Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Chia sẻ kinh nghiệm: Vể VietNam ở nhưng tiền SSA vẫn tiếp tục bị trử lệ phí mua Medicare Phần B

Hỏi: Ba tôi năm nay 68 tuổi, đã về hưu và hiện đang lãnh tiền hưu ( SSA) là $678/tháng.
Hai năm nay, ba tôi về sống ở Việt Nam và đã thông báo cho Sở An Sinh Xã Hội cũng như Sở Xã Hội biết tình trạng cư trú này. Thế nhưng không hiểu sao, kể từ Tháng Giêng 2017 đến nay, ba tôi bị trừ tiền SSA mỗi tháng là $134 (tiền mua Medicare Phần B)
Xin HICAP(*)  chỉ dẫn phương cách làm sao để ba tôi không bị trừ tiền nữa vì lợi tức của ông rất eo hẹp. Ông không hề sử dụng Medicare trong vòng hai năm nay và cũng chưa biết khi nào sẽ trở lại Mỹ để sống?


Đáp: Nếu ba cô không dùng Medicare vì đi về sống ở Việt Nam thì trước khi rời Hoa Kỳ, ông cần thông báo quyết định ngưng hưởng Medicare phần B với Sở An Sinh Xã Hội.
Cơ quan An sinh Xã hội (SSA) sẽ thông báo cho Medicare biết quyết định này và khi đó, ba cô mới không bị Medicare trừ lệ phí mua Medicare phần B từ tiền hưu SSA của ông.

Cô cần hiểu rằng trên căn bản, Medicare là quyền lợi về Bảo Hiểm y tế dành cho một công dân Mỹ từng đi làm việc từ 10 năm trở lên và có đóng tiền An sinh Xã Hội SSA trong thời gian đó. Vì vậy, nếu không có sự yêu cầu của người có Medicare về việc chấm dứt phần B của họ thì phần B của họ vẫn còn có hiệu lực với điều kiện là cá nhân có Medicare phần B này phải trả lệ phí hàng tháng là $134/tháng (áp dụng cho năm 2017), cho dù họ sử dụng hay không.

Vì lý do kể trên, nếu ba cô không có lời yêu cầu chấm dứt phần B thì Medicare tiếp tực khấu trừ lệ phí phần B từ tiền hưu SSA của ông. Nếu ông không muốn trả lê phí phần B nữa thì ba cô chỉ cần liên lạc với Sở An Sinh Xã Hội để xin ngưng phần B bằng cách điền một tờ đơn của họ.

Theo luât của Medicare, mặc dù Bảo Hiểm Medicare không bao trả chi phí y tế khi một người có Medicare ra khỏi nước Mỹ nhưng một khi người này trở lại Hoa Kỳ, họ có một Bảo Hiểm Y Tế gồm hai phần A và B để sử dụng ngay và tiếp tục hưởng quyền lợi y tế dành cho công dân có quốc tịch Hoa Kỳ.
Do đó, có nhiều người đi ra sống ở ngoại quốc nhưng chấp nhận việc tiếp tục trả lệ phí Medicare phần B để bảo hiểm y tế của họ không bị gián đoạn, bên cạnh việc có phần A , không phải trả lệ phí và khi nào cũng có hiệu lực.

Trong trường hợp ba cô chấm dứt Medicare phần B và khi đau ốm, cần trở lại Mỹ để chữa trị thì ông phải chấp nhân việc ông không có phần B, bao trả 80% chi phí y tế ngoài nhà thương.
Dĩ nhiên, ba cô vẫn có thể xin hưởng Medicare phần B trở lại nhưng phải chờ đến thời gian ghi danh hàng năm kéo dài từ 1 Tháng Giêng đến 31 Tháng Ba mới ghi tên được, thế nhưng đến 1 Tháng Bảy năm đó, phần B của ông mới có hiệu lực.

Tôi đoán rằng trước đây khi còn ở Mỹ, bên cạnh việc có Medicare, ba cô còn được hưởng thêm MediCAL là bảo hiểm y tế của tiểu bang dành cho người có lợi tức thấp, vì vậy nên ông đã được chương trình Medicare tiết kiệm (Medicare saving Programs-MSP) giúp trả lệ phí mua Medicare phần B. Sau khi về VN ở, ông bị cắt MediCAL và không được chương trình MSP giúp ông trả lệ phí phần B nữa nên Medicare bắt đầu trừ lệ phí này từ tiền hưu SSA của ông.

Tóm lại, ba cô có quyền liên lạc với Sở An Sinh Xã Hội để xin ngưng hưởng phần B bất cứ lúc nào, nếu không muốn bị trừ lệ phí của phần này.
Ông phải chấp nhận rủi ro là khi trở lại Hoa Kỳ, sẽ không có Medicare phần B để bao trả những chi phí ngoài nhà thương như đi khám bác sĩ, chụp hình quang tuyến, thử máu…

Ghi chú

Nhân đây, tôi xin giải thích thêm về nhóm người trên 65 tuổi, không hề đi làm ở Mỹ nhưng vẫn được hưởng Medicare vì thuộc diện không có lợi tức hay được hưởng tiền phụ cấp an sinh xã hội SSI.

Nhóm người này cũng có Medicare như những người đi làm là nhờ tiểu bang giúp họ trả lệ phí của phần A là $451/tháng và lệ phí phần B là $134/tháng qua các chương trình MSP đã trình bày ở trên, một khi họ được hưởng MediCAL.

Nếu một người thuộc diện này đi về Việt Nam hơn 29 ngày, đương nhiên họ sẽ bị mất MediCAL. MSP và Medicare, cũng như phụ cấp SSI cũng sẽ chấm dứt. 

----------------------------------------------------------------
(*) Tác giả bài giài thích  Yến Tuyết là cố vấn của HICAP- Health Insurance Counseling and Advocacy Program- (Chương trình Cố vấn và Hỗ Trợ Bảo hiểm Y Tế) thuộc cơ quan tư nhân vô vụ lợi Council On Aging –Southern California. Những câu trả lời của chúng tôi trong mục này chỉ có tính cách tổng quát vì mỗi trường hợp cá nhân đều khác biệt. Nếu cần sự hướng dẫn chi tiết hơn, xin gọi HICAP ở đường giây điện thọai tiếng Việt (714) 560-0035 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, 8AM-4PM.
Văn phòng HICAP ưu tiên phục vụ cho cư dân ở Quận Cam. Xin quí vị vui lòng gọi đường giây điện thọai miễn phí 1-800-434-0222 để tìm văn phòng HICAP hay SHIP –State Health Insurance Program ở địa phương mình cư ngụ. (L.N.)