“Khi nhìn lại cuộc đời mình, bạn hối tiếc điều gì nhất?”
Theo Business Insider, đây là câu hỏi mà Karl Pillemer, giáo sư về phát triển con người tại trường Đại học Cornell (Mỹ), tác giả của tập sách “30 bài học của cuộc sống: Lời khuyên từ những người thông thái nhất nước Mỹ”, đã hỏi hàng trăm người cao tuổi trên 65 tuổi trong chương trình nghiên cứu Legacy Project (tạm dịch: Dự án di sản) của Đại học Cornell.
Tình yêu, sự nghiệp, con cái, v.v…, không phải là câu trả lời mà giáo sư Pillemer được nghe thấy thường xuyên nhất, mà thay vào đó lại là câu:
"Tôi ước rằng tôi đã không dành quá nhiều thời gian của cuộc đời mình chỉ để lo lắng".
Nhiều năm trước, khi giáo sư Pillemer, một chuyên gia lão khoa nổi tiếng thế giới gặp bà June Driscoll, một người phụ nữ đặc biệt. Bà Driscoll lúc nào cũng vui vẻ khi ở tuổi 90 và đang sống tại một nhà dưỡng lão. Bà Driscoll nói với giáo sư: “Sống vui vẻ, hạnh phúc nhất có thể chính là trách nhiệm của tôi, ngay tại đây, ngay hôm nay”.
Câu nói đó đã truyền cảm hứng cho Pillemer đi tìm câu trả lời cho việc làm sao một thế hệ trải qua nhiều mất mát đau thương, qua các sự kiện lịch sử thảm khốc và đau ốm lại có thể là những người hạnh phúc nhất. Ông muốn truyền đạt trí tuệ này lại cho thế hệ trẻ, những người dường như quá mong manh, khi chỉ một sự việc không vừa ý nhỏ nhoi cũng khiến họ mất phương hướng đến nỗi tự kết thúc cuộc đời mình.
Năm 2004, giáo sư Pillemer khởi động dự án Legacy Project và đã hỏi hơn 1.500 người Mỹ trên 65 tuổi về những bài học quan trọng nhất mà họ học được trong suốt cuộc đời mình. Trong cuốn “30 bài học cuộc sống”, ông gọi những người mình phỏng vấn là “chuyên gia của cuộc đời” vì chính họ, qua những hạnh phúc và khổ đau, thành công và thất bại đã nắm giữ những bài học trí tuệ nhiều hơn bất cứ nội dung của cuốn sách dạy kỹ năng sống nào.
Giáo sư Pillemer đã cho rằng những câu trả lời như “ngoại tình, công việc kinh doanh tồi tệ hoặc nghiện ngập” là những điều hối tiếc nhất trong cuộc đời của những người cao tuổi này.
Do đó, ông đã sửng sốt khi nghe đi nghe lại một câu trả lời: “Tôi ước rằng mình đừng lo lắng nhiều quá” và “Tôi hối tiếc vì đã lo sợ quá mức về tất cả mọi thứ”.
Trong cuốn “30 bài học cuộc sống”, Pillemer nói rằng ông không thể không ngạc nhiên về bài học này. “Những người này đều trải qua các thời kỳ khó khăn trong lịch sử và các bi kịch của cuộc đời, tôi tưởng rằng họ được phép lo lắng ở mức độ nào đó”.
Những người hầu như đã đi đến cuối cuộc đời này giải thích rằng thời gian là tài sản quý giá nhất của con người. Việc lo lắng về những điều có thể không bao giờ xảy ra, hoặc lo sợ về những thứ chúng ta không thể kiểm soát được là một sự lãng phí tài sản này một cách xuẩn ngốc.
Hành trình trên trái đất này của mỗi chúng ta là hữu hạn. Nếu lo lắng quá nhiều, bạn không còn mấy thời gian để tận hưởng, trải nghiệm và hạnh phúc. Vậy làm thế nào để giảm bớt thời gian lo lắng trong cuộc sống này? “Những người thông thái nhất nước Mỹ” nói với giáo sư Pillemer một số cách như sau:
Hãy sống từng ngày, đừng luôn nghĩ tới tương lai quá xa
Khi bạn sống và thấy mình lo lắng quá nhiều, hãy dừng lại và tự nhẩm “Điều gì rồi cũng sẽ qua”.
Sự việc bạn đang phải đối mặt, dù khó khăn, đau khổ đến đâu rồi cũng sẽ trôi đi. Bạn không thể hủy hoại cuộc sống của mình bằng những suy nghĩ lo sợ được.
Tuy nhiên, chắc chắn có những ngày u tối mà bạn cảm thấy lo lắng khủng khiếp, không cách nào ngừng lại. Lúc đó hãy cố nghĩ rằng: lo sợ không có tác dụng gì tốt cả. Nó giống như việc tự mình uống thuốc độc mà hy vọng tên hàng xóm đáng ghét sẽ chết vì đau bụng. Hãy gạt nó ra khỏi suy nghĩ hết mức có thể.
Sống vui vẻ từng ngày, đừng nghĩ đến tương lai xa xôi ảm đạm. Việc lập kế hoạch là tốt nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng xảy ra theo ý muốn của chúng ta. Do đó, điều quan trọng nhất là hãy sống trọn vẹn từng ngày.
Thay vì lo sợ vô cớ, hãy hành động
Nếu bạn thấy mình hay có những nỗi băn khoăn lo sợ, hãy tìm hiểu về nó. Ít nhất tìm hiểu nguyên do mà bạn lo lắng là gì, xác định nó rõ ràng. Chỉ việc ngồi lại và phân tích suy nghĩ tiêu cực của bản thân cũng giúp bạn gạt bớt được những muộn phiền vô lý. Tất nhiên, có những lo lắng hoàn toàn hợp lý. Khi đã xác định được chúng, hãy hành động, bắt tay vào làm cái gì đó thay vì ngồi yên và lo sợ.
Học cách chấp nhận một cách tích cực
Bất chợt có điều gì đó xảy ra với bạn. Ai đó làm bạn tổn thương. Bạn thấy tức giận, bạn muốn trả thù. “Cô ấy không nên làm như thế với tôi, tôi sẽ nói cho cô ta như thế này, như thế này …”. Quan hệ nhân duyên của con người vô cùng phức tạp. Bạn chẳng thể nào biết được nguyên nhân chính xác tại sao tự dưng một người lại rời bỏ bạn, làm bạn bực mình hay bẽ mặt. Trong trường hợp này, những người cao tuổi từ nhà dưỡng lão sẽ mỉm cười và nói rằng: “Không biết bao nhiêu lần tôi đã tự cảm ơn bản thân vì đã không nói lời nào”.
Ít nhất hãy dừng lại và đừng làm gì khi tức giận. Bạn có thể nói những lời nặng nề, gây thương tổn đối phương, nhưng sau đó thì sao? Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể điều khiển suy nghĩ của mình chứ không thể thao túng tình cảm, tư duy hay cuộc đời của người khác được.
Hãy chấp nhận những thực tế mà chúng ta không có thẩm quyền thay đổi, gạt đi những suy nghĩ tiêu cực, nhanh chóng lấy lại cân bằng và tiếp tục trải nghiệm cuộc sống.
Suy cho cùng, chính bạn chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng số ngày còn lại của mình trong cuộc đời này ra sao. Thù hận hay yêu thương, hạnh phúc hay thảm hại đều chỉ là những sự lựa chọn.
Minh Trí tổng hợp -nguoi phuong nam.com