Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm

 


Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.
Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp 
tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về. 

Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là "Tiên giáng trần" theo như câu vè lưu truyền
 trong dân gian: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo..." nhưng 
thực tế, Cụ vẫn là "người" nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của
 kiếp ba sinh. Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ
 xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố 
tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận:
 "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"

Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều 
là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh "Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày 
đổ ruột". Bố tôi chẳng phải ngoại lệ! Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ,
 con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ 
không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi "bách 
niên," có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào
 đến với mình.

Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh
 sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu
 kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào 
chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì 
hợp chất kháng thể. Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang... Tôi 
đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở "sofa", cặp mắt
 cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, 
nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả 
lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ 
là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ 
bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về. 

Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng 
ăn miếng thịt bò cơm Tây hay "seafood" cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn 
bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một 
con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ 
dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ... 

Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, "Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng 
nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó..." Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn
 cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục "trà" nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm 
thú giải khuây. Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như
 chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ 
độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ
 nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt. Cụ
 uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi 
thơm và độ nóng rồi mang ra "patio" chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là
 hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn 
sống chung được...

Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là "phở gà phao câu" hay "hủ tiú sa tế". Ăn "steak" thì có
 Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp "clam 
chowder" mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại "kinh dị" chẳng
 hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, "clam chowder" có "cream" mà người Mỹ 
thường phải bỏ bớt % "fat" và cuối cùng là cái của quý "nhất phao câu nhì đầu cánh" vì 
cục mỡ vàng ở đuôi con gà... Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không 
vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy
 thì bỗng nhiên Cụ trở thành "em bé" dễ bảo. Do đó tôi thường dùng "chiêu" này để "dụ" Cụ 
đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

"Cơm hàng, cháo chợ" ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu 
Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập
 khiễng bước vào: "Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần..." Những người trẻ ấy, lứa tuổi 
cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng 
đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa
 tiệm thì... càng vui hơn.

Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng 
mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái "đít" gà... có khi bùi béo 
quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần
 bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách
 một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng
 coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi. 

Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn
 nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng "Bisacodyl" không thấm, tự 
động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng
 ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến
 gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn 
"ngon lành", còn "gân", độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường 
hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: 
"Dạo này, yếu lắm không khỏe!". Tuổi già đau nhức kinh niên, "ỉ ôi" mong đợi sự cảm
 thông chia sẻ của quý bà. 

Chuyện "lấy le" nhỏ như "con thỏ" ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra 
nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già! Ở những chốn ăn chơi như 
Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, "complet" 
"cravate" đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp "ngầu" thuở xưa nữa là xong! Cứ "lê" một
 bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải "lết" theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm
 chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho 
ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: "Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi..."
 nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau
 ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng! Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái 
ngại nhìn hai người như muốn hỏi: "Whats going on?". Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến
 gần hỏi han thì Cụ "nể cả" với nụ cười "ngoại giao" ròn tan, lịch sự líu lo "xổ" tiếng 
"Phú lang xa" và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng 
ngùng "Oui Monsieur", "Bye Bye" đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất 
lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở. Tính tình như thế 
nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những
 chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu "lép vế" an tọa, chờ người 
đẩy.

"Bách niên" sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm
 hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn 
người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở 
tuổi già đang quay lại thời "tuổi thơ": giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá 
vá trời... chỉ vì cái tự cao "chủ nghĩa" lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ "trịch thượng" nhưng
 nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì? Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ 
làm cao, "ăn hiếp" đến "tắt thở" rồi cuối cùng phải dùng đến "đòn phép" mới được yên
 thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi
 khi giáp mặt.

Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, "Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà 
chúng nó đối xử như người dưng nước lã..." nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa 
một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến "ngón ngắn" vì "thiếu thốn"
 nên ưu tiên lưu ý đứa "ghét" Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như "ngón
 dài" đã "đầy đủ" thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ "ghét" cũng do
 tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số 
chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần 
do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần 
muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường
 nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức "mù mịt khói sương"...

- "Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán
 quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy..." Nghe theo cái "GPS" "cảm tính" kém chính xác của Bố, lái 
xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ 
cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ "phán": 

- "Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?". 

Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:

- "Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có 
phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... à?"

Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và 
ngửa, có trái thì có phải, cái "phải" nằm sẵn trong cái "trái"... Dù tuổi già "ba hoa", Cụ đã
 tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút 
hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy
 tỏ đôi ba chuyện "hoang tưởng" vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần 
khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu
 đến chừng nào!

Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì 
thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để "stress" họa vào thân. Đó là kinh 
nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn
 thật vất vả lao đao! 

Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc 
các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy
 có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi 
mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui 
ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào 
cũng nghẹn ngào! Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm "ca" đêm để về với vợ con và lại nghe 
câu hỏi quen thuộc: "Mấy giờ về... để tôi đợi?". Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày 
mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn 
nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...

Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để 
tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua
 mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay
 để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ
 đây, Bố con sẽ nhìn nhau "an phận" không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.

Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi
 và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi
 nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big
 Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng
 quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao
 Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ 
miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...


Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. 
Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống
 của Bố tôi vì ít ai ở tuổi "bách niên" mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở 
chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm
 tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi
 đó. "Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!" Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư 
vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.

Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. 
Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm 
nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói "nhi nữ tình trường, anh 
hùng khí đoản" đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì "nhân vô thập toàn" sẵn mang
 những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được. Cha con sinh ra cùng một 
dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản "đồng lần"... Sống bên cạnh Bố, tôi 
thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, 
lạc quan vô cớ và cố quên cái "ta" chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia 
đình tôi cái "gen" khỏe mạnh "vượt thời gian và không gian", lòng trắc ẩn, tính vị tha mau
 quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc...

Suy ngẫm chân lý của người xưa: "Anh em kiến giả nhất phận" đến khi sống chung với 
các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ 
vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ... Với cha mẹ già cần 
chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao "Thức khuya 
mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư" đã giúp hiểu rõ tính nết của từng 
người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh 
bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng
 bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua 
miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3... 

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy 
cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con 
đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa 
nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu: 

- "Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi "i.."
 ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào..."

- "Vâng... giữa sàn "nhà" tôi (!) và chỉ "một lần" thôi nên ông nói vậy!". Nghĩ cho vui 
nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào 
thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính "cao thượng" khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản 
và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu "nói dễ làm khó" bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi
 mỗi tháng bố ông "hành hạ" ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao
 lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy
 tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng... 

Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2
 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu 
đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm".
1.
- Chào Bố! Con mới "đi làm" về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe
không? 

- Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!

- Bố ơi! Bố phải để chị ấy "đi làm" chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn
 lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm
 nay có con ở với Bố nè...

- Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một 
lứa... cả đám.

2.
- Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?

- Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...

- Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.

- Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi...
 khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.

- Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì "phở gà phao câu" được không? 

- Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...

- Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.

3.
- Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...

- Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế? 

- Mới tắm mà sao "khai" thế này? Bố không tắm thì mình không đi...

- Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như "con" kia...

- Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?

- Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.

- Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!

- Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi 
mới lo làm chuồng... Chán quá!

4.
- Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?

- Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no
 chứ... lại còn đói à?

- Bây giờ cà phê nhá!

- Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!

- Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!

- "Uẩy"! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.

- Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài "patio" uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu
 vậy?

- Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi "gọi" cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có
 đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ 
tôi.

- Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho... 

5.
- Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.

- Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai 
viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn
 thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết... 

- Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?

- Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con 
với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... "Moa" bàn 
với "toa" chuyện quan trọng này nhớ! "Moa" cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi
 "moa" sẽ trả lại.

- "Toa" trả "moa" bằng cách nào?

- Mấy bữa nay, "moa" nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! "Moa" về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng 
Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều "sìn".

- Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!

- Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.

- Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.

- Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?

6.
- Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình
được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?

- Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... 
Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là 
ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! 
Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!

- Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...

- Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?

- Thôi con đi làm nhớ!

- Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?

- Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...

- Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già! 

Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại 
vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu 
chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp 
nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường...
 Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh 
kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố "đi" mãi và tôi cũng mong Cụ quên "về" với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết 
rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, 
chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: "Bách tuế vị kỳ" mà...

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì 
thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân
 êm đềm còn lại trong đời. 

Qua kinh nghiệm "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm" vừa trình bầy, thực tâm tôi không
muốn sống trường thọ đến tuổi "bách niên" để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc
 đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều 
hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số
mệnh đã an bài... 

Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu "Bách niên giai lão" mỗi khi xuân về nữa
 không? 

Cao Đắc Vinh/nguoiphuongnam