Lễ Giáng Sinh là ngày Christmas khá trọng đại. Trọng đại vì đây là ngày đã được mọi quốc gia, mọi tôn giáo coi như ngày vui chung của nhân loại, chứ không riêng gì đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo. Do đó, có người đã nói, Christmas là một cơ hội hãn hữu để nhắc nhở mọi người có bổn phận đối với những người mà ta không quen biết cũng như đôi khi không ưa thích.Và đồng thời mọi người cũng hân hoan hát các điệu nhạc Giáng sinh như “We wish you a Merry Christmas”, như “Silent Night”, Đêm Thánh Vô Cùng mừng Chúa Hài Đồng ra đời.
…Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhấp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù…
Theo lời ghi lại thì khi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời trong một cái máng cỏ ở hang Bethlelem có ba vị Vua phương Đông mang ba món quà đến để bày tỏ sự thành kính của họ. Trong khi đó, những người chăn cừu nghèo khó cũng lòng thành tặng Chúa Jesus hoa quả và những món đồ chơi do chính họ làm ra…
Lễ Giáng Sinh Christmas là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus. Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Christ là tước vị của Đức Giêsu, chữ Mas là Thánh lễ. Thượng Đế đã gửi con yêu quý của mình xuống thế để chuộc tội và mang lại tình thương, hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Tuy là lễ riêng của tín đồ Cơ Đốc Giáo, nhưng hầu như mọi người đều trân trọng, chung vui. Với tất cả, Lễ Giáng Sinh là thời gian tuy ngắn ngủi nhưng tràn ngập thương yêu với những gói quà dưới cây Noel, sao sáng lung linh nơi cửa sổ, những cánh thiệp chúc tụng gửi đó đây, những bữa ăn đoàn tụ thân bằng quyến thuộc với tiếng cười nói hân hoan hạnh phúc, với tuyết trắng phủ kín sân nhà, đường phố…
Cho nên, tinh thần của Lễ Giáng Sinh là chia sẻ, bao dung, thương yêu và giảm thiểu giận hờn.
Tiểu thuyết gia Oren Arnold gợi ý về quà tặng Giáng Sinh như sau: “Với kẻ thù, cho sự Tha thứ; với đối thủ cho sự Chịu đựng; với bạn bè cho Trái Tim; với khách hàng cho Phục Vụ Chu Đáo; với các cháu bé Làm Gương Sáng để cháu noi theo và với chính mình, cho niềm Tự Trọng”.
Trong thông điệp gửi cho nhân dân Hoa Kỳ, vị Tổng Thống thứ 30 của quốc gia này là Calvin Coolidge (1872-1933), nhắn nhủ: “Christmas không phải là một thời gian hoặc một mùa nhưng là một tâm trạng. Để chào mừng hòa bình và thiện ý, để có đầy đủ tình yêu thương”.
Tiểu thuyết gia nước Anh là Charles Dickens ((1812–1870) cũng đồng ý với “ Tôi luôn nghĩ Christmas như là thời gian vui thú; một thời gian thân tình, tha thứ, độ lượng, thoải mái; thời gian mà nam cũng như nữ dường như tự do rộng mở trái tim, do đó tôi xin Thượng Đế chúc lành cho Christmas”.
Tác giả Wilda English viết: “Thượng Đế ban cho ta ánh sáng của Christmas, đó là niềm tin; ấm áp của Chrismas, đó là tình yêu; rực rỡ của Christmas, đó là sự trong sáng; chính trực của Christmas, đó là công lý; lòng tin tưởng ở Christmas, đó là sự thật; mọi ý nghĩa của Christmas, đó là Chúa Giê Su”.
Kế cận những bên nhau hạnh phúc, Giáng Sinh còn quá nhiều người không mua, không nhận được quà tặng, không lo được bữa ăn ngon, những em bé bán diêm chết cóng trong đêm băng giá, những đứa con bị cha mẹ bỏ rơi, những người bệnh không được thuốc thang chăm sóc…
Nhưng có Mother Teresa, người được Chúa Jesus kêu gọi để phục vụ những kẻ bất hạnh từ Giáng Sinh năm 1948. Bà từng nói “Mỗi năm tôi khởi sự việc làm vào ngày Christmas”.
Vì, theo bà, “Là Lễ Giáng Sinh mỗi khi ta để Thượng Đế thương yêu người khác qua ta… và là Lễ Giáng Sinh mỗi khi ta mỉm cười với anh em của ta và cứu giúp họ”.
Đó là thánh ý Thiên Chúa.
Mà trong Lễ Giáng sinh, thường thường người ta cũng hay cầu nguyện
Cầu nguyện không phải chỉ là sự thờ phượng mà còn là một nguồn sinh lực dồi dào, mạnh mẽ mà con người có thể tạo ra. Ảnh hưởng của sự cầu nguyện lên tinh thần và thể chất có thể chứng minh được. Ảnh hưởng đó được đo lường bằng sự phục hồi thể xác, đưa tới một trí tuệ sáng suốt, một lương tri ổn định và sự thấu hiểu những mặt khàc nhau trong sự giao thiệp giữa mọi người.
Nếu ta thành thật tạo ra một thói quen cầu nguyện, cuộc sống của ta sẽ thay đổi rõ ràng. Lời cầu nguyện sẽ để lại trong hành động và thái độ của ta những dấu ấn khó xóa nhòa. Một tác phong bình thản, một nét mặt ung dung tự tại ở những ai đã có một nội tâm phong phú. Trong chiều xâu của lương tri là ngọn lửa của nhân ái. Và con người tự nhìn thấy mình. Họ nhìn ra tính ích kỷ, thái độ kiêu hãnh, tâm trạng sợ hãi, lòng tham lam, những sai lầm ngớ ngẩn của mình. Họ sẽ triển khai một nghĩa vụ đạo đức, một trí tuệ khiêm cung lâu dài.
Câu nói, “Hãy cầu xin và sẽ được đáp ứng” đã được chứng minh bằng kinh nghiệm của nhân loại.Thực ra, cầu nguyện không thể mang lại sự sống cho em bé đã chút hơi thở cuối cùng hoặc chấm dứt được cơn đau thể chất. Nhưng cầu nguyện, như hạt radium, là nguồn sinh lực tự tạo sáng chói không bao giờ hết. Khi cầu nguyện, ta đã kết nối bản thân với nguồn sức mạnh bất tận đang quay cuồng trong vũ trụ. Ta xin một phần năng lượng đó cho nhu cầu thiếu hụt của ta để tăng cường bổi bổ. Nhưng đừng cầu nguyện Thượng Đế để thỏa mãn lòng ham muốn nhất thời.
Ta có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu, một mình hoặc với người khác. Hãy nghĩ tới Thượng Đế nhiều hơn là hơi thở khiến cho cầu nguyện trở thành một thói quen.Và đừng cầu nguyện vào buổi sáng rồi suốt ngày sống như một con người man rợ độc ác.
Hơn bao giờ hết, cầu nguyện bây giờ là một gắn bó cần thiết trong nếp sống của con người. Thiếu quan tâm tới ý nghĩa của tôn giáo đã đưa thế giới tới ngưỡng cửa của sự diệt vong. Nguồn sức mạnh xâu sắc, toàn hảo nhất của chúng ta đã bị lãng quên một cách thảm bại. Cầu nguyện phải được tích cực áp dụng trong nếp sống của chúng ta. Vì nếu sức mạnh của sự cầu nguyện được áp dụng trong đời sống thường nhật thì còn nhiều hy vọng rằng những lời cầu nguyện cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ được đáp ứng.
Để kết luận, xin mượn lời của nhà văn danh tiếng nước Anh Charles Dickens như sau, khi ông nói tới Christmas: “I will honor Christmas in my heart, and try to keep it all the year”, Tôi sẽ tôn vinh Christmas trong trái tim của tôi và trân trọng Christmas suốt năm”.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức