Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Cách dùng insulin để trị bệnh tiểu đường

Insulin là tiết tố do tuyến tụy tạng tiết ra để điều khiển lượng đường trong máu.  Đường đơn glucose có công thức hóa học C6H12O6 (một phân tử gồm 6 carbon atom, 12 hydrogen atom, 6 oxygen atom) lưu thông trong máu, mang năng lượng tới các tế bào nuôi cơ thể.

Cơ thể bình thường luôn có khoảng 4 gram glucose lưu thông trong máu. Khi cơ thể có nhiều glucose như sau bữa ăn, tuyến tụy tạng sẽ tiết ra insulin để kích thích và mở cửa các con lạch trên tế bào mà vận chuyển glucose vào bên trong các tế bào trong khắp cơ thể.   Insulin còn kích thích lá gan dự trữ các đường đơn glucose qua dạng glycogen.  Khi lượng đường trong máu ít đi như lúc nhịn ăn hoặc tập thể dục, tuyến tụy tạng tiết ra tiết tố glucagon để ra lịnh cho gan chuyển glycogen thành đường glucose và đưa glucose trở ra máu để các tế bào tiêu thụ.  Cơ thể động vật là một bộ máy tinh vi chỉ có Đấng Tạo Hóa mới chế ra nổi!  🙂 

Người bịnh tiểu đường có lượng glucose trong máu quá cao lâu ngày sẽ làm hư thận, mù mắt, mất cảm giác ở chân, dẫn đến tình trạng phải cưa chân vì chân bị nhiễm trùng lở loét, đau thần kinh vì nhiều glucose trong máu làm hư dây thần kinh (cảm giác rần rần, tê, yếu cơ chân/tay, mất thăng bằng, đau xương, đau khớp), ói, mửa, khó nuốt, rối loạn cương dương, chảy mồ hôi, nhịp tim đập nhanh, liệt nửa mặt, đau ngực, đau bụng, đau ống quyển.

Để định bịnh tiểu đường cần thử máu.


 

Sau đây là cách định bịnh tiểu đường 

1) Lượng đường trong máu sau tối thiểu 8 giờ nhịn ăn/uống >= 126mg/dL (7.0 mmol/L). 
Cơ thể bình thường 8 giờ sau khi nhịn ăn sẽ có lượng đường dưới 100mg/dL.

HOẶC

2) Lượng đường trong máu 2 giờ sau khi ăn >= 200 mg/dL (11.1 mmol/L) trong khi thử nghiệm dùng 75 gram đường khô hòa tan trong nước.
Cơ thể bình thường 2 giờ sau khi ăn sẽ có lượng đường dưới 140 mg/dL.

HOẶC

3) Hgb A1C >= 6.5% (48 mmol/mol).
Hgb A1C là chỉ số hồng huyết cầu có dính đường glucose lưu thông trong máu, tuổi thọ 3 tháng.  Xem Hgb A1C để biết rõ lượng đường glucose trong máu trong 3 tháng qua.

Sau đây là các loại insulin được dùng để trị bịnh tiểu đường:



 
1) Insulin tác dụng nhanh (rapid acting): loại insulin này bắt đầu hoạt động từ 5-15 phút sau khi chích vào người và đạt đỉnh (insulin có tác dụng cao nhất trên đường glucose) khoảng sau 45-90 phút và kéo dài tác dụng trong 3 đến 4 giờ. Nên chích insulin nầy 10-15 phút trước bữa ăn (hoặc ngay sau khi ăn nhưng chích trước khi ăn tốt hơn để tránh quên chích!) và thường chích trước loại insulin có tác dụng lâu.

Những loại insulin tác dụng nhanh gồm: insulin glulisine (Apidra®), insulin lispro (Humalog®) và insulin aspart (NovoLog®);

2) Insulin tác dụng ngắn (short acting): loại insulin này bắt đầu có tác dụng khoảng 30-60 phút sau khi chích và đạt đỉnh sau khoảng 3 đến 5 giờ và có tác dụng kéo dài trong 5 đến 8 giờ. Nên chích insulin nầy 30-60 phút trước bữa ăn và trước khi chích insulin tác dụng kéo dài. Những loại insulin tác dụng ngắn gồm: Humulin R, Novolin R;

3) Insulin tác dụng trung bình (intermediate): loại insulin này thường bắt đầu có tác dụng khoảng 1 đến 2 giờ sau khi tiêm và đạt đỉnh khoảng 4 đến 12 giờ sau đó, kéo dài tác dụng trong 12 đến 18 giờ. 

Nên sử dụng loại insulin này 1 giờ trước khi ăn, 2 lần một ngày kèm với insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn. 

Những loại insulin tác dụng trung bình gồm: NPH (Humulin N, Novolin N);

4) Insulin tác dụng kéo dài (hoặc tác dụng lâu-long acting)): loại insulin này bắt đầu có tác dụng 1 đến 2 giờ sau khi chích, không có đỉnh, và kéo dài tác dụng khoảng 24 giờ. 

Nếu cần thiết, nên sử dụng loại insulin này phối hợp với insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn. Những loại insulin tác dụng kéo dài gồm: Insulin detemir (Levemir) và insulin glargine (Lantus).




Loại insulin nầy thường chỉ chích 1 lần vào buổi tối và có thể chia ra chích 2 lần mỗi ngày nếu số lượng chích cao.

 




** Điều quan trọng cần luôn nhớĐỪNG CHÍCH INSULIN NẾU BỎ ĂN kẻo dẫn tới tình trạng cấp cứu phải và nhà thương vì ngất xỉu.

Cần bảo quản insulin ở những nơi không có ánh sáng và nhiệt. Nên để insulin trước khi chích (còn trong hộp chưa khui ra) trong tủ lạnh ở mức độ lạnh 2-8 độ C.  Khi đã khui ra và đang dùng thì có thể giữ insulin ở nhiệt độ trong phòng.  

Không nên để insulin đông lạnh. Nếu insulin bị đóng băng, đừng dùng nó, kể cả khi nó được rã đông lạnh.

Liều dùng tùy thuộc vào lượng đường trong cơ thể.

Mong rằng bài viết nầy giúp ích quý vị và các bạn trong việc hiểu biết hơn về bịnh tiểu đường, chích insulin và vì sao chúng ta nên ăn uống đúng cách để sống lành mạnh.


Dược sĩ Lê Đài Trang, (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)