Gặp những đợt bệnh kéo dài, việc ăn uống của người cao tuổi càng trở nên khó khăn hơn. Làm cách nào để bổ sung dinh dưỡng đúng cách và đầy đủ cho người cao tuổi sau bệnh?
Trước hết, cần hiểu rằng dinh dưỡng để đáp ứng cho giai đoạn phục hồi sức khỏe của người cao tuổi sẽ có một vài khác biệt so với chế độ dinh dưỡng thông thường hoặc cho người trung niên, người trẻ.
Dinh dưỡng cho người cao tuổi cần đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, giúp tăng sức đề kháng, phù hợp hoặc có tính chất phòng ngừa với các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi như loãng xương, tim mạch, tiểu đường… Nếu đang ở trong giai đoạn phục hồi, nguồn dinh dưỡng này cần dễ ăn/uống, dễ tiêu hóa, hấp thu, nhằm bổ sung kịp thời đầy đủ dưỡng chất, rút ngắn thời gian điều trị.
Dinh dưỡng cho người cao tuổi vừa vượt qua đột quỵ
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi dành cho người cao tuổi vượt qua đột quỵ. Chế độ ăn lành mạnh có lợi cho tim có thể giúp kiểm soát huyết áp, cholesterol trong máu, ổn định trọng lượng cơ thể và giảm nguy cơ tái đột quỵ trong tương lai. Đồng thời, việc ăn uống đủ chất cũng giúp cơ thể đáp ứng các nhu cầu năng lượng phục vụ tập luyện, phục hồi chức năng và các hoạt động hàng ngày của người cao tuổi.
Thực phẩm nên ăn: Mỗi ngày, người cao tuổi cần ăn nhiều trái cây tươi và rau quả. Nên ăn các loại rau sậm màu, đặc biệt xanh, đỏ, tím, vàng vì chúng rất giàu dinh dưỡng.
Hạn chế ăn thịt đỏ. Nên ăn thịt trắng như thịt nạc heo hoặc thịt gia cầm, các loại cá béo giàu omega - 3. Nguồn đạm thực vật từ các loại đậu, hạt khô rất tốt cho sức khoẻ của người cao tuổi sau đột quỵ. Cá béo, các loại hạt khô và dầu chiết xuất từ thực vật cũng là nguồn chất béo lành mạnh cho quả tim của người cao tuổi. Bên cạnh đó, sữa có thành phần như omega - 3, DHA, sterols esters thực vật rất tốt cho tim mạch của người sau đột quỵ.
Thực phẩm nên tránh: Sau đột quỵ, người cao tuổi cần hạn chế đồ ngọt, bánh quy, thực phẩm đóng gói và chất béo bão hoà (mỡ động vật, bơ thực vật…). Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi, người cao tuổi nên kiêng ăn mặn, không nên nêm nhiều nước mắm, muối, bột ngọt (mì chính) vào thức ăn và kiêng ăn thức ăn chế biến sẵn. Bên cạnh đó, người mới trải qua đột quỵ nên tránh thức uống chứa cồn và chất kích thích như bia, rượu, cà phê.
Để đảm bảo sự phục hồi ổn định, người cao tuổi cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, kết hợp với việc kiểm tra sức khoẻ thường xuyên và uống đầy đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Dinh dưỡng cho người cao tuổi sau phẫu thuật
Việc trải qua phẫu thuật khiến cơ thể mất sức và có thể mất máu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, sau phẫu thuật người cao tuổi nên ăn thực phẩm ít qua chế biến, để cung cấp nguồn dinh dưỡng lành mạnh và dễ tiêu hoá. Thức ăn hấp, luộc tốt hơn chiên, rán, xào và thực phẩm công nghiệp. Thực phẩm qua nhiều bước chế biến, khả năng sẽ có lượng chất béo chuyển hóa, bão hòa, đường, muối khá cao và làm mất đi hàm lượng các dưỡng chất.
Nguồn chất đạm lành mạnh là đạm từ thực vật (các loại đậu), thịt trắng (thịt gà, lợn) và cá, giúp dễ tiêu hoá và hấp thu. Nên hạn chế thịt đỏ vì có thể gây ra táo bón. Sữa cũng là nguồn cung cấp chất đạm hiệu quả cho người sau phẫu thuật, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc ăn uống.
Dinh dưỡng cho người cao tuổi suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể là sự suy yếu về cả thể chất lẫn tinh thần. Nguyên nhân có thể do bệnh tật, thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc rối loạn chuyển hoá, ... Để phục hồi sức khoẻ cho người cao tuổi bị suy nhược cơ thể, chế độ ăn uống cần giàu chất dinh dưỡng và cân bằng.
Thực phẩm phải đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu như đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ, vitamin, khoáng chất và nước. Chất đạm từ thực vật hoặc thịt trắng, cá rất tốt cho sức khoẻ. Các loại chất béo chiết xuất từ thực vật như dầu ô-liu, dầu mè và cá có mỡ là chất béo lành mạnh rất tốt cho người suy nhược cơ thể. Bạn cũng cần bổ sung nhiều trái cây và rau củ để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nếu gặp tình trạng chán ăn hoặc ăn không ngon miệng, bạn nên uống thêm sữa bột đặc chế dành cho người cao tuổi để đảm bảo nguồn dưỡng chất.
Đối với người cao tuổi có bệnh mãn tính nên ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ, đặc biệt trong những trường hợp có bệnh tiểu đường hoặc tim mạch.
ThiNga/ soha