Đời còn vui vì có chút "tòm tem
Không biết hai tiếng "tòm tem'' xuất hiện trong ngôn ngữ Việt
từ bao giờ nhưng cái chuyện tòm tem thì quả là xưa không kém gì quả đất. Tuy
nhiên, dù có xưa cách mấy thì tòm tem vẫn không bao giờ cũ, vì loài người còn
tồn tại tới ngày hôm nay cũng là nhờ vào ''tòm tem''. Chính vì thế mà thiên hạ
vẫn cứ mãi mãi tòm tem và sẽ còn nói nhiều về chuyện tòm tem.
Sở dĩ tôi dùng hai tiếng ''tòm tem'' này
để nói về một chuyện mà ngôn từ dùng để diễn tả lại vô cùng phong phú và thường
được thả nổi, ấy là tại vì hai tiếng này vừa có gốc có gác, vừa nôm na dễ hiểu,
lại không bị coi là tục để các vị thích rao giảng đạo đức bắt bẻ mà cũng không
khô khan như từ ngữ chuyên môn của nhà khoa học. Tôi học được hai chữ này trong
bài ca dao sau:
Ðang khi lửa đỏ cơm sôi
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem
Bây giờ cơm chín lửa tàn
Lợn ăn, con ngủ, tòm tem thì tòm
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem
Bây giờ cơm chín lửa tàn
Lợn ăn, con ngủ, tòm tem thì tòm
Phải nói là mặc dù mấy câu ca dao này
tuy thật là đơn giản nhưng càng đọc tôi càng thấy thấm ý. Con người từ thủa xa
xưa cho tới ngày nay, sống trên đời lúc nào cũng cứ tối tăm mặt mũi với hàng
trăm thứ chuyện lỉnh kỉnh hằng ngày nhưng xét cho cùng thì chẳng qua cũng chỉ
là nhằm đáp ứng cho hai nhu cầu cơ bản là ăn để sống và tòm tem để bảo tồn nòi
giống. Có khác chăng là theo đà tiến hóa, con người càng văn minh thì cái ăn và
cách ăn cũng trở thành cầu kỳ và cái tòm tem cũng được bày đặt thêm nhiều quy
định có tính cách hình thức rắc rối hơn mà thôi.
Tuy cả hai nhu cầu trên đều là cơ bản
nhưng nếu sắp theo thứ tự ưu tiên thì cái ăn vẫn là trước tiên rồi mới tới
chuyện tòm tem, vì chỉ có ''no cơm ấm cật'' thì lúc đó mới có thể ''rậm
rật khắp nơi''. Cái sự ví von này tôi cũng học được trong kho tàng ca dao
tục ngữ.
Nếu nhu cầu ăn có từ khi lọt lòng thì
trái lại nhu cầu tòm tem phải đợi đến một cái tuổi gọi là biết mắc cỡ vì khám
phá ra những cái khang khác nơi mình và nơi người mới bắt đầu có. Lại nữa, cái
cường độ của nhu cầu này cũng biến thiên tùy theo nguời và tùy theo thời gian:
sung độ nhất vào lúc tuổi còn trẻ nhưng càng về già thì yếu lần và có thể không
còn nữa. Chính vì thế mà người ta mới hối nhau:
Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng mọc có lứa người ta có thì
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau
Măng mọc có lứa người ta có thì
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau
Mặc dù trong văn học Việt nam cũng đã có
những nhà nho xông xáo cỡ cụ Nguyễn Công Trứ từng vỗ ngực tự hào trong một bài
hát nói ''càng già càng dẻo càng dai'' và trong ca dao cũng có những bài
như:
Bà già đã tám mươi tư
Ngồi bên cửa sổ biên thư lấy chồng
Ngồi bên cửa sổ biên thư lấy chồng
Hoặc là:
Bà già đi chợ cầu Ðông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ đoán rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ đoán rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn
Tuy nhiên nếu nghiệm cho kỹ thì chẳng
qua các cụ cũng chỉ là tiếc nuối cho một thời oanh liệt đã qua đi mà nói vớt
vát cho vui thế thôi chứ thực tế thì các cụ cũng không làm sao xoay ngược lại
định luật của tạo hóa.
Ngoài ra, nếu nhu cầu ăn không thể thiếu
thì ngược lại nhu cầu tòm tem có thể hy sinh mà không làm cho cá nhân ấy chết,
trừ trường hợp nếu như tất cả giống người đều hy sinh cái nhu cầu này thì lúc
đó loài người mới bị tuyệt chủng thôi. Về cái khoản này thì Phật có dạy đời là
bể khổ và con người phải diệt dục thì mới dứt được nghiệp chướng để tịnh độ
Niết Bàn. Tuy vậy, có một số người dù đã quy y cửa Phật thành sư, nhưng lòng thì
vọng động, đôi khi còn bạo hơn cả người phàm nên người đời mới gọi các vị này
là ''sư hổ mang''. Còn nếu chỉ nhè nhẹ thôi thì ca dao cũng đã từng mô
tả:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Khác với Phật giáo chủ trương diệt dục,
người Thiên Chúa giáo lại tin rằng khi Chúa dựng nên người nam và người nữ đầu
tiên rồi thì có phán: ''Hãy sinh sản ra cho đầy mặt đất này''. Tuy nhiên
khi loài người đã sinh ra tràn đầy trên mặt đất này rồi thì Hội Thánh mỗi khi
muốn tuyển chọn người thay Chúa chăn dắt bầy chiên ở trần gian thì lại đòi hỏi
người đó phải hy sinh cái niềm vui tòm tem. Ðiều này gây trở ngại cho một số
người vừa muốn làm kẻ chăn chiên của Chúa lại vừa không muốn sống trong cảnh
''cám treo heo nhịn đói'', do đó mà nảy sinh ra Giáo phái Tin Lành. Các ngài
mục sư nhờ hiểu Kinh Thánh một cách cởi mở hơn nên đã giúp cho một số người an
tâm vừa làm tôi tớ Chúa, vừa vui thú trần gian mà không hề mang mặc cảm phạm
tội.
Mặc dù bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
có khẳng định: ''Mọi người sinh ra bình đẳng'' nhưng thực tế thì Tạo hóa vốn có
trước loài người nên hình như không biết có cái luật đó cho nên mới để lọt một
số người bị mụ bà nắn thiếu cái ''gia tài của mẹ để lại cho con'' khiến cho
những kẻ này không bao giờ biết được cái niềm vui tòm tem ở cõi đời này. Tuy
nhiên vào cái thời đất nước còn được cai trị bởi những ông vua thì cũng có vài
anh chàng lại tự nguyện cắt bỏ cái gia tài này để được hầu hạ trong cung hầu
kiếm miếng cơm manh áo. Thí dụ như mấy anh chàng muốn xin làm thái giám.
Số là trong xã hội phong kiến ngày xưa,
một kẻ làm vua thì tự cho mình có cái quyền tha hồ tòm tem. Do đó mà ông vua
nào cũng có trong cung hàng ngàn cung tần mỹ nữ. Tuy nhiều thế và nhiều khi tòm
tem không xuể, nhưng vì tham lam và ích kỷ, nên ông vua nào cũng sợ kẻ khác tòm
tem giùm mình do đó mới phải chọn mấy anh chàng thái giám để hầu hạ trong cung
cho chắc ăn. Nhiều ông vua cũng vì mê tòm tem đến độ bỏ bê cả triều chính cho
nên đành phải mất nước hay mất cả cái chỗ đội vương miện. Có ông thì bệ rạc đến
nỗi không còn ngồi dậy nổi để thiết triều đành nằm ườn ra cho đình thần vào
chầu như ông vua Long Ðĩnh nhà Lê. Sử gia khi nhắc đến phải đặt cho triều đại
này cái biệt danh là "Lê ngọa triều".
Cũng vì cái mục ham tòm tem này của kẻ
làm vua mà nhiều khi đi tong luôn cả một dân tộc. Xưa Chiêm thành cũng là một
vương quốc lừng lẫy. Vào thời nhà Trần ở nước ta thì có vua Chiêm là Chế Mân
bỗng dưng nổi hứng đem dâng luôn hai châu Ô và châu Rí để xin với vua Trần cho
được rước công chúa Huyền Trân về tòm tem. Không hiểu có phải vì nàng công chúa
xứ Việt tài cao hay vua Chiêm lụ khụ sao đó mà ít lâu sau thì vua Chiêm tịch.
Theo phong tục Chiêm thành thì khi vua chết hoàng hậu và phi tần cũng phải tịch
theo vua để tiếp tục hầu hạ cho nhà vua cũng được tòm tem nơi chín suối. Nhà
Trần tiếc cho tuổi xuân phơi phới của nàng công chúa của mình mà bị đưa lên
giàn hỏa với vua Chiêm thì thật là phí hương trời, bèn sai Trần Khắc Chung vào
kinh thành Chiêm lén đem công chúa về. Tương truyền sau đó hai người đưa nhau
đi đâu làm gì chẳng ai rõ, nhưng dù sao thì cái tên Huyền Trân cũng đi vào lịch
sử, còn Chiêm thành thì theo cái đà mất hai châu mà mất lần cho đến mất luôn cả
nước và bị diệt vong.
Theo các nhà nghiên cứu về sinh vật học
thì trong vấn đề tòm tem, giống cái bao giờ cũng khỏe hơn giống đực. Nguyên lý
này hình như cũng đúng cả với con người. Chúng ta chỉ nghe kể ông này ngài nọ
đang tòm tem thì bị ''ngã ngựa'' rồi ''ra đi'' chứ chẳng bao giờ nghe nói có bà
nào lăn quay ra ngáp ngáp trong lúc tòm tem cả. Nghe khoản này có lẽ các ông
không đồng ý, vì tự hồi nào các ông vẫn tự cho mình là phái khỏe còn đàn bà mới
là ''liễu yếu đào tơ'' phải ''núp bóng tùng quân''. Tuy nhiên tục ngữ cũng có
câu: ''con gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu'', cho nên nam nhi cỡ mấy anh
chàng ''trói gà không chặt'' mà gặp phải mấy cô này thì cũng coi như là
đi tong, bằng không thì cũng bị cô nàng cắm cho năm bảy cái sừng.
Các nhà nghiên cứu về sinh vật còn đưa
thêm một nhận xét là có nhiều loài sinh vật sau khi tòm tem thì chị cái còn xơi
tái luôn anh chàng đực cho đã cơn đói lòng, chẳng hạn như loài bọ ngựa. Ðiều
này tưởng chừng không xảy ra nơi con người nhưng nếu nghiệm kỹ ra thì cũng có,
nhưng vì con người có đời sống văn minh cho nên cái mục cô nàng ''xơi tái'' anh
chàng này cũng diễn ra dưới một hình thức mới mẻ hơn, khoa học hơn, tinh vi
hơn, trông nhẹ nhàng và không có vẻ rùng rợn nhưng độc ác thì không kém. Nàng
chỉ móc cái ví tiền, nắm lấy cái ví tiền thôi chứ không cần moi ngực, moi tim
gì cả. Có biết bao ông ''nam nhi chi chí'', chỉ vì tòm tem mà bị thân
bại danh liệt do ăn hối lộ, thụt két để cung phụng cho cô nàng no bụng còn ông
thì vào nằm nhà đá gỡ lịch. Ðối với những ông có sẵn cơ nghiệp thì cô nàng cứ
việc tha hồ ăn cho tới sạt nghiệp rỗng túi. Ngay cả những ông được cái tiếng là
hiền lành cũng lắm lúc khốn khổ vì đi làm lãnh lương ba cọc ba đồng thôi mà
cũng bị bà vợ móc sạch. Thế là đủ cho anh chàng từ đó cứ lệ thuộc vào bà vợ.
Còn bà vợ thì phây phây ''chưa đi đến chợ đã lo ăn quà'', càng ngày càng
phốp pháp ra trong khi đức lang quân thì càng ngày càng ''cà tong cà teo'' như
que củi.
Chuyện tòm tem mà đi vào văn học sử thì
rất nhiều. Vào cái năm Tí Sửu Dần Mẹo gì đó có sứ Tàu sang nước ta. Không hiểu
do đâu mà sứ lại gặp bà Ðoàn Thị Ðiểm, lại còn buông lời chọc ghẹo chớt nhả: ''An
nam nhất thốn thổ, Bất tri kỷ nhân canh'', nghĩa là ''một tấc đất An nam
không biết bao nhiêu là người cày'' ý xỏ xiên gái Việt. Bà Ðiểm vốn đã từng
dịch Chinh Phụ Ngâm, chữ nghĩa đầy mình, đâu dễ gì chịu mất mặt như vậy, bèn
đối ngay: ''Trung quốc đại trượng phu, Giai do thử đồ xuất''. Câu này có
nghĩa là ''bậc trượng phu của nước Tàu cũng từ đó mà chui ra cả thôi''.
Ðúng là chậu nước lạnh hắt vào mặt sứ Trung quốc.
Tuy nhiên đáng nể hơn cả phải nói đến nữ
sĩ Hồ Xuân Hương. Một mảng lớn trong văn thơ của bà hướng về nội dung:
phải làm sao nói lên được cái nguyên lý tòm tem ẩn tàng trong mọi sự vật, và
tên tuổi của bà gắn liền với sự nghiệp trên đến nỗi hễ một người nào đó chỉ cần
nhắc đến tên bà là người khác hiểu ngay ý người kia định nói gì.
Trên đây tôi chỉ đơn cử vài danh nhân
tiêu biểu thôi chứ thực ra nếu mà xét cho cùng thì bao nhiêu tác phẩm văn
chương nghệ thuật trên thế giới này nếu không liên quan đến ăn thì cũng là do
cái động cơ tòm tem thúc đẩy mà ra cả.
Nếu cái chuyện tòm tem nơi loài vật là
một sự kiện tự nhiên nên hễ muốn tòm tem thì đi tìm đối tượng hợp tác giải
quyết là xong thì nơi con người vì văn minh nên thường ''vẽ rắn thêm chân''
do đó để thỏa mãn cái nhu cầu tòm tem, con người cũng đặt ra vô số quy định gọi
là luật pháp, đạo đức, phong tục, tập quán để làm khó cho mình. Chính vì thế mà
chuyện tòm tem của con người mới được phân biệt thành nhiều hình thức.
Thông thường nhất và được xã hội cho
phép và nhìn nhận là tòm tem có đăng ký chính thức. Ðể có thể tòm tem theo kiểu
này con người phải trải qua nhiều bước gian truân lo lắng và chờ đợi, kết quả
có khi được mà cũng có khi chỉ là dã tràng xe cát cho nên mới có chuyện nhiều
anh chàng hay cô nàng vì lý do này lý do nọ không hội đủ tiêu chuẩn để xin được
giấy phép hành nghề, đành ôm hận đáp chuyến tàu suốt về miền quên lãng, hoặc
nhẹ lắm thì cũng là cúi đầu nhìn người yêu ôm cái tòm tem sang ngang không hề
ngoảnh lại. Ðiều này nếu có gây đau khổ cho một số người thì chính đó cũng là
nguồn cảm hứng để cho những tâm hồn đau khổ đó có thể sáng tác nên những vần
thơ tuyệt tác, những áng văn bất hủ và những bản nhạc để đời.
Ðối với những người hân hoan rước được
cái tòm tem về rồi thì mọi chuyện bây giờ trở nên như cơm bữa nên không có gì
đáng bàn ngoài cái chuyện đêm đêm:
Ðàn ông gì thứ đàn ông
Nửa đêm trở dậy cắm chông đàn bà
Ðàn bà gì thứ đàn bà
Nửa đêm trở dậy rút ruột già đàn ông
Nửa đêm trở dậy cắm chông đàn bà
Ðàn bà gì thứ đàn bà
Nửa đêm trở dậy rút ruột già đàn ông
Thỉnh thoảng mới có vài trường hợp cá
biệt như:
Lấy chồng từ thủa mười lăm
Chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi
Ðến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gãy một còn ba ...
Chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi
Ðến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gãy một còn ba ...
Chẳng cần phải giải thích ai cũng thừa
biết là thương ở trong lòng thì làm sao gãy được cái chân giường, chẳng qua
chuyện gãy cái chân giường là do tòm tem sôi nổi mới ra cớ sự. Tuy nhiên cũng
không thiếu gì những trường hợp có kẻ vì những lý do không được tiết lộ nào đó
mà cứ phải bóp bụng thở than:
Chàng ơi bỏ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng
Nhờ xã hội bày ra cái chuyện tòm tem
phải có đăng ký chính thức này mà có những ông vốn coi trời bằng vung bắt đầu
biết sợ, dĩ nhiên là không phải sợ trời mà sợ kẻ cao hơn trời nữa kia. Riêng
các bà thì có một số khỏi phải khổ công đèn sách, đánh giặc hay phấn đấu công
tác cũng bỗng dưng trở thành cô Tú, bà Bác sĩ, bà Thiếu tướng, bà Tỉnh trưởng
v.v... để ra oai tác yêu tác quái, có khi còn thêm màn phụ diễn ''gà mái đá
gà cồ''. Ðiều này có vẻ như là một bất công đối với phái nam vì khi một anh
chàng nghèo dốt đặc nào đó vô phúc vớ được một bà luật sư, bà bác sĩ cũng không
bao giờ được thiên hạ gọi là ông luật sư, ông bác sĩ gì cả để mà hậm họe với
đời hay lên lớp chị vợ.
Thời còn chế độ phong kiến thì tuy vua
thay trời trị dân, nhưng vì có vài ông vua lại học được cái câu ''nhất vợ
nhì trời'' của dân gian nên có nhiều bà gốc dân giã, không cần dựng cờ khởi
nghĩa để làm vua mà chỉ cần được một ông vua loại trên tuyển về làm Hoàng hậu
rồi sau đó lại còn lên Thái hậu là cũng đủ làm cho đất nước điêu đứng.
Riêng đối với đa số các bà thường thường
bậc trung không có gì để thi thố với đời thì nhờ có sẵn nhãn hiệu cầu chứng lận
trong lưng nên rất hãnh diện phô trương cái thành quả tòm tem của mình, đi đâu
cũng vác cái bụng phình chương ướng nghễu nghện ra cái điều ta đây nết na đức
hạnh để cho xã hội nhìn vào mà nể nang chứ không giống như mấy cô nàng tòm tem
lén, tòm tem chui, lỡ có kết quả là tìm cách giấu còn hơn ''mèo giấu cứt''.
Mặc dù các nhà đạo đức và các nhà luật
pháp thường khuyến cáo con người chỉ nên và chỉ được tòm tem có đăng ký chính
thức tại một hộ khẩu thường trú, nhưng nhiều khi vì tính ham vui mà có những cặp
chưa kịp làm xong thủ tục đăng ký đã tòm tem. Ðây là loại tòm tem lén cha lén
mẹ. Hình thức này rất phổ biến trong lứa tuổi rường cột của tương lai nên đây
cũng là niềm lo lắng của các bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên có nhiều cô cậu gặp khó
khăn trong vấn đề ''đăng ký hành nghề'' thì lại nhờ cái khoản có kinh nghiệm
hành nghề trước mà sau đó được cấp giấy phép điều chỉnh, hoặc cũng có khi là bị
bắt buộc điều chỉnh giấy phép tùy trường hợp.
Cũng có khi đã đăng ký có nơi có chốn,
nhưng vì thích điều mới lạ hoặc ngán cơm nhà ăn hoài nhạt miệng nên ở đâu lúc
nào cũng có chuyện ''ông ăn chả bà ăn nem'' hoặc là ông đi lính ''nhảy dù'' bà
đi tìm nơi ''ăn vụng''. Ðây là loại tòm tem chui, trốn thuế cho nên thường xảy
ra nhiều màn đấu gươm, nổ súng, rượt bắt rất sôi nổi, hoặc nhiều cảnh trừng trị
rất rùng rợn. Ngày xưa khi mà ''phép vua thua lệ làng'', dân nông thôn ở
các vùng ven sông đôi khi vẫn vớt được đôi trai gái bị trói thúc ké thả trôi
theo giòng nước chỉ vì bị bắt quả tang đang ăn vụng.
Thời Ðệ nhất Cộng hoà, có một ông quan
nhà binh súng ngắn nọ không thích bắn súng đồng ngoài chiến trường mà chỉ thích
bắn súng cao su ở các vũ trường. Quan bắn giỏi quá nên có một em ca ve xin được
rước quan về cận vệ cho mình. Chị cả ở nhà thấy quan lâu ngày không chịu cho
mình khám súng mà cứ vác súng đi suốt đêm nên cho tay em đi điều tra. Tay em tìm ra cớ sự bèn về bẩm báo và hiến kế cho chị Cả
nên tặng cô nàng nọ một liều a xít để biến cô nàng thành đống sắt vụn. Báo hại
sau vụ ấy cả miền Nam
mỗi khi nghe có ai nói tới hai tiếng a xít là các bà các cô đua nhau tìm đường
chạy trối chết.
Có những bà vì không có phương tiện để
theo dõi tìm tòi hoặc không muốn lặn lội thanh toán kẻ địch ở xa cho nhọc công
phí sức, nên cứ nhắm ngay đối tượng gần là ông chồng mà trị tội cho tiện. Nghe
đâu thời Tây còn cai trị xứ Nam kỳ có một cô Năm Huờn nào đó giận ông chồng
không chịu tòm tem với mình mà cứ đi tìm người khác để tòm tem cho nên mới nổi
tam bành rưới xăng đốt luôn ông chồng làm đuốc cho đời soi chơi.
Tòm tem chui có khi ''chùa'' mà cũng có
khi là ''tiền trao cháo múc''. Nếu là tòm tem theo kiểu tiền trao cháo múc thì
thường phái nam là kẻ phải chi tiền, họa hoằn mới có vài anh mày dày mặt dạn
được đời tặng cho cái danh hiệu là ''đĩ đực''. Riêng khối chị em ta là vừa được
tòm tem lại có tiền ăn bánh nên có nhiều cô nàng bất cần miệng đời khen chê đã
xin chọn con đường này làm ''con đường em đi''. Xã hội nào mà có nhiều cô nàng
chọn con đường này thì mấy bà phước ở trong xã hội đó lại càng có dịp nuôi một
bầy con không phải con mình. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt, có
những cô nàng lúc đầu đi con đường này, nhưng sau đó tình cờ vớ được một anh
chàng kiểu Từ Hải mà bỗng hóa thành mệnh phụ phu nhân, trở nên danh giá, ban ân
ban phước cho đời.
Ngoài các hình thức tòm tem có đăng ký,
tòm tem lén, tòm tem chui, tòm tem nhảy dù còn có một hình thức nữa gọi là tòm
tem ẩu. Ðây là một hình thức tòm tem không thông qua sự thỏa thuận của đôi bên
mà chỉ đến từ một phía. Loại tòm tem này có thể là hình thức nhẹ như của mấy
anh chàng thích ''thả dê'' theo kiểu trong ca dao:
Vú em chum chúm hạt cau
Cho anh bóp cái có đau anh đền
Vú em chẳng đáng một tiền
Cho anh bóp cái anh đền quan năm
Cho anh bóp cái có đau anh đền
Vú em chẳng đáng một tiền
Cho anh bóp cái anh đền quan năm
Có nhiều anh chàng nhờ trước ''thả dê''
sau thành duyên nợ, nhưng cũng có khối anh chàng bị ăn tát tai, đòn gánh, guốc
cao gót có khi lỗ máu đầu, hoặc phải ra hầu toà về cái tội hành nghề không có
giấy phép.
Hình thức mạnh thì thường đi kèm với dao găm, lưỡi lê, súng đạn,
hoặc ít nhất là cũng đôi cánh tay gân guốc. Ðây là một hình thức dã man thô
bạo, thường gắn liền với những tội ác mà con người không thích thấy nhưng lại
cứ hay diễn ra tại những nơi nào có chiến tranh, loạn lạc, bất công và áp bức.
Chuyện kiểu này thì vô cùng, xin để dành phần hành này cho các nhà làm chính
trị, các nhà làm luật pháp, các nhà rao giảng đạo đức, tôi không dám lạm bàn.
Mặc dù tòm tem là một nhu cầu tự nhiên
nhưng con người lại thích khoác cho nó cái vẻ không tự nhiên cho nên mới sinh
ra lắm cái nực cười hay những chuyện thương tâm đầy nước mắt.
Trong một phiên họp Quốc hội thời Ðệ
nhất Cộng hòa tại Miền Nam trước đây để biểu quyết một dự luật về vấn
đề bảo vệ tòm tem, có hai vị dân biểu nọ tranh luận nhau sao đó mà vị nữ dân
biểu bỗng đứng dậy một tay rút guốc đập lên bàn, một tay xỉa xói vào mặt vị nam
dân biểu và the thé: ''Không có đàn bà làm sao có đàn ông?'' Vị nam dân
biểu bị xúc phạm liền hùng hổ không kém đứng lên vung tay quát: ''Không có
đàn ông làm sao có đàn bà?'' Chẳng ai biết hai vị dân biểu kia rốt cuộc ai
thắng ai nhưng dân chúng nghe qua chuyện này đều ôm bụng cười và bảo nhau là
hai vị nọ rõ khéo thừa hơi vì nếu không có tòm tem thì làm quái gì có đàn ông
hay đàn bà để mà cãi cọ.
Cái chuyện tòm tem không phải chỉ có
người mới thích mà ngay cả thần tiên cũng còn đam mê. Trong dân gian vẫn truyền
tụng những câu truyện như Sơn Tinh và Thủy Tinh chỉ vì tranh nhau nàng công
chúa con vua Hùng mà đánh nhau hết năm này sang năm khác, gây ra cảnh gió mưa
bão lụt làm khổ cho dân. Lại có những nàng tiên còn vương vấn mùi tục lụy nên
mới xui khiến cho chàng Từ Thức lạc động Hoa vàng. Có nàng thì lại còn ham vui
xuống tận trần gian xem hội của người đời để rồi gây ra cớ sự khiến cho phải
vướng vào duyên nợ với người trần như truyện Giáng Kiều và Tú Uyên.
Tòm tem là nguyên lý của sự sống cho nên
hình như dân tộc nào cũng đề cao. Văn minh Văn lang cũng có sự tích ''ông Ðùng
bà Ðoàng''. Tương truyền là ngày xưa có nhà nọ sinh ra được hai con một trai
một gái. Ðến tuổi trưởng thành thì cả hai chị em nhà này đều cao lớn dị thường
do đó khi bắt đầu biết đến tòm tem thì nhìn quanh nhìn quẩn không thấy đâu có
đối tượng có khả năng hợp tác với mình nên cuối cùng cả hai đành phải hợp tác
với nhau. Dân làng cho rằng đây là một hành vi loạn luân bèn xúm lại tẩm quất
cho hai chị em nhà này một trận, đến lúc dừng tay lại thì chỉ còn thấy hai đống
thịt. Dân làng sợ Trời phạt cái tội cả gan hủy diệt cái nguyên lý của sự sống
mà bắt phải tuyệt tự cho nên mới lập đền thờ. Hằng năm đến ngày giỗ thì lại làm
hai hình tượng khổng lồ rước đi nghễu nghện khắp làng sau đó là trai gái trong
làng được một đêm tự do ra đình làng tòm tem bằng thích để tạ tội. Nghe chuyện
này biết đâu chừng có nhiều người cũng đang tiếc hùi hụi tại sao ta lại không
được sinh ra tại cái làng ấy.
Khờ khạo như Bờm nhưng một khi đã biết
đến tòm tem thì cũng mê mẩn ra phết. Chuyện kể là ngày xưa có hai ông bà hiếm
hoi sinh hạ được có mỗi một cậu con trai đặt tên là Bờm. Vì sợ mất giống nên
Bờm được cha mẹ cưới vợ cho rất sớm. Chị vợ lớn hơn Bờm nên hàng ngày cứ phải
bế chồng đi chơi, đút cơm và lo tắm rửa cho chồng năm này sang năm khác mà ban
đêm thì chẳng xơ múi gì. Ðùng một cái đến cái năm con chuột rúc rích gầm
giường, chị vợ táy máy sao đó mà Bờm bừng sáng trí khôn hiểu ra cái lẽ sống ở
đời.
Từ hôm ấy Bờm cứ mê mẩn quanh chị vợ tối
ngày làm chị vợ không còn thì giờ làm công việc nhà nên bị bà mẹ chồng đay
nghiến nhiếc móc. Chị vợ ức quá bèn dấu cục đá dưới váy rồi dẫn chồng đến bờ ao
lôi cục đá thảy tòm xuống ao và bảo chồng: ''Thôi nhé! Tôi đã quăng cái tòm
tem xuống ao rồi! Từ nay đừng có theo tôi mà đòi nghe rõ chưa.'' Bờm tiếc
của trời nên ngày nào cũng lội xuống ao mò mẫm. Ðược vài ngày chị vợ thấy vừa
thương hại vừa nhớ nên mới ra ao bảo chồng: ''Thôi về nhà đi rồi tôi đền
cho!'' Bờm không dám tin vào người vợ đã từng nhẫn tâm quăng mất niềm vui
của mình nên cứ ở lì dưới ao. Chị vợ tức quá bèn vén váy vỗ phành phạch mà bảo:
''Nó đây rồi nè!'' Bờm ngước lên thấy vợ mình vẫn còn giữ cái món của
hồi môn tưởng chừng như đã bị quăng mất ấy y nguyên chỗ cũ bèn hớn hở bò lên
theo vợ về nhà. Nghe nói từ đó về sau Bờm tòm tem rất tiến bộ, sinh ra cả bầy
con, rồi con cái Bờm lại nối gót mẹ cha mà tòm tem cần cù để tiếp tục sinh ra
cháu chắt hàng đàn hàng đống ở chật ních cả giải đất hình chữ S.
Chuyện tòm tem mà có nói mãi thì cũng
không bao giờ cùng, cho nên tôi cũng không tài nào nói hoài, chỉ xin tóm lại
một câu: dân tộc ta qua hàng ngàn năm nô lệ, hàng ngàn năm thiếu ăn, hàng ngàn
năm chinh chiến, người chết như rơm rạ mà vẫn không bị diệt chủng là vì nhờ dân
ta ở đâu lúc nào cũng khoái tòm tem và có thể tòm tem. Và cũng chính vì nhờ có
chút tòm tem mà đời vẫn còn vui để cho chúng ta cứ mê muội ngụp lặn trong vòng
khổ ải.
Theo tác giả Đoàn Văn Khánh (bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Thêm một bài thơ vễ tuổi già vẫn thích "tòm tem)
Son Hằn Trên Tóc Bạc
Dạo:
Vết son trên tóc còn hằn,
Phất phơ một thoáng ăn năn muộn màng.
Vết son đỏ hằn trên tóc bạc,
Đôi mắt già dáo dác láo liên,
Bần thần tiếc nuối không yên,
Mỉa mai ngọn gió bên hiên xầm xì.
Thầm nghĩ mình ngu si quá đỗi,
Đi tin người đáng tuổi cháu con,
Mày ngài, má phấn, môi son,
Lại thương ông lão đã non thất tuần.
Quên căn cước thuyền nhân tỵ nạn,
Hùa kéo bè kết đảng lang thang,
Nhởn nhơ áo gấm về làng,
Vung tiền trợ cấp vênh vang lòe đời.
Gặp khách già ham chơi trống bỏi,
Nàng "chân dài" sành sỏi ra tay,
Chỉ trong nhấp nháy mấy ngày,
Con nai bảy bó rơi ngay vào tròng.
Nàng ỏn ẻn cố công làm nũng,
Một rằng "anh", hai cũng rằng "anh".
Nhìn đôi mắt ướt long lanh,
Hồn già như cưỡi mây xanh mấy từng.
Con tim héo tưng bừng mở hội,
Thầm tự khen đến buổi xế chiều,
Lại còn gặp được "tình yêu",
Hí ha hí hửng quyết liều đưa chân.
Biết bao lần thân nhân ngăn cản,
Bạn bè cùng can gián lắm khi,
Nhưng lòng đã muốn ra đi,
Lo chi tình nghĩa, sá gì trúc mai.
Trau chuốt mảnh hình hài khú đế,
Chưng diện đồ như thể diễn viên,
Nhướng mày nhíu mắt làm duyên,
Nói cười tựa gã thiếu niên phát cuồng.
Sung sướng được sổng chuồng về xứ,
Cho bõ ngày lữ thứ lưu vong.
Cháu con giờ cũng tạm xong,
Tiền già rủng rỉnh thong dong mặc tình.
Ly dị vợ, một mình giong ruổi,
Đem căn nhà bán vội chia đôi,
Cầm về sắm sửa cơ ngơi,
Chủ quyền cho đứng tên người tình con.
Trốn biệt bạn bè còn kẹt lại,
Vì lòng luôn e ngại gặp người
Cùng nhau chiến đấu một thời,
Nay đang chịu cảnh đổi đời đắng cay.
Vui thụ hưởng từng giây từng phút,
Của mang về vùn vụt sang tay.
Một ngày thức giấc chợt hay,
Tiền nong đã chắp cánh bay qua cầu.
Người tình nhỏ giờ đâu biệt tích,
Chỉ công an đến tịch thu nhà.
Chủ quyền tên của người ta,
Tên mình chẳng có, xót xa ra đường.
Ôm trọn nỗi đau thương về Mỹ,
Tìm gia đình năn nỉ ỉ ôi.
Nhưng dù gãy lưỡi mòn môi,
Vợ con nhất quyết trọn đời không tha.
May mắn được vô nhà dưỡng lão,
Sáng trưa chiều trệu trạo miếng ăn,
Đêm dài mộng mị trôi lăn,
Hoang mang nẻo nhớ, nhọc nhằn lối quên.
x
x x
Vết son vẫn hằn trên tóc bạc,
Chốn mơ tàn, lác đác sao rơi.
Trong căn phòng trọ cuối đời,
Có người ngồi nắn tuổi trời mà đau
.
Trần Văn Lương 2/2016 (bài do bạn Mậu Trần giới thiệu)