mỹ và Việt Nam thì đời người có 2 độ tuổi rõ ràng: vị thành niên có nghĩa là người chưa trưởng thành (vị = chưa) dưới 18 tuổi và thành niên (= người đã trưởng thành trên 18 tuổi). Vì vậy, không có độ tuổi nào được gọi là dưới hay trên tuổi vị thành niên.
Hôn phu và hôn thê: Hai từ ngữ này đều vô nghĩa và không có trong tự điển tiếng Việt. Nếu muốn nói là chồng hay vợ chưa cưới thì phải viết hay nói là vị hôn phu hoặc vị hôn thê (vị = chưa; vị hôn = chưa cưới, dùng để bổ nghĩa cho phu hoặc thê).
Nhân đây, để phân biệt rõ nghĩa của từ, xin nói thêm về từ “vị” là tiếng Hán-Việt có nhiều từ đồng âm khác nghĩa như sau:
* Vị có nghĩa là “chưa” như đã nói trên.
* Vị có nghĩa là “vì” như vị kỷ, vị ngã, vị tha, vị nhân, vị nể, vị quốc vong thân…
* Vị có nghĩa là “chức vụ, ngôi thứ” như danh vị. học vị, chức vị, thoái vị…
* Vị có nghĩa là “từng người” (có ý tôn kính chức vụ, danh hiệu) như quý vị, liệt vị, chư vị, quý vị, vị vua, vị chủ tịch, vị đại biểu…
* Vị có nghĩa là “chỗ, vị trí” như bài vị, linh vị, yên vị, kế vị, hư vị, đồng vị, hoán vị, nhân vị, phương vị…
* Vị có nghĩa là “cảm nhận được bằng lưỡi” như vị giác, khẩu vị, gia vị, hải vị, mỹ vị, vô vị, vị ngọt, vị mặn…
* Vị có nghĩa là “thứ, nói về thành phần trong tổng thể” như ngũ vị hương, lục vị, bát vị…
* Vị có nghĩa là “từng dược liệu trong thang thuốc đông y” như thang thuốc thập vị, mỗi vị 2 chỉ…
* Vị có nghĩa là “nói” như vị chi (năm với năm vị chi mười), vị ngữ, chủ vị…
* Vị có nghĩa là “tập hợp, loai” như tự vị (từ điển).
* Vị có nghĩa là “dạ dày” như tỳ vị (lá lách và dạ dày).
*Vị có nghĩa là ngôi thứ 8 trong 12 địa chi, còn gọi là “mùi” như tuổi đinh mùi hay đinh vị, tuổi tân mùi hay tân vị v.v…
* Vị có nghĩa là con nhím. Vân vân…
Cặp đôi: Cặp có nghĩa là hai vật hoặc hai cá thể đi đôi với nhau. Đôi có nghĩa là hai vật hay hai cá thể. Người ta nói “đôi vợ chồng” hoặc “cặp vợ chồng”, “đôi tình nhân” hoặc “cặp tình nhân”, “ đôi trai gái” hoặc “cặp trai gái” v.v… Không biết có phải người ta có ý muốn nhấn mạnh hay sao chứ riêng tôi thấy dùng từ ngữ “cặp đôi” (2+2=4) để diễn tả 2 cá thể thì nghe không hợp lý.
Lễ vu quy: “Vu quy” có nghĩa là “về nhà chồng”. Trong những thiệp cưới, người ta thường ghi “Trân trọng báo tin lễ thành hôn và vu quy của con chúng tôi”. Thật ra, chữ “lễ thành hôn” đã đủ nghĩa là “lễ cưới” áp dụng cho cả trai lẫn gái và “vu quy” chỉ là một hành động của cô dâu đi về nhà chồng sau lễ cưới, tất nhiên chỉ là một phần trong lễ thành hôn chứ không có một lễ riêng biệt. Cặp trai gái này được gọi là “đôi tân hôn” (căp vợ chồng mới cưới) nên cả hai bên đều có thể dùng từ ngữ “tân hôn” chứ không phải dành riêng cho đàng trai nên đâu có cần đàng gái phải treo chữ “vu quy” trước cổng nhà mình (!).
Đương cáo: Trong một vụ kiện có “nguyên cáo và bị cáo” hoặc “nguyên đơn và bị đơn” chứ không có nhân vật nào được gọi là đương cáo cả! Từ này mới được chỉ có một tác giả vừa sáng tạo nên không có trong từ điển tiếng Việt và trở nên vô nghĩa.
Nhà khoa học gia hoặc nhà chính trị gia v.v…: “Gia” (tiếng Hán-Việt) nghĩa là “nhà” nên chỉ dùng một chữ “nhà” hoặc một chữ “gia” cho khỏi trùng ý (nhà khoa học hoặc khoa học gia, nhà chính trị hoặc chính trị gia, nhà kinh tế hoặc kinh tế gia v.v…).
Hạ nghị sĩ: Quốc hội Hoa Kỳ (United States Congress) là cơ quan lập pháp lưỡng viện của Chính quyền Liên bang Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa Kỳ gồm có Hạ viện (House of Representatives, còn gọi là Viện Dân biểu) và Thượng viện (Senate). Hạ viện có 435 thành viên được gọi là dân biểu (Representatives và được viết tắt là Rep.). Thượng viện có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ (senators). Không có chữ tiếng Anh nào được dịch là “hạ nghị sĩ” nên gọi như thế là sai. Các quốc gia khác như Anh, Pháp… có quốc hội lưỡng viện cũng không dùng chữ nào có nghĩa là “hạ nghị sĩ” hết!
Yếu điểm: “Yếu điểm” (từ Hán-Việt) có nghĩa là điểm trọng yếu (điểm quan trọng và chính yếu). “ Điểm yếu” (từ thuần Việt) có nghĩa là điểm yếu kém, đồng nghĩa với “nhược điểm” hoặc “khuyết điểm” (điểm thiếu sót) đều là những từ Hán-Việt. Có rất nhiều người đã hiểu nhầm lẫn “yếu điểm” là “điểm yếu” (!).
Hỗ trợ: “Hỗ trợ” có nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau, đồng nghĩa với “tương trợ” (hỗ = tương = lẫn nhau). Nếu một bên đơn phương giúp bên kia như chính phủ xuất ngân sách giúp người dân trong cơn đại dịch thì không thể gọi là “tiền hỗ trợ” (vì người dân đâu có giúp lại chính phủ) mà phải gọi là tiền cứu trợ hay tiền trợ cấp hoăc một luật sư có dịch vụ giúp đỡ đồng hương về mặt pháp lý thì nên dùng từ ngữ “trợ giúp pháp lý” (vì đồng hương không giúp gì lại cho người luật sư). Như vậy, nếu đơn phương giúp đỡ người khác thì tùy trường hợp dùng các từ ngữ: giúp đỡ, trợ giúp, trợ lực, ủng hộ, bảo trợ… (không có chữ “hỗ” trong trường hợp này). Còn một cách giúp đỡ nữa gọi là “yễm trợ” (danh từ quân sự) có nghĩa là che chở và giúp đỡ bằng hỏa lực.
Trù trì: Người ta thường nói vị sư “trù trì” một ngôi chùa. Thật ra phải nói là “trụ trì”mới đúng chứ không phải “trù trì” hay “trú trì” vì chữ “trụ” có nghĩa là “còn đấy”. Hễ cái gì đang ở vào thời kỳ còn đấy thì gọi là “trụ”. Trụ trì Phật bảo nghĩa là Phật ở đời mãi mãi. Trụ trì tam bảo nghĩa là Phật tịch rồi nhưng còn tượng Ngài lưu lại. Trụ trì pháp bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng kinh sách của Ngài còn lưu truyền. Trụ trì tăng bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng còn các vị xuất gia tu hành kế tiếp làm việc Phật. Vì thế, có một vị sư nào làm chủ trông nom cả một ngôi chùa thì gọi là vị “sư trụ trì”. Cũng như nơi làm việc của một cơ quan gọi là trụ sở như trụ sở ủy ban, trụ sở hội đoàn, trụ sở công ty… Còn “trú sở” là nơi ở tạm, nơi trú quán.
Miễn phúng điếu: “Phúng điếu” có nghĩa là mang tiền và lễ vật đến thăm viếng chia buồn cùng tang quyến. Nếu nói là “miễn phúng điếu” tức là miễn cả việc mang lễ vật lẫn thăm viếng. Vì thế, nếu tang gia không muốn nhận tiền hoặc vòng hoa thì phải nói rõ: “miễn tiền phúng điếu” hoặc “miễn vòng hoa phúng điếu”.
Dân da màu: Trắng, đen, vàng, đỏ, nâu … đều được gọi là màu. Tại sao không gọi thẳng “dân da đen” mà phải gọi tránh là “dân da màu”? Tiếng Mỹ vẫn gọi là “black people” chứ có gọi là “colored people” đâu!
Kịch bản: “Kịch bản” có nghĩa là vở kịch dưới dạng văn bản (viết một vở kịch). Kịch bản cũng có thể hiểu là một kế hoạch được tính toán từ trước và diễn tiến theo thứ tự, lớp lang. Bây giờ cái gì cũng “kịch bản” hết! Giá chứng khoán, giá vàng lên xuống cũng kịch bản. Cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ cũng kịch bản. Những cuộc va chạm ở Biển Đông cũng kịch bản. Thật là một thứ tiếng Việt dị hợm!
Đảng cộng sản Trung cộng: “Trung cộng” có nghĩa là “đảng cộng sản Trung quốc”. Vì vậy, nếu nói “đảng cộng sản Trung cộng” tức là đã lặp trùng ý.
Việt kiều: “Kiều” (tiếng Hán-Việt) có nghĩa là trú ngụ ở nước ngoài. “Việt kiều” là tiếng của người bản xứ (Mỹ, Anh, Pháp v.v…) gọi người Việt trú ngụ tại nước họ như ta gọi người Tàu trú ngụ tại nước mình là Hoa kiều vậy. Còn người Việt trong nước gọi đồng bào mình trú ngụ ở nước ngoài là “kiều bào” hoặc "người Việt ở nước ngoài". Nói chung, những người dân bất cứ của nước nào đến trú ngụ tại một nước khác thì gọi là kiều dân (= dân trú ngụ ở nước ngoài).
(theo thanhphogio)