Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Nguyệt thực toàn phần 27/7/2018


alt

Vào ngày 27/7 tới, những người yêu thích thiên văn trên thế giới, gồm Việt Nam, có cơ hội ngắm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ XXI, kéo dài 103 phút.

Theo trang Time, hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này sẽ bắt đầu vào lúc 19h30′ ngày 27/7 (giờ quốc tế), tức 2h30 sáng 28/7 giờ Việt Nam.


Đây là hiện tượng nguyệt thực toàn phần có thời gian dài nhất thế kỷ XXI khi thời gian Trái Đất che khuất hoàn toàn Mặt Trăng lên đến 1 giờ 43 phút (103 phút). Nếu tính toàn bộ thời gian nguyệt thực xảy ra, sự kiện này sẽ kéo dài đến gần 4 tiếng đồng hồ.

Nguyệt thực có thể quan sát rõ nhất ở nhiều nơi thuộc châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và một số nơi tại châu Âu. Trong khi đó, người dân ở miền đông Nam Mỹ và châu Đại Dương cũng có thể theo dõi một phần nguyệt thực. Ở Việt Nam cũng có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này.

Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, Mặt Trăng không chỉ bị che khuất mà sẽ có màu đỏ do phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời, tạo nên cảnh tượng hiếm có.

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần. (Ảnh: Getty)

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng di chuyển qua khu vực trung tâm vùng bóng tối của Trái Đất (umbra), việc này có nghĩa là thời gian Mặt Trăng ẩn nấp sau bóng Trái Đất dài hơn bình thường.
Ngoài ra, ngày 27/7 cũng là lúc Trái Đất ở điểm xa nhất so với Mặt Trời, làm bóng của nó lớn hơn và sẽ che Mặt Trăng lâu hơn.

Trước đó, ngày 31/1/2018, nguyệt thực toàn phần cũng đã xuất hiện nhưng chỉ có người dân ở một số quốc gia mới có thể chứng kiến hiện tượng này.
Trong vòng 100 năm qua, chỉ có 4 lần nguyệt thực toàn phần có thời gian Mặt Trăng hoàn toàn bị che khuất như hiện tượng sắp tới. Đó là sự kiện nguyệt thực vào ngày 15/6/2011 (100 phút), ngày 16/7/2000 (107 phút), tháng 7/1982 (107 phút) và tháng 7/1935 (101 phút).

An Yên