Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Vị trí tóc bạc tiết lộ điều gì về trạng thái sức khoẻ của bạn?

Theo Đông y, mái tóc và sức khỏe có quan hệ vô cùng mật thiết. Thân khỏe thì tóc khỏe. Còn khi xuất hiện tóc bạc, khí huyết và lục phủ ngũ tạng cũng đang gặp khó khăn.
Tóc được xem là phần dư ra của huyết. Do đó, khi “tạng thận sung mãn, tinh huyết đầy đủ thì tóc sẽ đen, bóng, lâu bạc”, “tạng gan sung mãn khí huyết lưu thông thì tóc sẽ không bị rụng”, nếu tinh huyết không đủ, tóc dễ gãy, độ đen bóng mất đi, màu trắng xuất hiện. Nếu khí huyết không đủ, dinh dưỡng cung cấp cho lớp biểu bì ở chân tóc bị thiếu hụt, dễ làm cho tóc bị rụng.
Cũng theo Đông y, vị trí vùng tóc bạc khác nhau bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau, là do khí huyết và kinh lạc ở bộ phận tương ứng với chúng bị rối loạn. Phương pháp điều trị hay điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp cũng cần lựa theo đó.

1. Tóc bạc hai bên thái dương trở lên: là do gan hỏa vượng



Phần tóc ở hai bên của thái dương trở lên chính là khu vực tương ứng phản ánh tình trạng của gan.
Người gan hỏa vượng, người dễ bị kích động, nóng tính gắt gỏng, người hay hờn dỗi nóng nảy thường có các biểu hiện miệng khô, đắng, lưỡi khô, mắt nhức… đều bắt nguồn từ gan hỏa vượng làm tổn thương tỳ vị.
Những người này, nên ăn đồ thanh đạm, có thể dùng nhiều các loại như cháo bát bảo, cháo hạt sen, cháo hạt sen mộc nhĩ, uống trà tâm sen, trà hoa hồng, nước sơn tra.
Nếu như đắng miệng, hay miệng thấy khô trầm trọng, có thể ăn nhiều tâm sen hoặc mướp đắng. Tâm trạng xấu cũng dễ bị bốc hỏa khí. Vì vậy, nên duy trì một tâm trạng thoải mái, tham gia các hoạt động thể thao, khí công thiền định để lấy lại hưng phấn trong cuộc sống, ích gan lợi mật.

2. Tóc bạc đằng sau đầu: là do thận hư

Phần tóc đằng sau đầu chính là khu vực phản ánh tình trạng của bàng quang.
Khi bàng quang hư thường có các triệu chứng như đi tiểu nhiều, tiểu rắt, tiểu són, bí tiểu hoặc đi tiểu bất bình thường, bởi chức năng chủ yếu của bàng quang là dự trữ và tống xuất nước tiểu. Chức năng của bàng quang bị hư sẽ làm mất khả năng nhịn tiểu.
Chức năng tống xuất nước tiểu của bàng quang có liên quan mật thiết tới thận. Khi tinh khí trong thận đầy đủ, nước tiểu có thể kịp thời bài tiết ra bàng quang và tống xuất ra ngoài. Nếu thận hư, không thể cố định đi và nhịn tiểu như bình thường, sẽ xuất hiện các triệu chứng như vừa nêu.
Có nhiều cách dưỡng thận, đơn giản nhất là dùng chính đôi bàn tay của mình. Lấy lấy hai mu bàn tay tựa lên vùng thắt lưng trong tư thế nằm ngửa trên giường. Nhiệt sẽ từ tay sẽ dần lan khắp toàn thân. Lúc đầu hai tay bị thắt lưng đè lên sẽ bị tê, 3-5 ngày sau khi đã quen thì không tê nữa, hai chân sẽ cảm thấy nhẹ nhàng linh hoạt. Dù là buổi tối hay ban ngày, chỉ cần là đang nằm trên giường, thì kiên trì dùng 2 mu bàn tay ép lên 2 thắt lưng nửa giờ, sẽ thấy được hiệu quả kì diệu.
Cũng có thể dùng hai tay chà xát vùng thắt lưng, đây là vị trí tương ứng với thận. Chà xát vùng thắt lưng giúp khơi thông kinh mạch, khí huyết thông suốt, tăng cường chức năng của thận. Sau mỗi lần đại tiểu tiện, dùng hai tay chà xát thắt lưng 36 lần, sẽ cảm thấy nóng vùng thắt lưng.

3. Tóc bạc ở trán: là do tỳ vị không tốt



Tóc ở trên trán chính là khu vực phản ánh tương ứng tình trạng của tỳ vị cơ thể.
Người có tỳ vị không tốt thường bị đầy hơi dạ dày, đau bụng, dư axit dạ dày, miệng nhạt nhưng không khát nước, đại tiện phân lỏng, còn có trường hợp biểu hiện là hôi miệng, chán ăn, chân tay hơi sưng, ớn lạnh, tiểu dài hoặc khó đi tiểu, phụ nữ ra nhiều dịch âm đạo.
Nguyên nhân làm tỳ vị hư hao có thể là do thói quen ăn uống không tốt, ăn đồ lạnh nhiều. Thêm vào đó là nhịp sống nhanh, áp lực tinh thần nhiều, càng dễ dẫn đến các vấn đề về dạ dày. Vì vậy, cần điều chỉnh thói quen ăn uống sinh hoạt, có thể ăn thêm canh dạ dày lợn hầm với hạt tiêu, uống nước gừng. Hạt tiêu và gừng tươi là loại gia vị kiệm vị, ấm vị, có thể điều chỉnh các triệu chứng thiếu hụt của tỳ vị, giúp tỳ vị hồi phục và khỏe mạnh.

4. Mái tóc muối tiêu: người thông minh nhưng khá nhiều phiền muộn



Nếu tóc bạn là tóc muối tiêu, là một minh chứng cho thấy bạn là người thông minh, đầu óc luôn hoạt động tính toán một cách linh hoạt, là một người dễ xúc động bởi các cảm xúc trong cuộc sống, khả năng khống chế bản thân trước thất tình lục dục kém, nên hay gặp rắc rối.
Hãy nhớ rằng, cảm xúc có liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Đông y cho rằng tức giận làm tổn thương tới gan, vui mừng làm tổn thương tới tim, ưu tư suy nghĩ làm tổn thương tới lá lách, lo lắng sợ hãi làm tổn thương thận, tất cả đều tác động đến lục phủ ngũ tạng. Người như vậy nên học cách khống chế bản thân trước thất tình lục dục, cố gắng giữ cho mình cảm xúc ổn định.

5. Tóc bạc nhưng râu không bạc – là do thận hư nhưng 8 mạch kỳ kinh không bị tổn thương

Có người rất kỳ lạ, tóc bạc rồi, nhưng râu không bị bạc, tại sao lại như vậy?
Trong bài đầu tiên của cuốn “Hoàng đế nội kinh” có ghi chép rằng, 8 mạch kỳ kinh cũng ảnh hưởng tới râu của con người. Nếu thận hư nhưng 8 mạch kỳ kinh không bị thương tổn, thì râu sẽ không bị bạc, những người này thường có biểu hiện tinh thần không tốt, chóng mặt, mất ngủ, hay quên, không thể tập chung chú ý, tinh thần sa sút, không nhiệt tình trong công việc, không có niềm đam mê trong cuộc sống, hay khó chịu, cáu gắt, lo âu, trầm cảm.

6. Râu bạc nhưng tóc không bạc – là do nhâm mạch, đốc mạch, xung mạch bị tổn thương

Nếu râu bị bạc mà tóc không bị bạc, chính là do nhâm mạch, đốc mạch, xung mạch bị tổn thương. Người như vậy thường có các triệu chứng như người nóng bức dễ ra mồ hôi, đau đầu chóng mặt, mất ngủ, hay ngủ mơ, trầm cảm, khó chịu, chán ăn…
—***—
Vậy cần làm thế nào để ngăn ngừa tóc bạc?

1. Ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên

Sức khỏe của mái tóc bạc không thể tách rời với các kinh lạc và cơ quan trong cơ thể. Do đó tóc là thước đo phản ánh sức khỏe của con người. Trung y cho rằng để có được mái tóc đen dày óng ả, không nên cắt tóc nhiều, cần phải chú ý tới những phương pháp giúp điều chỉnh tỳ vị, dưỡng huyết gan, bổ tinh khí thận, và duy trì khí huyết lưu thông (nhất là ở đầu não).
Biện pháp thiết thực nhất đó là ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Rất nhiều các bác sỹ Đông y đều đồng ý với nhận định, ngủ ngon ngủ đủ giấc còn tốt hơn là ăn thật nhiều các loại thức ăn bổ dưỡng.
Trong “Hoàng đế nội kinh” có đề cập tới: “khi con người nằm ngủ, sẽ giúp máu lưu thông trở về gan”. Do đó, chỉ khi ngủ đủ giấc, gan mới có thể khỏe mạnh. Và một điều quan trọng nữa đó là nên đi ngủ trước 11h đêm. Nguyên nhân là bởi từ 11h đêm đến 3h sáng, là khi máu lưu thông vào gan, mật. Nếu chức năng của gan không được phục hồi gây ảnh hưởng làm cho máu trong gan không đủ, cũng liên đới ảnh hưởng tới tóc không thể mọc một cách bình thường.
Ngoài ra, phải để cho khí huyết toàn thân được lưu thông, nhất là lưu thông lên đến tận đỉnh đầu, thường xuyên vận động chính là phương pháp tốt nhất. Người hiện đại thường ngồi nhiều ít vận động, máu không lưu thông tới chi dưới, lại cộng thêm làm việc cả ngày trong môi trường máy điều hòa, càng bất lợi cho việc tuần hoàn máu.
Vì vậy, dù công việc có bận tới đâu cũng nên tìm cơ hội để có chút vận động, như tự đi lại hoạt động trong văn phòng, ví dụ đi vệ sinh hoặc đi pha trà vào một thời gian cố định. Khi ngồi ở vị trí làm việc, co duỗi chân ra, xoay cổ chân, để giúp máu được lưu thông, giúp máu được lưu thông lên trên.
Người thường xuyên sử dụng máy tính, cúi đầu đọc sách, đọc văn bản, đốt sống cổ thường dễ bị thoái hóa, vì vậy ít nhất một tiếng một lần nên xoay xoay đốt sống cổ, vận động xoay vai và cổ phía trước, phía sau, hoặc cử động đầu, để cổ được thư giãn.

2. Bấm huyệt Dũng Tuyền

Huyệt Dũng Tuyền rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là thận. Huyệt này nằm ở trong lòng bàn chân, co bàn chân và các ngón chân lại, chỗ lõm xuất hiện ngay ở 1/3 trước gan bàn chân chính là vị trí của Dũng Tuyền. Ấn vào huyệt vị này có thể cải thiện sự hoạt động các kinh lạc của thận, có hiệu quả nuôi dưỡng thận. Lấy 2 ngón tai cái, hơi dùng lực ấn vào huyệt đạo này, mỗi bên khoảng 10 lần.

3. Bấm huyệt Bách Hội

Huyệt Bách Hội là nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu của con người. Bách hội nằm trên mạch Đốc, là điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể. Trong dưỡng sinh, người ta ví Bách hội như điểm giao nhau của trăm vạn “con sông” kinh mạch trong cơ thể.

Theo y học cổ truyền, đây là một huyệt đạo vạn năng. Bác sĩ chuyên khoa da liễu hàng đầu của Nhật Bản Ma Kinji Tomoko cho rằng, ấn vào huyệt đạo này có thể điều chỉnh hệ thống thần kinh tự chủ, giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy lưu thông máu. Khi massage da đầu, có thể dùng ngón giữa ấn vào huyệt bách hội, giúp cải thiện tuần hoàn khí huyết, duy trì khả năng cung cấp dinh dưỡng cho tóc.
Ngoài ra, cũng có nhiều thực phẩm nuôi dưỡng tóc như dầu dừa, vừng đen, bí ngô, măng tây, các hoạt hạt… tuy nhiên nhiều thầy thuốc Đông y cho rằng dưỡng Thần hơn bổ Thực trong trường hợp này. Các loại tâm trạng tinh thần không tốt cũng ảnh hưởng đến các tạng phủ tương ứng, thường xuyên nóng giận gây tổn thương gan, suy nghĩ quá độ gây hại huyết… đều bất lợi cho tóc. Do vậy, giữ tâm thái tích cực, tránh những cảm xúc quá độ là vô cùng cần thiết.
Thanh Bình tổng hợp- trithucvn.net