Quýt là loại quả quen thuộc được nhiều gia đình yêu thích và lựa chọn bổ sung vào các bữa ăn. Ăn quýt đem lại nhiều công dụng đối với sức khỏe.
Quýt là loại quả phổ biến, chỉ xếp sau quả cam trong họ cam quýt. Cam và quýt khá giống nhau nhưng quýt thường nhỏ hơn, dẹt hơn, ngọt hơn và dễ bóc vỏ hơn. Quýt có thể được tận dụng cả phần thịt và vỏ vì đều mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh ăn trái tươi thì quýt còn được chế biến thành nước ép, sinh tố, salad, mứt, trần bì,…
Dưới đây là 8 lợi ích bất ngờ của quả quýt.
1. Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng
Tuy có kích thước nhỏ hơn so với các loại quả khác cùng họ như cam hay bưởi nhưng quýt là loại quả mọng nước (85% là nước) chứa nhiều chất dinh dưỡng. Cụ thể, 1 trái quýt trung bình (88 gam) có các chất sau:
● Calo: 47
● Carbohydrate: 12 gam
● Chất xơ: 2 gam
● Protein: 0.7 gam
● Chất béo: 0 gam
● Vitamin C: 26% giá trị dinh dưỡng hằng ngày (DV)
● Vitamin A: 3% DV
● Potassium: 3% DV
Nguồn vitamin C dồi dào trong quýt là thành phần chủ yếu tạo nên các lợi ích sức khỏe từ quýt. Bên cạnh đó, quýt còn là một trong những thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa beta-cryptoxanthin nhất, chất này làm cho quả quýt có màu cam và sẽ chuyển thành vitamin A cung cấp cho cơ thể. Ngoài ra, quýt còn cung cấp kali và phức hợp vitamin B (vitamin B1, B6, B9 hay còn gọi là thiamin, pyridoxin và folat).
2. Giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể trước các tác động có hại gây ra bởi sự tích tụ của các chất oxy hóa. Các chất oxy hóa độc hại này là một trong những nguyên nhân phát triển các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, viêm khớp và bệnh ung thư.
Quả quýt chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, beta-cryptoxanthin và nhóm chất flavonoid. Tác dụng chống oxy hóa của vitamin C đặc biệt có lợi cho da, tim mạch và có thể chống ung thư. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy flavonoid cũng có nhiều lợi ích như bổ não và giảm nguy cơ xuất hiện bệnh mãn tính.
3. Tăng cường miễn dịch
Quýt cung cấp vitamin C giúp tăng sức đề kháng trước vi-rút và vi khuẩn bằng cách tăng cường hoạt động của các tế bào T - một loại tế bào bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy vitamin C sẽ tác động đến sự phát triển và chức năng của tế bào T, giữ vững nồng độ tế bào T giúp chống lại sự lây nhiễm. Ví dụ: tiêu thụ 1-2 gam vitamin C mỗi ngày giúp giảm nhẹ mức độ của bệnh cảm lạnh và giúp bạn mau khỏi bệnh hơn.
Sử dụng vỏ quýt cũng có thể giảm tình trạng dị ứng, vì trong vỏ quýt tồn tại 2 chất chống oxy hóa là hesperidin và naringenin có liên quan đến hoạt động chống dị ứng của cơ thể.
4. Bổ não
Chất chống oxy hóa trong quýt có thể ngăn ngừa hình thành các bệnh như tâm thần phân liệt, Alzheimer hay bệnh Parkinson.
Nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa tích tụ chất oxy hóa và phát triển bệnh tâm thần phân liệt. Khả năng chống oxy hóa của vitamin C có thể ngăn chặn sự tích tụ này trên não.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy nobiletin trong vỏ quýt có thể giảm triệu chứng bệnh Alzheimer, chẳng hạn như mất trí nhớ. Nobiletin cũng bảo vệ tế bào não trước sự tích tụ chất beta-amyloid có liên quan đến sự hình thành bệnh.
Đối với bệnh Parkinson, nobiletin cải thiện sự suy giảm vận động tay chân vì nó có thể bảo vệ tế bào sản xuất dopamin ở não (sự phá hủy các tế bào này là nguyên nhân hình thành bệnh).
Đây là một trong những công dụng bảo vệ sức khỏe đầy hứa hẹn của quýt và cần thêm nhiều nghiên cứu để có thể ứng dụng sâu hơn trong y khoa.
5. Chống lão hóa
Bổ sung quýt vào chế độ ăn sẽ giúp cung cấp vitamin C, tăng cường sản xuất collagen, giúp cho da khỏe mạnh.
Collagen là loại protein giúp xây dựng và kết nối các cấu trúc của mô hay cơ quan. Collagen đặc biệt quan trọng đối với da vì da là một trong những cơ quan có tỷ lệ collagen cao nhất. Theo thời gian, cơ thể sẽ giảm sản xuất và mất dần collagen, dẫn đến dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn.
Vitamin C thúc đẩy tổng hợp collagen của da, đẩy nhanh quá trình phục hồi và giảm các dấu hiệu lão hóa trên da. Bên cạnh đó, vitamin C còn là chất chống oxy hóa ngăn chặn các tác nhân độc hại phá hủy cấu trúc da.
6. Giảm cân lành mạnh
Ăn quýt có khả năng hỗ trợ giảm cân bằng cách tăng cường bổ sung chất xơ tiêu thụ mỗi ngày. Chất xơ mà quýt cung cấp là chất xơ không hòa tan, loại chất xơ này không lên men trong ruột và làm chậm tốc độ vận chuyển thức ăn trong hệ tiêu hóa. Nhờ đó, chúng ta cảm thấy no lâu hơn, bớt thèm ăn hơn và ăn kiêng tốt hơn.
Qua nghiên cứu y khoa, những người bổ sung chất xơ nhiều hơn trong bữa ăn có khả năng duy trì cân nặng tốt và ngăn ngừa tăng cân cao hơn so với người ít tiêu thụ chất xơ. Ngoài ra, chất nobiletin trong vỏ quýt cũng ngăn ngừa tích tụ chất béo và chống lại hoạt động tạo ra chất béo dự trữ mới trong cơ thể.
7. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Chất chống oxy hóa vitamin C, tangeretin và nobiletin có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch. Các chất chống oxy hóa này đều được tìm thấy ở quýt.
Vitamin C đã được chứng minh có hiệu quả hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhờ vào tác dụng hạ huyết áp, ngăn ngừa đông máu, cải thiện chức năng mạch máu và giảm mỡ máu .
Tương tự, hai chất oxy hóa còn lại là tangeretin và nobiletin có thể kiểm soát mỡ máu. Mức độ mỡ máu cao sẽ hình thành các mảng xơ vữa bám vào động mạch gây tắc nghẽn mạch máu, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đau tim và đột quỵ.
8. Có các thành phần chống ung thư
Vitamin C, flavonoid và các chất chống oxy hóa khác có thể có đặc tính chống ung thư.
Chất flavonoid trong các loại quả thuộc họ cam quýt (cam, quýt, bưởi,..) có mối liên hệ với việc giảm nguy cơ hình thành một số loại ung thư như ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư phổi...
Ngoài ra, nghiên cứu đã chứng minh bệnh nhân ung thư có xu hướng thiếu hụt vitamin C nên việc bổ sung vitamin C là cần thiết để cải thiện tình trạng sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân giai đoạn cuối.
Dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn
Tuy không được sử dụng phổ biến như các loại trái cây khác cùng họ nhưng có nhiều cách đa dạng để bổ sung quýt vào bữa ăn hằng ngày:
● Trộn salad
● Pha thành nước sốt để tăng hương vị
● Ép lấy nước
● Trộn với sữa chua hoặc chế biến thành các loại bánh, mứt và ăn như bữa xế hay tráng miệng.
Quýt tươi không cần bảo quản trong tủ lạnh nhưng nếu bạn muốn bóc vỏ sẵn để thuận tiện khi ăn, hãy để quýt đã bóc vỏ trong hộp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Nguồn: Healthline/soha