Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Cụ thể, ở Miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12.Tại Miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía bắc, trong 3 tháng này số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30-50 % tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.
Theo chuyên gia khoảng 60-70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Cơ chế vì sao lại dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh là do khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông. Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não.
Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não dễ xảy ra khi trời lạnh. Bệnh dễ nguy hiểm đến tính mạng nếu chần chừ, trì hoãn việc cấp cứu. Vì vậy, mỗi người cần nắm rõ dấu hiệu, cách xử trí ban đầu để hạn chế tối đa các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo đó đột quỵ não là tình trạng tắc đột ngột mạch máu não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong cao.
Các nhận biết các dấu hiệu đột quỵ:
- Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị cực.
- Tay và chân mệt mỏi khó cử động.
- Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
Khi quan sát thấy ai đó có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện trên (lệch mặt, yếu chân tay, nói khó) cần nghĩ ngay đến bệnh lý đột quỵ não và lập tức gọi cấp cứu, không trì hoãn.
Cách xử trí:
- Nên gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu bệnh nhân hôn mê. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng cho phép, thì có thể vận chuyển bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu về đột quỵ.
- Trong quá trình chờ xe, nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, nôn mửa đặt bệnh nhân ở “tư thế hồi sức”; nếu bệnh nhân tỉnh, hỗ trợ bệnh nhân nằm thoải mái, theo dõi liên tục.
- Không nên làm những việc như: Cạo gió, chích máu đầu ngón tay…
Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4 - 5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch, nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.
theo giadinh thoidai