Nuối tiếc vì đã không đủ dũng cảm sống thực với chính mình mà sống theo mong muốn của những người khác là nuối tiếc hàng đầu của đa phần những người sắp từ giã trần thế.
Bronnie Ware, nữ y tá Anh từng làm công việc chăm sóc và xoa dịu những người sắp “gần đất, xa trời”, cho biết, bà vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện rất nhiều người đang hấp hối có cùng những nuối tiếc như nhau.
Bà Ware kể: “Các bệnh nhân của tôi là những người đã về nhà nằm chờ chết và nhìn chung phải trải qua một số thời khắc đặc biệt như nhau. . Mỗi người trong số họ đều trải nghiệm các cung bậc cảm xúc khác nhau: chối bỏ, sợ hãi, tức giận, hối tiếc, phủ nhận và cuối cùng là chấp nhận”.
Trong cuốn sách nhan đề “The Top Five Regrets Of The Dying: A Life Transformed By The Dearly Departing” của mình, bà Ware đã tổng kết 5 điều nuối tiếc phổ biến nhất ở những người đang hấp hối, đặc biệt là những người già cả, như sau:
1. Nuối tiếc vì đã không đủ dũng cảm sống thực với chính mình mà sống theo mong muốn của những người khác.
“Hầu hết mọi người đã không thực hiện thậm chí chỉ một nửa số giấc mơ của họ và phải chết khi nhận ra rằng, đó là do họ đã hoặc không có lựa chọn nào đó”.
2. Nuối tiếc đã làm việc quá vất vả
“Ước gì tôi đừng làm việc cật lực đến như vậy” là câu cửa miệng của những người đàn ông sắp chết. Họ đã bỏ lỡ việc tận hưởng thời trẻ của con cái và mối quan hệ với bạn đời.
3. Nuối tiếc đã không bộc lộ cảm xúc thực
Nhiều người đã phải kìm nén cảm xúc thực để giữ hòa khí với những người khác. Điều đó cũng đồng nghĩa, họ đôi khi phải “đeo mặt nạ” không mong muốn. Vì vậy, khi sắp “gần đất, xa trời”, họ cảm thấy cay đắng và căm phẫn với sự kìm nén cảm xúc quá mức của chính mình.
4. Nuối tiếc đã không giữ liên lạc với bạn bè
Khi sắp chết, rất nhiều người cảm thấy hối hận vì đã để vuột mất những tình bạn vàng trong nhiều năm.
5. Nuối tiếc đã không để bản thân hạnh phúc hơn
Đây là một nuối tiếc phổ biến đến kinh ngạc ở những người sắp chết. Cho tới tận khi chết, nhiều người mới nhận ra rằng, hạnh phúc xứng đáng được đánh đổi bằng nhiều thứ. “Họ đã sống mắc kẹt trong những phong cách và thói quen cũ. Sự vừa lòng với ‘cái thân quen’ đã che phủ cảm xúc cũng như cuộc sống thể chất của họ. Sự sợ hãi thay đổi khiến họ phải giả vờ với người khác và giả vờ với chính bản thân rằng họ hài lòng, hạnh phúc, dù trong sâu thẳm vẫn mong muốn được cười thoải mái và làm những điều ngốc nghếch theo ý mình một lần nữa”.
Sưu tầm./anle20