TT Donald Trump và ứng cử viên TT Đảng Dân chủ Joe Biden trong lần tranh luận thứ nhì và cũng là cuối cùng giữa hai ứng cử viên tại Belmont University.
Trong khi cả thế giới theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một số nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ theo sát vì kết quả bầu cử ở Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới họ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Nhà lãnh đạo Israel vốn không mấy mặn mà với cựu Tổng thống Barack Obama, ca ngợi Tổng Thống Trump là “người bạn vĩ đại nhất” mà Israel từng có tại Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump đã trao cho ông Netanyahu nhiều “món quà ngoại giao”, kể cả thừa nhận Jerusalem là “thủ đô của Israel”, rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran của Tổng thống Obama, và đề nghị một kế hoạch hòa bình Trung Đông nghiêng hẳn về Israel, bất kể tới quyền lợi của người dân Palestine.
Một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Israel thuộc Đại học Bar Ilan, Eytan Gilboa, nhận định: “Đối với ông Netanyahu, ông Biden đắc cử sẽ là một thảm họa.” Ông Gilboa lưu ý rằng ông Biden chưa gì đã hứa sẽ có một hướng tiếp cận mới đối với Iran và người Palestine.
Bị gạt sang một bên và bị Tổng Thống Trump làm mất mặt, người Palestine không dấu giếm hy vọng của họ rằng ông Biden sẽ đắc cử.
“Thượng đế hãy giúp chúng ta, nếu chẳng may phải sống thêm 4 năm nữa với Tổng thống Trump!” Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh thốt lên hồi tuần trước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson
Với phong cách chính trị ồn ào năng nổ, thường được so sánh với phong cách của ông Trump, vị Thủ tướng bảo thủ của Anh có quan hệ thân thiện với Tổng Thống Trump.
Việc Tổng Thống Trump nhiệt liệt hậu thuẫn giải pháp Brexit, Anh rời khối EU, đã giúp ông Johnson lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Kim Darroch, đại sứ Anh tại Washington cho tới năm 2019, nói rằng ông Johnson có thể là “người bạn tốt nhất của ông Trump tại Châu Âu”, nếu ông đắc cử.
Mặc dù vậy, giữa London và Washington còn nhiều khác biệt quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế.
Trong trường hợp ông Biden thắng cử, thì các quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương có thể khôi phục lại trạng thái ‘bình thường tương đối’.
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình
Đối với nhà lãnh đạo Trung cộng, một nhiệm kỳ Tổng Thống Trump thứ hai sẽ lại tái tục các vụ đôi co thương mại, những xung đột ngoại giao và những lời tố cáo bất tận hàng ngày chống Trung cộng về nhiều vấn đề từ nhân quyền, tới môi trường và tranh chấp Biển Đông.
Dưới quyền ông Biden, Hoa Kỳ có thể xích lại gần các đồng minh và tiếp tục tham gia các tổ chức quốc tế, qua đó tăng áp lực và những yêu sách đối với Trung cộng. Nhưng ông Biden cũng sẽ mang lại một tình trạng bình thường, có thể đoán trước mà giới lãnh đạo Trung cộng ưa chuộng hơn vì nó giảm thiểu những vụ đối đầu liên tục như thời ông Trump.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng cánh hữu theo lập trường dân túy của Ấn Độ và Tổng Thống Trump được biết là có phong cách lãnh đạo giống nhau, bắt nguồn từ tình cảm dân tộc chủ nghĩa hữu khuynh.
Những người chỉ trích nói ông Trump thường quay mặt làm ngơ khi ông Modi thực thi một nghị trình dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo, xâm phạm lợi ích của các nhóm thiểu số tại Ấn Độ. Nếu Tổng Thống Trump đắc cử, ông Modi sẽ tiếp tục các chính sách bị chỉ trích nặng nề của ông mà không sợ Washington chú ý.
Ngược lại, ông Biden và ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris, vốn có mẹ là người Ấn Độ, trong quá khứ đã mạnh mẽ lên tiếng về quyết định gây tranh cãi của chính phủ Ấn Độ, hủy tình trạng bán tự trị đối với vùng Kashmir, nơi đa số dân theo Hồi giáo. Hai ứng cử viên trong liên danh Dân Chủ còn chỉ trích tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Ấn Độ, các vụ vi phạm quyền tự do báo chí và một đạo luật công dân mới được xem là có tính cách kỳ thị đối với người Hồi giáo.
Vua chúa cai trị các nước Vùng Vịnh
Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi và Hoàng Thái Tử Mohammed bin Zayed, người cai trị Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả rập, không phải là người hâm mộ chính quyền của Tổng thống Obama. Các nước này hoan nghênh ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, và áp đặt các biện pháp đã đẩy nền kinh tế Iran vào tình trạng tuột dốc không phanh.
Ông Trump còn sát cánh với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman khi ông này đối mặt với những chỉ trích gay gắt sau khi nhà báo Jamal Khashoggi bị hoạt vụ Saudi sát hại vào cuối năm 2018.
Tổng Thống Trump đã phủ quyết một nghị quyết tại quốc hội mà nếu thông qua, đã chấm dứt sự hậu thuẫn của Mỹ trong cuộc chiến do Ả Rập Saudi và UAE phát động ở Yemen, là cuộc chiến đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại nhất thế giới.
Các nhà vua ngự trị tại Trung Đông lo ngại ông Biden có thể tái tục các chính sách thời Obama, mời gọi sự tham gia của Iran, và quan tâm nhiều hơn tới nhân quyền.
Lãnh đạo tối cao Iran -Ayatollah Ali Khameini
Lãnh đạo tối cao Iran đã gánh chịu thay đổi 180 độ về chính sách giữa nhiệm kỳ Tổng thống Obama và Tổng Thống Trump.
Năm 2015, dân Iran đổ ra đường ca ngợi thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới, hy vọng sẽ bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Quyết định của Tổng Thống Trump đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân này dần dà khiến Iran tái tục các hoạt động hạt nhân.
Ông Biden nói rằng ông sẵn sàng ngồi xuống đàm phán với Iran nếu nước này tuân thủ những hạn chế ghi trong thỏa thuận hạt nhân.
Nếu ông Trump đắc cử, thì căng thẳng với Iran sẽ sôi sục trở lại.
Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines
Được coi như “ông Trump của Châu Á” vì phong cách chính trị không truyền thống và lối phát biểu bạt mạng, ông Duterte duy trì quan hệ thân thiện với Tổng Thống Trump, ông còn kêu gọi người Mỹ gốc Philippines hãy bầu cho ông Trump.
Ngược lại với Tổng thống Obama, Tổng Thống Trump chưa từng công khai lên tiếng về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của Philippines.
Nếu ông Biden đắc cử, quan hệ với Tổng thống Duterte có phần chắc sẽ có tính cách đối nghịch hơn.
(theo baomai)