Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Thuốc bổ và Ung thư

 
Lạm dụng thuốc bổ (supplements) không những gây ra ngộ độc chết người cấp thời mà còn có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư các loại nếu sử dụng lâu dài với liều lượng cao. Có lẽ chúng ta nên bớt đặt niềm tin vào thuốc bổ, dựa trên những nghiên cứu y khoa mới nhất.

Ôi, những viên thuốc đầy màu sắc ấy, rẻ tiền hơn cả thức ăn, thức uống mà hầu hết mọi người tin là chúng có thể làm đủ mọi chuyện, từ tăng cường sức khoẻ, năng lực, đến giảm cân, và thậm chí là kéo dài tuổi thọ. Đã gọi là thuốc bổ thì đâu có hại gì mà sợ, càng nhiều càng tốt có phải không?
Nghiên cứu mới đây đăng trên báo Journal of Clinical Oncology, số ra ngày 22 Tháng Tám mới đây cho thấy thuốc bổ có thể rất nguy hiểm, nhẽ nhất là làm cho buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hay táo bón, nhưng nặng nhất là gây  ung thư hoặc tử vong vì ngộ độc. 

Nhóm nghiên cứu Mỹ và Đài Loan cho biết, khi tiêu thụ vitamins B12 và B6 trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi cho những người đàn ông hút thuốc lá.
Khi phân tách dữ kiện trong số 77,000 người trong độ tuổi từ 50 đến76, được theo dõi trong vòng 10 năm, các nghiên cứu gia nhận thấy rằng chỉ cần uống 20 mg vitamin B6 hoặc 50 microgram vitamin B12 mỗi ngày, nguy cơ bị ung thư phổi sẽ tăng gấp 3 lần so với những người không uống thuốc. Xin nhắc lại, 1 mg bằng 1/1000 gram, và 1 microgarm bằng 1/1000000 gram!

Khác với niềm tin rằng thì là thuốc bổ, anti-oxidant này nọ, sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tật, bị ung thư, nhưng các nghiên cứu gần đây lần lượt chứng minh ra những điều trái ngược.
Cách đây hai năm, bác sĩ Tim Byers ở trường Đại Học University of Colorado Cancer Center làm hơn 12 cuộc nghiên cứu trong suốt 20 năm và nghiệm ra rằng trong khi những người ăn nhiều rau cải và trái cây sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tật hay bị ung thư, những người uống thuốc bổ, ngược lại, bị tăng nguy cơ ung thư các loại.

Một ví dụ khác, trong khi ăn nhiều cá sẽ giảm nguy cơ bị ung thư, nhưng uống nhiều thuốc dầu cá có chất omega-3 fatty acids với liều lượng cao, lại làm tăng nguy cơ bị ung thư nhiếp hộ tuyến, hay tiếng Anh còn gọi là prostate cancer.

Bác sĩ Byers cũng đưa ra một vài dẫn chứng, uống vitamin A Beta Carotene tăng nguy cơ bị ung thư phổi hay uống chất selenium tăng nguy cơ ung thư da. Đàn ông uống vitamin E tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt. Chất folic acid ở liều lượng vừa phải thì tốt, trong khi đó uống với nồng độ cao, tăng nguy cơ bị ung thư vú, ung thư ruột già và hậu môn. Phần còn lại, hầu hết các loại thuốc bổ khác, không có lợi ích gì cả.

Rất nhiều thuốc bổ sung supplements, bổ xương, bổ gân, hay bổ lung tung xèn này nọ cũng lần lượt được chứng minh là không có hữu ích thực tiễn. Ví dụ, một trong những chất phụ phẩm “nổi tiếng” là bột nghệ, gần đây được cổ xuý là làm cho làn da của phụ nữ được tươi mát hơn, tâm thần vui vẻ hơn, và có thể chống ung thư. Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy chất curcumin hiện diện trong bột nghệ, có khả năng chống viêm sưng, và giúp ích cho việc chữa ung thư bằng hoá trị được hiêu nghiệm hơn. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu khác lại không chứng minh được điều này. Vả lại, nồng độ chất curcumin có trong củ nghệ rất thấp, uống bao nhiêu bột nghệ mới đủ? Đầu năm nay, ở California, một phụ nữ 30 tuổi, tên Jade Erick, đã mất mạng sau khi được truyền nước biển có pha bột nghệ!

Có nhiều lý do khiến uống nhiều thuốc bổ có thể gây ra ung thư. Các tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hơn tế bào thường, nhiều thuốc bổ chỉ làm cho những tế bào ung thư này thêm lớn mạnh. Bên cạnh đó, những chất “phụ phẩm” sanh ra từ những thuốc bổ có thể độc hại đến các tế bào và cơ phận cơ thể.

Ngoài ra, nhiều trường hợp thuốc bổ anti-oxidant chỉ làm cho tình trạng hư hại nặng thêm mà thôi. Cơ thể bình thường sẽ tự bão hoà, cân bằng giữa hai thế lực oxidant và anti-oxidant. Nói cho dễ hiểu, những hạt oxidant là những hạt điện tử electron đi lạc, giống như những cục than hồng, sinh ra trong quá trình chuyển biến năng lượng trong tế bào. Những cục than này có lợi ích trong việc giết những con vi trùng, những tế bào già cỗi hay tế bào ung thư. Thuốc bổ anti-oxidant chỉ gây ra phản ứng dây chuyền, chuyển lửa than chạy khắp nơi trong cơ thể, làm cho những cục than hồng này sanh ra nhiều hơn và giết hại luôn cả những tế bào bình thường.

Tôi là một đứa bé sinh ra èo uột và thường hay đau yếu, hen suyễn. Khi còn bé, dường như tôi đã quen với những ngày mưa phùn rét buốt ở miền Trung, ốm bệnh nằm ở nhà, khỏi đi học. Sự yếu đuối không làm cho tôi sợ, nhưng nỗi sợ hãi nhiều nhất của tôi là mỗi tuần, ba tôi “đè cổ” tôi ra để chích thuốc B12 vào mông, để bổ máu. Không những vậy, mỗi ngày tôi phải nhai và nuốt không biết bao nhiêu là viên thuốc đa sinh tố, hay những ống thuốc bổ “đặc biệt” chứa đựng trong những những ampoule thuỷ tinh màu nâu đục, được trộn vào cháo. Nhà tôi không giàu, ba tôi làm công chức, má tôi buôn thúng bán bưng gạo lẻ ngoài chợ. Những thứ thuốc bổ như thế, tốn của ba má tôi không biết bao nhiêu là giọt mồ hôi và nước mắt.

Cha mẹ tôi, cũng như nhiều cha mẹ Việt Nam, và nhiều thế hệ người khắp nơi trên thế giới, tốn tiền cho thuốc bổ cũng vì niềm tin vào sự huyền nhiệm của chúng. So với thức ăn, thuốc bổ rẻ tiền hơn và “lợi hại” hơn. Đã đến lúc niềm tin vào thuốc bổ và thuốc phụ phẩm cần phải được thay đổi vì “lợi bất cập hại”.

B.S Hồ Ngọc Minh -8/29/2017 (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)