Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Hổ trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam

Năm Nhâm Dần nói chuyện Hổ trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam
Là loài vật mạnh mẽ, lại ngộ nghĩnh, độc đáo và giầu ý biểu tượng, hổ (cọp, hùm, kễnh, ông ba mươi) được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ rộng rãi và thâm thuý của người Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu một số câu có liên quan đến đời sống an ninh trật tự.
 
Cáo mượn oai hùm (cáo đội lốt cọp): Dựa vào uy thế của người có quyền lực để lên mặt với kẻ khác.
Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu: Làm việc dại dột và nguy hiểm.
Chim cùng thì mổ, hổ cùng thì vồ: cách tự vệ và phản công tất yếu khi bị dồn ép vào thế cùng lực kiệt.
Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn: Không nên trêu kẻ ác khi nó chưa hại mình.
Chui vào hang hùm: Lọt và nơi hoặc làm nhiều việc nguy hiểm.

Dưỡng hổ di họa (nuôi hổ gây hoạ): Nuôi dưỡng hoặc cứu giúp kẻ xấu, bị chính chúng gây hoạ.
Điệu hổ ly sơn (đưa hổ khỏi núi): Tách kẻ mạnh khỏi hoàn cảnh, môi trường có lợi để dễ bề chinh phục, tiêu diệt hoặc để thực hiện mưu đồ, công việc dễ dàng hơn.
Đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau: đánh đuổi kẻ ác này đi nhưng lại đón kẻ ác khác đến.
Hổ phụ sinh hổ tử (cha hổ sinh con hổ): Cha nào con nấy (mặt mạnh mặt tốt).
Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng: Lòng người khó lường.

Ki cóp cho cọp nó tha: Dành dụm, tích trữ nhưng để kẻ khác cuỗm mất.
Miệng hùm gan sứa: Kẻ nói miệng thì mạnh bạo, nhưng thực chất thì nhút nhát.
Râu hùm hàm én: Diện mạo oai phong.
Thả hổ về rừng: Việc làm nguy hiểm vì tạo cho kẻ mạnh có điều kiện, hoàn cảnh thích hợp làm việc xấu.
Vào hang bắt cọp: Hành động dũng cảm nhưng mạo hiểm.
Vuốt râu hùm: Việc làm, xử sự táo bạo, liều lĩnh với người có có uy lực hoặc thế lực mạnh hơn mình gấp bội


(sưu tầm)