Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Một số trường hợp phát hiện ra bệnh thì thận đã rất xấu và cuối cùng dẫn đến suy thận.
Tại Việt Nam ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và tiểu đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính rất dễ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế.
Bệnh thận là kẻ giết người thầm lặng, chẳng những thế còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhất là trong những ngày dịch Covid-19 nhiều trường hợp tử vong do Covid-19 trên những người có bệnh nền là suy thận mạn hoặc chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng.
8 nguyên tắc vàng bảo vệ thận
Phòng bệnh bảo vệ hai quả thận từ sớm là cách tốt nhất để giữ gìn sức khoẻ. Nếu bạn tuân theo "8 nguyên tắc vàng bảo vệ thận" sau đây thì sẽ giúp bảo vệ được hai quả thận khoẻ mạnh, bền lâu.Các nguyên tắc bảo vệ thận.
1. Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần
Tập thể dục và có lối sống năng động giúp chúng ta có cân nặng lý tưởng, nhờ đó làm giảm nguy cơ bệnh thận mạn. Chúng ta có thể có thể chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, yoga… hoặc bất cứ môn thể thao nào làm đổ mồ hôi và tiêu hao bớt năng lượng dư thừa
2. Ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh bao gồm đầy đủ các loại thực phẩm đủ năng lượng, hạn chế muối, ăn nhiều rau trái, bớt chất bột đường, đạm. Lượng muối cần thiết mỗi ngày không nên quá 6 gram, tương đương một muỗng cà phê gạt ngang. Để giảm bớt lượng muối, chúng ta cũng hạn chế các loại đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, khô, mắm…
3. Kiểm tra thường xuyên và kiểm soát đường trong máu
Khoảng 50% người bệnh không hề biết mình mắc bệnh tiểu đường nếu không xét nghiệm hoặc khi xảy ra biến chứng. Khoảng 50% bệnh nhân tiểuđường sẽ bị tổn thương thận, nếu không được điều trị tốt sẽ suy thận và thậm chí là suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo.
4. Kiểm tra thường xuyên và kiểm soát tốt huyết áp
Khoảng phân nửa số người bệnh có huyết áp rất cao mà không hề có triệu chứng, và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận. Vì thế, bạn cần kiểm tra huyết áp trong chương trình khám sức khoẻ hàng năm. Tăng huyết áp nếu đi kèm tiểu đường, rối loạn lipid máu sẽ làm tổn thương thận nặng hơn hoặc người bệnh dễ mắc các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
5. Uống đủ nước
Lượng nước cần thiết phải uống mỗi ngày tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố: vận động, thời tiết, tình trạng sức khoẻ, có thai hoặc cho con bú. Khi bạn tập thể dục, hoạt động gắng sức, đổ mồ hôi nhiều, bị nôn mửa, tiêu chảy cần phải uống nhiều hơn lượng nước bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh thận, tim, gan cần hỏi bác sĩ lượng nước tối đa có thể uống mỗi ngày để tránh tình trạng sưng phù, khó thở…
6. Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, làm thận tổn thương và hoạt động kém hiệu quả. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận lên gấp rưỡi so với người không hút thuốc lá.
7. Không tự ý sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau, các thuốc không rõ nguồn gốc
Các thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng thận, thậm chí có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy, chỉ nên dùng những thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, những loại thuốc không rõ nguồn gốc, dù chỉ là cây cỏ, thực phẩm chức năng cũng cần chuyển hoá và đào thải qua thận. Vì vậy, trước khi dùng bất cứ loại sản phẩm nào, chúng ta nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.
8. Kiểm tra chức năng thận nếu có một trong các yếu tố nguy cơ
Tiểu đường, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến suy thận mạn, thường có triệu chứng thầm lặng, chỉ phát hiện ra nếu chúng ta xét nghiệm máu và nước tiểu. Tình trạng béo phì dẫn đến hội chứng chuyển hoá, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến mạch máu thận, tiểu protein, tăng áp lực cầu thận và cuối cùng dẫn đến suy thận
(theo soha)