Có khi nào bạn hỏi vì sao mình ‘tôn thờ’ một loại thực phẩm giống như kẻ nghiện? Không hẳn vì tuyệt vời mà có thể một loại bệnh nào đó đã thôi thúc bạn ăn nó.
Bà Elsie Campbell sống ở thành phố Derby nước Anh đã phát hiện ra mình bị ung thư vú nhờ dấu hiệu thèm ăn quá nhiều rau diếp.
Thèm muối => Suy thượng thận
Suy thượng thận (còn gọi là bệnh aidson) xẩy ra khi tuyến thượng thận giảm tiết hormone (glucocorticoid, aldosterol, androgen). Bình thường, tuyến thượng thận tiết hormone aldosterol để giữ Natri (nguồn thu từ muối) để duy trì chức năng cơ thể. Nếu bị suy thượng thận thì hormone này tiết ra ít nên khả năng giữ ion Na+ tại ống thận kém, chúng bị bài tiết ra ngoài gây nên rối loạn điện giải, mất nước.
Để lấy lại cân bằng thì cơ thể phát ra tín hiệu thèm ăn muối và các thức ăn mặn nhằm bù đắp những gì đã mất. Vì thế khi thấy ăn mặn bất thường, tự dưng thèm bột canh, ăn gì cũng thích chấm muối thì bạn nên đi khám nội tiết.
Đặc biệt nếu kết hợp với việc rối loạn kinh nguyệt, bất lực, lãnh cảm, stress, sút cân không giải thích được thì bạn càng phải đi khám sớm vì lúc này nguy cơ bệnh là rất cao.
Thèm tinh bột => Nghi ngờ tiểu đường
Thèm quá mức những thức ăn như cơm, bột mì, mì ống… là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang đòi hỏi lượng chất bột đường rất lớn. Bệnh nhân tiểu đường do thiếu insulin nên không điều tiết được đường huyết ; bột đường từ thức ăn không thể đi vào các mô mà ở lại trong máu khiến lượng đường trong máu cao (lượng đường này sau đó được bài tiết qua nước tiểu).
Chính vì thế so với người bình thường, bệnh nhân tiểu đường thường xuyên thiếu năng lượng.
Nếu kết hợp với tình trạng luôn thấy khát nước, tiểu nhiều thì nguy cơ măc bệnh tiểu đường càng cao.
Thèm chua => Hệ miễn dịch kém
Bạn ăn cả trái chanh trong khi người khác rùng mình. Những món ăn bạn nấu luôn muốn có vị chua chua “đưa” miệng? Có thể đó là vì bạn đang mang thai (trong thai kỳ, hormone có nhiều biến đổi, dẫn truyền thần kinh trên não cũng hạn chế số lượng khiến họ thay đổi vị giác, trong đó có nghiện chua).
Nhưng cũng có thể bạn đang gặp vấn đề về hệ miễn dịch. Trong hoa quả chua có một lượng lớn acid và vitamin C nên khi hệ miễn dịch có vấn đề chúng phát ra tín hiệu kích thích người ta nạp thêm những chất này.
Thèm thực phẩm màu đỏ, nước đá => Thiếu máu
Những người thiếu máu dễ mất cân bằng ăn uống, cảm giác không ngon miệng, người mệt mỏi, xanh xao. Chán ăn cơm nhưng họ lại thèm muốn một số thứ nhất định như thịt đỏ, cà chua… Nguyên nhân thiếu máu thường thấy là do thiếu sắt vì vậy cơ thể cần bổ sung một lượng sắt tương đối lớn hơn người bình thường. Những thực phẩm màu đỏ thường chứa nhiều thành phần dinh dưỡng này.
Khi thiếu sắt, họ cũng dễ thèm nước đá, không sợ lạnh, họ nhai kèn kẹt những viên nước đá, nhất là ở trẻ em. Nguyên nhân là vì thiếu máu do thiếu sắt dẫn tới tình trạng đau và viêm lưỡi. Ngậm nước đá gây cảm giác tê nên làm dịu cảm giác khó chịu khiến họ thèm.
Thèm sôcôla => Đường huyết thấp
Sôcôla đặc biệt loại màu đen có thể giúp người ta nhanh chóng ổn định lượng đường trong máu. Nếu kết hợp với tình trạng run rẩy, cáu kỉnh ngay giữa bữa ăn thì nên kiểm tra lại đường huyết của mình.
Với phụ nữ, thèm sôcôla còn là dấu hiệu của sự căng thẳng, rối loạn tiền kinh nguyệt. Khi vào thời điểm này, lượng dẫn truyền thần kinh serotonin trong não thấp khiến họ thấy bứt rứt. Trong khi đó ăn sôcôla sẽ khiến tăng nồng độ serotonin trong não khiến họ hưng phấn hơn. Bởi vậy cơ thể đã thông minh phát ra tín hiệu thôi thúc họ tìm đến sôcôla.
Thèm sữa => Thiếu vitamin
Trong sữa và chế phẩm của sữa giàu vitamin nên khi cơ thể đòi hỏi uống sữa hay ăn các chế phẩm như phô mai, caramen thì tức là bạn đang cần bổ sung dinh dưỡng. Hãy xem xét lại chế độ ăn thường xuyên của bạn, nếu thấy mình ăn ít chất béo thì khả năng bạn đang bị thiếu vitamin A và D rất cao. Nên đến bác sỹ để được tư vấn kịp thời, tránh tình trạng loãng xương, giảm thị lực.
Thích ăn mọi thứ => Bệnh tâm thần Bulimia
Không riêng một món nào, cứ có thức ăn trên bàn là bạn có thể cho vào miệng và ăn không muốn dừng với tốc độ nhanh hơn, nhiều hơn, đến no căng bụng. Lúc này, bạn cần gặp bác sỹ tâm lý. Có thể những sang chấn tâm lý đã ảnh hưởng tới chất dẫn truyền thần kinh serotonin gây rối loạn hành vi ăn uống.
Những biến cố trong đời sống mà bạn phải trải qua cũng có thể làm ảnh hưởng tới nhân cách hoặc biến bạn thành người bốc đồng…
Thế nên nếu tự dưng thấy mình ăn vô độ, hoặc có ai đó tròn mắt kinh ngạc, dè bỉu về cách ăn của bạn, kết hợp với sự tăng cân, chán nản thì hãy sớm tìm một bác sỹ tâm thần.
Nghiện thứ không phải đồ ăn => Hội chứng Pica
Nếu bạn thấy một người nghiện ăn đất đá, vách nhà, găng tay cao su… đừng cho đó là hành động thú vị của một con người kỳ lạ, thực tế họ đang mắc hội chứng Pica. Nếu không phải vì tò mò thì những người tự dưng “nghiện” ăn đồ vật có thể đang bị thiếu kẽm trầm trọng hoặc vừa trải qua sang chấn não bộ.
Kẽm có ảnh hưởng tới cảm nhận mùi vị nên khi thiếu chúng thì người ta có sở thích lệch lạc. Nếu thấy mình hay người thân tự dưng có sở thích ăn uống kỳ quái, tốt nhất nên đi kiểm tra để được điều trị thiếu dinh dưỡng và kiểm tra não đồ.
Theo SK&ĐS