Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Năm Dần nói chuyện hổ

 See the source image

Trong văn hóa phương Đông, hổ là một linh vật trong 12 con giáp và là biểu tượng cho sức mạnh của tự nhiên.

Hình tượng con hổ cũng đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa của người Việt. Cách đây khoảng 3.000 năm, người ta đã trang trí hình tượng hổ đan xen giữa những cánh chim Lạc mỏ dài trên mặt trống trống đồng Đông Sơn. Điều này cho thấy ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, hổ đã chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. 

Trong kho tàng văn học dân gian, hình tượng con hổ cũng được thể hiện rất phong phú và đa dạng. Theo thống kê sơ bộ, người Việt có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích, ngụ ngôn và nhất là trong những huyền thoại, giai thoại.

See the source image

Quan niệm sùng kính, tôn thờ có lẽ xuất phát từ vẻ đẹp hình dáng của loài thú này. Người xưa lấy hổ làm biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và những giá trị tốt đẹp khác của con người. Tướng tài giỏi được ví là hổ tướng. Người có dung mạo oai hùng được ví với vẻ đẹp của hổ. Thi hào Nguyễn Du từng vẽ nên một Từ Hải “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao...”. Râu hùm (hổ tu), mặt cọp (hổ diện) là tướng mạo của kẻ anh hùng. Cha tài giỏi sinh con tài giỏi được ví là “hổ phụ sinh hổ tử”. Cụ Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế năm xưa được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế” bởi lòng yêu nước và chí anh hùng của cụ, cùng nghĩa quân đã làm chủ một vùng rừng núi rộng lớn, chiến đấu chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm trời.

See the source image

 

Được coi là con vật linh thiêng nên người xưa cho rằng hổ có thể ngăn ngừa ma quỷ, diệt trừ được những tai họa đưa đến cho con người. Và thế là tục dán giấy hồng điều vẽ hình hổ trước cửa nhà xuất hiện với niềm tin rằng ông Ba mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc, ác quỷ vào nhà. Người ta cũng vẽ hoặc đắp nổi hình con hổ đứng nhe nanh, giơ vuốt đầy quyền uy, trấn giữ nơi đình, miếu.

See the source image

Trong tín ngưỡng còn có tranh thờ ngũ hổ. Đây là bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Tranh ngũ hổ thường treo ở bàn thờ dành riêng cho ông Ba mươi, dưới ban thờ thần thánh hoặc thờ Phật, tạo cho con người cảm giác yên tâm vì được che chở.

Dù tôn thờ, sùng kính hổ như thế nhưng con người vẫn phải đối mặt với một thực tế. Đó là nỗi sợ ông Ba mươi, ông Cọp, ông Khái… vẫn luôn tiềm ẩn khiến họ cảm thấy bất an mỗi khi ra khỏi nhà hay lúc màn đêm buông xuống. Điều này xuất phát từ thực tế đời sống của người Việt xưa, nói xưa nhưng cũng chưa xưa lắm. Hình ảnh “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” được nhà thơ Quang Dũng ghi lại trong bài thơ Tây Tiến cũng chỉ mới cách đây hơn 70 năm thôi.

Thời ấy, độ bao phủ của rừng còn nhiều, không chỉ ở vùng núi mà ngay cả nơi đồng bằng châu thổ bởi tỷ lệ dân số rất thấp so với diện tích đất đai. Địa bàn dân cư có khi lọt thỏm giữa rừng rú, là lãnh địa của loài thú được mệnh danh chúa sơn lâm. Thế cho nên bất cứ lúc nào họ cũng có thể đối mặt với chúa sơn lâm và nỗi sợ hãi là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là loài vật được dân gian tôn thờ, sùng kính trong suốt hàng nghìn năm qua nay đang dần vắng bóng bởi chiến tranh và sự tàn phá môi trường tự nhiên, đặc biệt là nạn săn bắn của con người. Tại Việt Nam, hổ không còn được ghi nhận tồn tại trong môi trường hoang dã kể từ năm 1997. Vườn Quốc gia Pù Mát (miền Tây Nghệ An) hiện chỉ có 17 cá thể hổ Đông Dương.

Thật khó tưởng tượng nổi một ngày nào đó, những ông Ba Mươi, ông Hổ, ông Khái, mãnh chúa, chúa tể rừng xanh… chỉ còn trong ký ức của con người, trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ hay trong truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn…

Nguyễn Duy Xuân