Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Phương pháp chữa bệnh tiểu đường mới đầy triển vọng

 

 Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến 2025, sẽ có tới hơn 330 triệu người trên Trái Đất, tương đương gần 6% dân số toàn cầu mắc bệnh tiểu đường, biến đây trở thành một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến nhất mà nhân loại phải đối mặt.

Cho đến nay, phương pháp điều trị phổ biến nhất là tuân thủ chế độ ăn được kiểm soát nghiêm ngặt, và tiêm bổ sung Insulin thường xuyên nếu cần. Suy cho cùng, đây vẫn chỉ là những liệu pháp mang tính “duy trì”, chưa thực sự có một giải pháp dứt điểm cho căn bệnh nguy hiểm và đang ngày càng trẻ hóa này. Tuy nhiên, thành công mới đây trong một nghiên cứu chữa bệnh tiểu đường ở chuột rất có thể sẽ mở ra hướng đi mới cho hàng triệu bệnh nhân tiểu đường trên toàn thế giới.

Một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Jeffrey Millman tại Đại học Washington, Hoa Kỳ dẫn đầu đã phát hiện ra rằng việc truyền tế bào gốc vào chuột có thể dẫn tới một phương pháp điều trị tiểu đường tốt hơn trên loài động vật này.


Truyền tế bào gốc vào chuột có thể dẫn tới một phương pháp điều trị tiểu đường tốt hơn trên loài động vật này.

Đặc trưng của bệnh tiểu đường là những khó khăn của cơ thể trong việc sản xuất hoặc quản lý insulin. Điều này đòi hỏi quy trình theo dõi cẩn thận, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục và tiêm insulin tốn kém - nguyên nhân gây ra gánh nặng kinh tế cho nhiều bệnh nhân tiểu đường.

Insulin thường được sản xuất trong tuyến tụy, nhưng ở bệnh nhân tiểu đường lượng Insulin mà tụy sản sinh ra là không đủ để làm giảm đường huyết. Do đó, để điều trị bệnh tiểu đường, bệnh nhân phải thường xuyên được theo dõi lượng đường trong máu và tiêm insulin trực tiếp vào máu khi cần thiết để làm hạ đường huyết.

Tuy nhiên phương pháp của nhóm Jeffrey Millman lại hoàn toàn khác, kích thích chính các tế bào beta trong tụy để tiết ra insulin cho cơ thể một cách tự nhiên. Nguyên lý của phương pháp điều trị này dựa vào các tế bào gốc đa năng (tế bào iPS). Các tế bào iPS về cơ bản có thể được biến đổi để trở thành hầu hết các loại tế bào khác trong cơ thể.


 

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra kỹ thuật sản xuất và đưa các tế bào này vào máu - bước khó nhất để đưa iPS vào cơ thể. Khi quá trình chuyển đổi các tế bào gốc thành một loại tế bào khác, luôn có những sai số, các tế bào ngẫu nhiên sẽ xâm nhập vào hỗn hợp các tế bào sản xuất insulin và trở thành một phần trong số đó.


Cơ thể cần khoảng 1 tỷ tế bào beta để chữa bệnh tiểu đường. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một quy trình nhắm vào tế bào, cấu trúc mang lại cho các tế bào hình dạng của chúng, và không chỉ tạo ra tỷ lệ cao hơn các tế bào beta hiệu quả, mà còn khiến chúng hoạt động tốt hơn. Khi các tế bào mới này được truyền vào những con chuột mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu của chúng dần ổn định, và bệnh có thể được chữa khỏi trong khoảng 9 tháng.

Tất nhiên đây mới chỉ là một thử nghiệm với động vật. Chưa có bằng chứng nào cho thấy phương pháp chữa trị này sẽ thành công trên người. Nhưng sự thành công này mở ra một khởi đầu đầy hứa hẹn.

Nhóm Jeffrey Millman có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm phương pháp này ở những loài động vật lớn hơn và trong thời gian dài hơn, với mục đích cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng ở người trong tương lai

Phạm Hải/quantrimang