Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

10 điều kiêng kỵ để sống trường thọ của cổ nhân

Trong cuốn “Thọ thế truyền chân”, chuyên gia dưỡng sinh thời nhà Thanh là Từ Văn Bật đã từng đề cập tới “thập kỵ” (10 điều cấm kỵ) cần phải tránh nếu muốn sống trường thọ.

Theo danh họ Từ, dưỡng sinh lấy thói quen sinh hoạt làm đầu, điều chỉnh những hành vi hàng ngày thiếu lành mạnh là có thể giúp con người trường thọ.

Vì vậy, bạn nên học theo “10 điều cấm kỵ” trong luật dưỡng sinh của vị danh y thời nhà Thanh này.


1. Tránh để “đầu trần” vào buổi sáng sớm
“Đầu trần” ở đây có nghĩa là không đội mũ. Theo Từ Văn Bật, buổi sáng là lúc dương khí khởi sinh. Lúc này, dương khí giống như cây non, tuy rằng phát triển rất nhanh nhưng lại yếu ớt, dễ bị khí lạnh làm tổn thương.
Dương khí có đặc tính “đi lên”. Vì vậy, trên cơ thể con người, đầu chính là nơi hội tụ “dương khí”. Do đó, nếu sáng sớm ra ngoài không chú ý giữ ấm phần đầu, khí lạnh rất dễ xâm nhập vào não, gây ra tật bệnh.


2. Không nên ở trong những căn phòng âm u, thiếu sáng
Theo cổ nhân, thân thể con người muốn khỏe mạnh thì dương khí phải luôn tràn đầy, mà dương khí lại rất sợ bị “âm tà” xâm nhập.
Nếu một căn phòng không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, âm khí sẽ nặng. Tương tự như vậy, nếu nhiệt độ phòng khá thấp, hàn khí sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, trong thời đại “đất chật người đông” như hiện nay, tìm được một ngôi nhà sở hữu các phòng đều đón nắng là điều không dễ dàng.
Đối với những căn phòng không có ánh nắng, chủ nhà có thể lắp hệ thống sưởi hoặc điều hòa để duy trì nhiệt độ phòng ấm cúng.

3. Không ngồi lâu ở nơi ẩm ướt
Trong các bệnh “lục dâm”, dạng bệnh bắt nguồn từ “thấp” tương đối phổ biến, có tên gọi là “thấp tà”.
“Thấp tà” thường có nguyên nhân từ việc sinh sống hoặc làm việc trong một môi trường ẩm thấp, hoặc có thể hiểu là tình trạng chất lỏng trong cơ thể bị trì trệ hoặc xáo trộn.

Nhiều người không quan tâm nhiều đến những căn bệnh “thấp tà”, chủ quan cho rằng cơ thể của mình không dễ dàng nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, những căn bệnh “thấp tà” sinh ra là do sự kết hợp từ các yếu tố bên trong cơ thể với những tác nhân từ bên ngoài môi trường.
Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể, chúng ta không nên dừng chân hay ngồi ở những nơi ẩm ướt quá lâu, càng nên hạn chế sinh hoạt lâu dài ở những địa phương ẩm thấp.

4. Tuyệt đối không mặc đồ lót đang ướt
Vào mùa lạnh, sau khi vận động, đồ lót và trang phục mặc trong của chúng ta thường bị mồ hôi thấm ướt. Lúc này, lỗ chân lông trên cơ thể đang mở rộng, khả năng bị nhiễm lạnh tăng lên rất nhanh.

Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể đã ra quá nhiều mồ hôi, đồ lót hay quần áo đã ướt, chúng ta nên nhanh chóng lau mồ hôi và thay trang phục khô.

5. Không nên vội mặc quần áo vừa phơi ngoài nắng
Danh y Từ Văn Bật cho rằng, trang phục phơi nắng quá lâu sẽ bị nhiễm “nhiệt độc”, tuyệt đối không nên mặc ngay lên người. Bạn nên để quần áo vừa phơi nắng có thời gian hạ nhiệt cho tới khi hết nóng để tránh làm hại cho cơ thể.

6. Đang ra mồ hôi không nên ngồi quạt gió
Vào mùa hè, cơ thể đổ mồ hôi rất nhiều, ngồi quạt gió để làm mát là một thói quen hết sức bình thường, cũng không gây hại đối với thân thể.

Tuy nhiên, khi trời trở lạnh, nhiệt độ không khí xuống thấp, cơ thể vừa mới vận động mà ra nhiều mồ hôi, bạn tuyệt đối không nên ngồi quạt hoặc uống đồ lạnh.
Tuy hành động này dễ chịu, làm khiến quần áo khô nhanh, nhưng gió phả trực diện vào người dễ tạo điều kiện cho hàn khí xâm nhập, gây tổn hại đối với thân thể.

7. Khi ngủ không nên bật đèn
Có không ít thường thường duy trì thói quen mở đèn khi ngủ. Trên thực tế, ánh đèn ngủ vào buổi tối cũng có tính chất tương tự như ánh nắng ban ngày.
Khi ngủ, cơ thể con người cần dương khí nhập “âm”, mà ánh sáng lại khiến dương khí khó có thể “lặn xuống”, dễ khiến tâm thần bất an, ảnh hưởng tới chất lượng của giấc ngủ.

8. Không làm chuyện phòng the vào giờ Tý
Giờ Tý là khoảng thời gian từ 23:00 – 1:00. Đây là lúc dương khí trong cơ thể đang trong thời gian sinh sôi.
Vào thời điểm khởi sinh, dương khí vô cùng yếu ớt. Sinh hoạt vợ chồng trong lúc này sẽ làm tổn thương dương khí, khiến cơ thể mệt mỏi, rã rời.

9. Mùa hè đừng lạm dụng khí lạnh, mùa đông đừng phụ thuộc khí ấm
Ngày nay, nhiều người có thói quen mùa hè mở điều hòa ở nhiệt độ thấp, còn mùa đông lại dùng máy sưởi ở mức nhiệt tương đối cao.

Hai thói quen này hoàn toàn đi ngược lại với quy luật của hai mùa. Vào mùa hè, để điều hòa quá lạnh sẽ khiến cơ thể không được phát nhiệt, làm suy giảm khả năng thanh nhiệt.
Ngược lại, vào mùa đông, khi bật máy sưởi quá cao, cơ thể sẽ ra mồ hôi, khiến tinh khí bị rò rỉ ra ngoài.

.
10. Đừng xem các chương trình giải trí quá lâu
Cổ nhân có câu: “Dưỡng sinh cốt ở dưỡng thần”. Khi chúng ta quá chú tâm vào các chương trình giải trí, tinh thần dễ bị cuốn theo, sự chú ý dành cho tình trạng sức khỏe cũng bị giảm sút.
Trung y quan niệm tâm là “vua của cơ thể”. Nhưng nếu như “vua” cả ngày ham chơi, những cơ quan khác không nhận được sự chăm sóc sẽ gây mất cân bằng với cả cơ thể.

Theo Sina Health-7/3/2018