Trên thế giới này, sinh mệnh nào cũng đều rất quan trọng, do đó cần phải biết cách trân quý người khác. Còn những ai tự cho mình là người quá quan trọng thì thường hay phải chuốc lấy sự xấu hổ. Dưới đây là một vài câu chuyện ngụ ngôn hài hước (chưa hẳn đã có thật) về những bài học như thế.
Lúc cần cúi xuống thì nên cúi
Benjamin Franklin được xưng là một trong những vị Cha lập quốc của Hoa Kỳ. Có một câu chuyện kể về ông như thế này:
Một lần, Benjamin Franklin đến thăm một vị tiền bối đáng kính. Lúc ấy ông tuổi trẻ, khí thế mạnh mẽ nên cứ ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh.
(Tranh: Họa sĩ David Martin, Wikipedia, Public Domain)
Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình.
Vị tiền bối chứng kiến cảnh này liền nói: “Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu.”
Đừng quá tự coi trọng mình
George Bernard Shaw là nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland, đạt giải Nobel Văn học năm 1925. Trong cuộc đời ông có một câu chuyện như thế này.
(Ảnh: Alvin Langdon Coburn, Wikipedia, Public Domain)
Một ngày nọ khi George Bernard Shaw nhàn rỗi, không có việc gì để làm, ông đã chơi đùa cùng một bé gái nhỏ tuổi. Lúc mặt trời đã lặn, George nói với bé gái: “Cháu hãy về nhà và nói với mẹ cháu rằng, con và ông George Bernard Shaw đã chơi cùng nhau một buổi chiều!”
Không ngờ, bé gái lập tức nói: “Ông cũng về nhà và bảo với mẹ ông là Mary đã chơi đùa cùng ông một buổi chiều nhé!”
Về sau này, nhà soạn kịch thường nói với người khác rằng: “Nhất định không được quá tự xem trọng mình!”
Đôi khi cần phải lùi một bước
Tô Đông Pha là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Lúc còn trẻ, ông là một người rất kiêu căng ngạo mạn. Một hôm, ông đang đi trên con đường nhỏ ở cánh đồng thì gặp một cô gái đi ngược chiều.
Cô gái đang gánh một gánh bùn nhưng Tô Đông Pha nhất định không nhường đường. Hai người không ai chịu nhường đường cho ai. Cuối cùng cô gái đưa ra một điều kiện rằng, nếu Tô Đông Pha đối được câu của cô thì cô sẽ nhường đường. Tô Đông Pha cao hứng đồng ý.
Tô Đông Pha là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nằm trong Bát đại gia Đường Tống. (Tranh: Họa sĩ Triệu Mạnh Phủ, Wikipedia, Public Domain)
Cô gái bèn nói: “Nhất đam trọng nê đáng tử lộ” (Một gánh bùn nặng ngăn cản đường).
Tô Đông Pha nghe xong, đột nhiên cảm thấy xấu hổ, nhất thời không đối lại được. Những người nông dân đang cấy lúa dưới ruộng thấy vậy thì cười lớn. Dưới tình thế cấp bách, Tô Đông Pha cũng đưa ra vế đối: “Lưỡng bàng phu tử tiếu nhan hồi” (Hai bên phu tử cười đáp trả).
Cuối cùng, Tô Đông Pha chịu cởi giày, cởi tất, lội xuống ruộng nhường đường cho cô gái.
Trên thực tế, sự sang quý hay hèn hạ, trọng hay khinh của một người không được quyết định ở tiêu chuẩn mà người ấy tự đặt ra. Bình tĩnh, khiêm tốn, không khoa trương, không cho mình là quan trọng thì mới có thể trở thành người quan trọng trong mắt mọi người.
Không tự cho mình là người quá quan trọng kỳ thực là một loại tu dưỡng, một loại phong độ, một loại cảnh giới cao thượng, một thái độ xử thế lạc quan, một sự trưởng thành về tâm tính.
Người có thể dùng tâm thái “không quá xem trọng mình” để đối đãi với người khác sẽ khiến bản thân mạnh mẽ hơn, phong độ hơn. Cuộc sống của người ấy cũng trở nên dễ dàng hơn, kiên định hơn. Nếu như trong xã hội, ai ai cũng dùng loại tâm này để xử thế thì sẽ khiến cho xã hội hài hòa hơn rất nhiều.
Theo Vision Times tiếng Trung / An Hòa biên tập / Trí thức VN/anle20