Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Bệnh Glôcôm


 Bệnh Glôcôm là một nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng và cuối cùng dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục.

BỆNH GLAUCOMA

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết vấn đề này, dưới đây là những lầm tưởng thường gặp.

1. Bệnh glôcôm là bệnh lý có tính chất di truyền nên nếu trong gia đình không có người mắc glôcôm thì không đáng lo

Điều này là sai lầm phổ biến. Thông thường bệnh glôcôm có tính chất gia đình nhưng không có nghĩa là bệnh chỉ xảy khi gia đình có tiền sử mắc bệnh glôcôm.

Các nhà nghiên cứu cho biết, bệnh glôcôm có tính chất gia đình. Nghĩa là khi bố hoặc mẹ đã được chẩn đoán mắc glôcôm thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao. Do đó, các bác sĩ thường khuyến cáo nếu gia đình có người bị glôcôm, thì con cái cần khám mắt định kỳ.

Nhưng bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra bệnh glôcôm còn xảy ra với người trên 40 tuổi, có bệnh tiểu đường hay tăng huyết áp, người bị viễn thị, giác mạc nhỏ, người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng…cũng dễ mắc bệnh glôcôm. Vì vậy, không chỉ có di truyền mà bệnh glôcôm có thể xảy ra với bất kỳ ai.

2. Bệnh glôcôm chỉ xảy ra ở người có nhãn áp cao

Thông thường nhiều người cho rằng bệnh glôcôm chỉ xảy ra ở những người có nguy cơ cao bao gồm nhãn áp cao. Ở một người bình thường nhãn áp trung bình trong khoảng từ 8 đến 20 mmHg, người bệnh glôcôm thường có nhãn áp cao, tuy nhiên không phải những người có nhãn áp cao hơn mức trung bình đều bị glôcôm. Bởi vậy nhãn áp chỉ được coi là một trong những yếu tố để đánh giá mắt có bị glôcôm hay không và cần có thêm các chỉ số khác.

3. Mắc bệnh glôcôm là sẽ bị mù lòa

Khi được chẩn đoán bệnh glôcôm nhiều người lo lắng bị mù lòa và bi quan, điều này hết sức sai lầm. Trên thực tế cho thấy, bệnh glôcôm gây tổn hại các tế bào hạch võng mạc (một loại neuron thần kinh ở mắt). Các tế bào này không có khả năng tăng sinh. 

Do vậy các tổn hại thị giác trong glôcôm cho đến nay là không hồi phục được nhưng có thể phòng tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Và nếu phát hiện được sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên thì bệnh nhân có thể tránh được mù loà.

4. Bệnh glôcôm không phòng tránh được

Nhiều người cho rằng bệnh glôcôm không thể phòng tránh được, nhưng điều này không hẳn đúng.

Glôcôm có tính chất gia đình và tự phát, vì vậy phòng bệnh glôcôm nguyên phát là rất khó thực hiện. Nhưng nhằm giảm bớt tỷ lệ mù lòa do bệnh glôcôm cần thiết phải được khám phát hiện sớm với những đối tượng có nguy cơ cao. Hoặc nếu có biểu hiện đau nhức mắt nhìn mờ nhìn đèn có quầng xanh đỏ… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Để phòng tránh bệnh glôcôm chúng ta cần chú ý không được tự ý, lạm dụng thuốc có chứa corticoid nhất là những thuốc tra tại mắt vì có thể dẫn đến mù lòa do bị glôcôm, đục thể thủy tinh, loét giác mạc. Những người bị mắc bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết, hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường, mặt khác phải được kiểm tra đáy mắt định kỳ nhằm phát hiện tình trạng võng mạc thiếu máu

Tóm lại: Những tổn thương do bệnh lý glôcôm gây ra là không thể hồi phục nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thì có thể tránh được mù lòa. Vì vậy, khi thấy mắt có bất cứ biểu hiện gì bất thường, thị lực suy giảm cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được can thiệp kịp thời. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm cần được thăm khám và tầm soát sức khỏe mắt định kỳ. Đặc biệt, người bệnh glôcôm cần duy trì thăm khám theo lịch mà bác sĩ đã đưa ra để theo dõi thường xuyên tình trạng thị lực cũng như đo nhãn áp.

 (khoahocdoisong)