Thursday, July 28, 2016
12 Điều Không Thể Và Có Thể Trong Cuộc Sống
Cuộc sống hiện đại hối hả khiến con người bị cuốn theo nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền
và có xu hướng thờ ơ với những số phận xung quanh. Đề cập trực tiếp đến từng
khía cạnh của sự vô cảm, “12 điều có thể và không thể” đang tạo nên một cơn sốt
“12 điều có thể và không thể” khiến cư dân mạng "phát sốt"
"12 điều có thể và không thể" sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook vào
ngày 5/3 đã nhanh chóng lan truyền và tính đến thời điểm này đã nhận được hơn 4000
lượt "like" cùng hàng trăm bình luận, chia sẻ.
Bằng cách đưa ra hai tình huống và hai cách hành xử mang tính đối lập, tác giả đã nêu
bật một lối sống vô cảm, thờ ơ, hời hợt của một số người Việt. Và điều khiến chúng ta
không khỏi bàng hoàng là những tình huống trong đó không hiếm gặp xung quanh
chúng ta, thậm chí còn được nhiều người xem là... hết sức bình thường.
Dưới đây là bản liệt kê “12 điều có thể và không thể” gây sốt trên Facebook:
1. Người ta có thể dừng xe lại khá lâu chỉ để xem một vụ tai nạn nhưng lại
không đủ kiên nhẫn để dừng xe khi đồng hồ giao thông vẫn đang báo đèn đỏ ở
những giây cuối cùng…
2. Người ta có thể ngay lập tức kỷ luật và trừ lương nhân viên, thậm chí đuổi việc
vì mắc lỗi gây thiệt hại không lớn lắm, nhưng lại thật khó làm thế với lãnh đạo cho
dù có thiệt hại lớn hơn nhiều…
3. Người ta có thể nhậu nhẹt với bạn bè hàng giờ, nhưng lại không đủ kiên nhẫn
và sẽ phát cáu nếu một trang web không mở được sau 10 giây…
4. Người ta có thể ngồi cả buổi với người yêu tâm sự mọi chuyện, rồi an ủi, sẻ
chia… nhưng lại không đủ kiên nhẫn để nghe bố nói trọn câu: Dạo này bố thấy
hơi mệt, khó thở và tức ngực lắm, hôm nào con rảnh đưa bố đi khám nhé…
5. Người ta có thể sẵn sàng “bo” cho một “chân dài” nào đó với số tiền không nhỏ,
nhưng lại không thể cho bà lão ăn xin số tiền chỉ bằng 1/50 số tiền đó…
6. Người ta có thể gọi điện tâm sự với người yêu hàng ngày đến mấy chục phút,
nhưng gọi cho bố thì họa hoằn lắm, và thời gian thì chưa bằng 1/10 so với khi gọi
cho người yêu…
7. Người ta có thể mua cái váy tiền triệu và bao nhiêu đồ dùng đắt tiền nhưng
không thể cho cô bé ôsin cái áo cũ đã lỗi mốt nhét trong góc tủ của mình…
8. Người ta có thể nghếch chân lên tận mặt cậu bé đánh giày chỉ vì đã bỏ ra 5.000
đồng để cậu bé hì hụi dưới chân mình và họ không thể biết rằng cậu bé đang
mừng thầm vì trưa nay không phải nhịn đói…
9. Người ta có thể nhậu một bữa hết cả vài triệu, nhưng khi ra về, họ không quên
mặc cả với bác xe ôm đến từng nghìn lẻ…
10. Người ta có thể mua lại cả một cái nhà xuất bản, nhưng lại không thể mua một
cuốn sách.
11. Người ta có thể ngồi xe hơi sang trọng đến thăm làng trẻ mồ côi, nhưng họ lại
không biết rằng bữa ăn của các em trưa nay có những gì.
12. Người ta có thể hô hào rất hoành tráng trên truyền hình về chuyện chống kỳ thị
với những người có AIDS, nhưng họ lại không dám cầm tay động viên một bệnh
nhân AIDS trong bệnh viện.
Ngoài việc đề cập đến căn bệnh vô cảm, “12 điều có thể và không thể” còn lên án một
lối sống giả tạo và thực dụng. Người ta sẵn sàng lên mặt, xem thường những người có địa
vị xã hội thấp kém mà không cần quan tâm đến việc họ đang phải cố gắng từng ngày
mưu sinh. Người ta có thể khoác lên mình một lớp vỏ bọc hào nhoáng của sự giàu có và
sang trọng, nhưng lại bỏ quên những giá trị nhân văn của cuộc sống. Mỗi một vấn đề
được đề cập đến đều khiến chúng ta phải giật mình xem lại bản thân.
"Liều thuốc đắng" cho sự vô cảm
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, những câu chuyện về sự vô cảm đang xuất hiện với
mật độ khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra
vào ngày 13/2 trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vụ tai
nạn khiến người đàn ông đi xe máy bị thương nặng, máu chảy lênh láng. Trong lúc
những người xung quanh đứng bàn tán và chỉ trỏ thì một ông Tây không ngại ngần chạy
đến giúp người bị nạn cầm máu rồi đưa đi bệnh viện.
Trước đó, vào tháng 11/2012, một phụ nữ ngoài 25 tuổi bị tai nạn giao thông trên đường
Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, nằm bất tỉnh giữa đường. Và lúc ấy, không
phải người Việt mà lại là hai người khách nước ngoài xông xáo lao vào sơ cứu cho nạn
nhân trong lúc những người xung quanh còn mải đứng xem và bàn tán xôn xao.
Những sự việc ấy cho thấy thực tế đắng lòng rằng, một bộ phận người Việt đang trở
nên quá vô cảm. Trước những biến cố xảy ra xung quanh, miễn là nó không đụng
chạm trực tiếp đến lợi ích cá nhân mình thì họ sẽ không thể hiện cảm xúc, sự quan
tâm và càng không có chuyện ra tay giúp đỡ người bị nạn.
Tất nhiên, ta không thể phủ nhận mặt tích cực của thái độ vô cảm là sẽ mang lại cho
những người sở hữu chúng một sự an toàn nhất định và tránh được phiền toái. Nhưng
trong "thành lũy" của sự an toàn, họ đã gián tiếp làm mất đi tính “người” trong bản thân
và tự tách mình khỏi cộng đồng.
Dù chỉ ra những điểm tiêu cực, "12 điều có thể và không thể" được lan truyền một cách
mạnh mẽ trên mạng xã hội lại giống như một liều “thuốc đắng đã tật”. Nó khiến cho
những con người đang mải mê chạy theo các giá trị bề mặt, những giá trị vật chất đơn
thuần phải giật mình, phải dừng lại trong giây lát để suy ngẫm.
Sưu tầm/nguoiphuongnam