Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện nay, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 chính là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Biến thể mới này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài những biểu hiện phổ biến như trước đây, một số triệu chứng Covid chủng mới Omicron có thể kể đến là buồn nôn, nôn và một vài triệu chứng gần giống như cảm lạnh.
1. Một số triệu chứng Covid chủng mới Omicron
Khi bị nhiễm Covid-19, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng phổ biến như sốt, đau nhức đầu, mất vị giác hoặc mất khứu giác. Tuy nhiên, đối với những trường hợp mắc phải biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, thì bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sau:
Cơ thể mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng có thể xảy ra đối với những trường hợp nhiễm bệnh. Một số trường hợp có thể bị mệt mỏi kéo dài đến khoảng vài tuần sau khi bị lây nhiễm loại virus này.
Đau nhức toàn thân
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể khiến người bệnh bị đau nhức toàn thân. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể chỉ kéo dài khoảng vài ngày.
Đau đầu
Theo các nhà nghiên cứu, người bệnh bị nhiễm biến thể Omicron có thể phải đối mặt với triệu chứng đau đầu nhưng với mức độ khác nhau, có thể đau nhẹ hoặc đau nghiêm trọng.
Ngứa họng
Theo các chuyên gia, một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm biến thể mới Omicron xuất hiện triệu chứng ngứa họng nhưng lại không kèm theo ho. Đây là biểu hiện khá khác biệt so với những triệu chứng được gây ra bởi các chủng trước đây.
Chảy nước mũi
Chảy nước mũi, sổ mũi là một biểu hiện khá thường gặp của chứng cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, khi cơ thể xuất hiện những vấn đề bất thường này, bạn không nên quá chủ quan vì đây rất có thể là một trong những triệu chứng Covid chủng mới Omicron. Các nhà khoa học giải thích rằng, tình trạng mũi tiết ra nhiều chất nhầy hơn chính là một phản ứng để bẫy và tiêu diện các phân tử virus.
Hắt hơi
Biến thể mới Omicron có thể gây hắt hơi và rất dễ gây nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh cảm lạnh hay cảm cúm thông thường. Do đó, một lời khuyên cho bạn như sau: Nếu bạn đã từng tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 hoặc sinh hoạt và làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây bệnh, thì không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường này. Khi hắt hơi thường xuyên, hãy đi kiểm tra để biết chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình.
2. Biến thể mới Omicron có đáng lo ngại không?
Bên cạnh những triệu chứng Covid chủng mới Omicron vừa kể đến phía trên, bệnh nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như buồn nôn, nôn,… Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà những triệu chứng có thể khác nhau, mức độ triệu chứng cũng sẽ khác nhau.
Một số nghiên cứu còn cho rằng, tùy vào thời điểm khác nhau, biến thể mới Omicron có thể gây triệu chứng khác nhau, đặc biệt ban đêm những biểu hiện của bệnh thường dễ xảy ra hơn so với ban ngày.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 11/2021 và đã lan rộng ra rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có nhiều dữ liệu về biến thể mới này. Mặc dù, những triệu chứng của chủng mới này thường ở mức độ nhẹ nhưng với mức độ lây lan nhanh chóng và rộng rãi như hiện nay cho thấy, chúng ta không nên chủ quan với Omicron.
Hiện nay, trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh ngày càng gia tăng và chưa có nhiều thông tin về biến thể mới Omicron nên nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng một số biện pháp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh như yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết, không tụ tập nơi đông người và tiêm chủng vắc xin cho người dân,…
3. Một số phương pháp giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch để phòng ngừa Covid-19 hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, bạn nên chủ động áp dụng những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch để cơ thể luôn khỏe mạnh để chống lại dịch bệnh một cách tốt nhất.
Dưới đây là một số biện pháp gợi ý đơn giản và mang lại hiệu quả cao:
- Ngủ đủ giấc: Nếu không ngủ đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém, cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi khiến bạn dễ bị ốm hơn. Do đó, giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe. Nên ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch và phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn. Trung bình giấc ngủ của một người trưởng thành nên kéo dài khoảng 7 tiếng. Đối với những trẻ sơ sinh thì cần ngủ 14 tiếng mỗi ngày và với nhóm tuổi thanh thiếu niên thì nên ngủ khoảng 8 đến 10 giờ/ngày.
Để có một giấc ngủ sâu và chất lượng, bạn nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, tivi,… trước khi ngủ khoảng 1 giờ. Nguyên nhân vì những luồng ánh sáng xanh phát ra từ những thiết bị này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ thức ngủ tự nhiên của cơ thể. Đồng thời nên ngủ trong phòng tối và đi ngủ theo giờ cố định.
- Đảm bảo một chế độ ăn khoa học và hợp lý: Nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhất là những loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Có thể bổ sung một số loại trái cây có chứa nhiều chất chống oxy hóa, các loại chất béo lành mạnh như dầu oliu, cá hồi và hạt chia,… Bổ sung nhiều thực phẩm chứa probiotic để tăng cường vi khuẩn có lợi, đặc biệt là sữa chua. Đồng thời cần đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên: Việc tập luyện mỗi ngày không chỉ giúp bạn loại bỏ căng thẳng mà còn giúp bạn có một cơ thể dẻo dai hơn, giảm viêm tốt hơn, đồng thời giúp các tế bào miễn dịch hoạt động, tái tạo tốt hơn.
(theo medlatec)