COVID-19 đợt sóng thứ nhất chưa tàn, người ta đã dự báo chuẩn bị cho
đợt tấn công thứ hai. Khi nào thì điều ấy sẽ xảy ra, xảy ra như thế nào,
và mức độ tác hại sẽ ra sao, không ai có thể lường trước được. Tuy
nhiên, các giới chức trong ngành y tế đều đồng thanh lên tiếng, khuyến
cáo mọi người về nguy cơ tái phát này, nhất là một khi chính sách phong
tỏa được bãi bỏ.
Sau hơn sáu triệu ca và gần 400,000 người thiệt mạng, có nhiều điều
người ta chưa hoàn toàn biết về loại virus này, chỉ trừ một điều là
COVID-19 rất dễ lây lan, truyền đi qua hơi thở và nước miếng. Trong khi
chờ đợi thuốc chủng ngừa hiệu nghiệm, phương cách để ngăn ngừa đà tiến
của virus vẫn bao gồm các biện pháp cách ly xã hội, mang khẩu trang và
rửa tay thường xuyên!
Cũng như các loại cúm thông thường, số ca thường hay giảm xuống vào
mùa Hè. Một phần vì ở nhiệt độ ấm, những giọt nước miếng sẽ mau khô hơn,
virus dễ bị tia cực tím trong ánh nắng tiêu diệt và khó truyền đi một
khi rời cơ thể con người. Mặt khác, ở thời tiết ấm, cơ thể dễ đề kháng
hơn, nhất là ở người cao tuổi. COVID-19 cũng có khuynh hướng phát triển
mạnh ở một số vĩ độ thời tiết thích hợp. Ví dụ như ở Nga, trước đây
trong mùa Đông quá lạnh, nên ít ca hơn so với bây giờ khi số ca tăng lên
khi thời tiết ấm lại. Tương tự ở Brazil bây giờ là mùa Thu cũng đi kèm
với sự tăng vọt của số ca bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác từ Ấn Độ và Indonesia cho thấy
COVID-19 cho dù ở nhiệt độ cao nhưng nếu không khí ẩm vẫn có thể sinh
trưởng dễ dàng.
Do vậy, ở các xứ Tây Âu và Mỹ, nhất là các tiểu bang miền Nam khi đến
mùa Thu đi kèm với sự mở cửa của thị trường kinh tế rất có thể dẫn đến
làn sóng lây lan của COVID-19 dâng trào trở lại.
Không riêng gì COVID-19, tất cả các bệnh dịch đều có khuynh hướng tái
phát ở nhiều “đợt sóng” khác nhau. Sau đợt sóng đầu tiên thì sẽ tiến
qua giai đoạn thoái trào. Nhưng do sự bùng phát của virus ở nhiều thời
điểm khác nhau, và tùy vào điều kiện ở mỗi địa phương, những đợt sóng
thứ nhì hay thứ ba có thể tái phát hiện. Những con sóng sau này có thể
vĩ đại hay li ti tùy theo trường hợp. Một cơn đại dịch như COVID-19 càng
kéo dài thì tầm ảnh hưởng càng rộng và khả năng tái phát hiện của đợt
sóng thứ nhì càng cao.
Trong đợt sóng thứ nhì của COVID-19, mức độ tác hại còn tùy thuộc vào
nhiều yếu tố, ví dụ như sự tuân thủ về cách ly xã hội, bao nhiêu người
chịu khó mang khẩu trang, tầm ảnh hưởng của các phương pháp thử nghiệm
và nhất là thuốc chủng ngừa có ra đời kịp hay không. Khi bàn về thuốc
chủng ngừa, yếu tố về sự biến dạng về gene của virus Corona có thể làm
giảm bớt sự hiệu nghiệm và thời điểm ra đời sớm hay trễ của thuốc
vaccine. Còn về khẩu trang, nghiên cứu cho thấy khả năng giảm độ lây lan
chỉ vào khoảng 8%.
Nói chung, khả năng tái bùng nổ của COVID-19 là một điều dự đoán,
không ai biết chắc chắn sẽ xảy ra hay không. Cũng có thể thay vì một đợt
sóng thứ hai cơn sóng đại dịch hiện nay sẽ không bao giờ chấm dứt và sẽ
kéo dài.
Dù sao đi nữa hy vọng là sự tái phát sẽ không đến nỗi phải đưa đến
quyết định phong tỏa lần hai trên toàn thế giới. Hiện nay, các giới chức
lãnh đạo đang cân nhắc một cách e dè và thận trọng giữa việc tái phát
động guồng máy kinh tế và khả năng tái phát đại dịch.
Trong khi đó, ở cương vị cá nhân, ta vẫn nên thận trọng, tránh được
phần nào hay phần ấy nhưng cũng không nên tiêu cực thái quá. Khủng bố
kiểu 11 Tháng Chín có thể ngăn chặn bớt, nhưng nếu kẻ khủng bố lại là
một loại virus thì khó mà lường. Nhưng không lẽ, ta phải trốn khủng bố
bằng cách ở nhà hoài cũng không được! Sau biến cố 11 Tháng Chín người ta
cũng quen dần với những thói quen mới khi đi du lịch. Sau cơn đại dịch
COVID-19 cũng thế, chúng ta sẽ có những thói quen mới về cá nhân cũng
như tương quan xã hội được hình thành. Và cho dù thói quen nào đi nữa
thì việc giữ gìn sức khỏe, thay đổi lề lối sống vẫn là điều cơ bản mà ta
có thể thực hiện được.
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
nguoi-viet.com/nguoiphuongnam