CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU HÀ LAN ĐÃ KHÁM PHÁ RA TUYẾN NƯỚC BỌT Ở MỘT VỊ TRÍ CHƯA TỪNG BIẾT ĐẾN, HỨA HẸN TẠO RA PHƯƠNG PHÁP XẠ TRỊ UNG THƯ ĐẦU – CỔ TỐI ƯU.
Theo bác sĩ Wouter Vogel và bác sĩ Matthijs Valstar từ Viện Ung thư Hà Lan, 2 tác giả đứng đầu nghiên cứu, trong khi họ đang tìm tòi về một kiểu chẩn đoán hình ảnh mới thì 2 khu vực bất ngờ sáng lên ở phía sau vòm họng, tương tự với các tuyến nước bọt chính đã biết.
Nhiều cuộc kiểm tra trên hàng trăm người và mô của 2 thi hài hiến tặng mà họ đã cùng đồng nghiệp phân tích tại Khoa Y – Đại học Amtesdam cũng xác nhận sự tồn tại của cơ quan mới này.
Tuyến nước bọt nằm ở vòm họng (mũi tên xanh) là một cơ quan chưa từng được y học biết đến trước đây – Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU UNG THƯ HÀ LAN
Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong xạ trị ung thư đầu – cổ, nhóm bệnh đang có xu hướng gia tăng. Nếu bức xạ bị phân phối đến các khu vực có tuyến nước bọt, bệnh nhân sẽ càng gặp nhiều biến chứng. Như vậy, chỉ cần điều chỉnh để bức xạ không phạm vào khu vực mới phát hiện này, điều mà các bác sĩ điều trị ung thư đã làm với các tuyến nước bọt đã biết, việc xạ trị cho bệnh nhân sẽ hiệu quả và an toàn hơn rất nhiều.
Giảm biến chứng trong điều trị ung thư là cực kỳ quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân, bởi lẽ hầu hết các can thiệp dù là phẫu trị, hóa trị hay xạ trị đều làm bệnh nhân “mất mát” đi một cái gì đó, bao gồm các mô lành. Đối với tuyến nước bọt mới được phát hiện, kết quả đánh giá trên 723 bệnh nhân cũng cho thấy nguy cơ biến chứng tỉ lệ thuận với liều bức xạ vô tình đi đến khu vực này.
Nghiên cứu có sự hợp tác của Trung tâm Y tế Đại học Groningen (Hà Lan) và sẽ công bố trên tạp chí khoa học Radiotherapy & Oncology số sắp tới.
Theo Medical Xpress- Anh Thu/anle20