Na Uy đang trong mùa hè, trong 2 tuần vừa qua và tuần tới là những tuần nghỉ hè chung trên toàn quốc. Người Na Uy 2 năm liền bị giới hạn đi ra nước ngoài vì đại dịch, họ khó chịu lắm,. " đành lòng đi các nơi trong nước". Miền Nam nắng ấm và biển cả trong xanh, là nơi nghỉ dưỡng của nhiều gia đình. Năm nay như năm ngoái, khách sạn, nhà nghỉ mát, camping đều không còn chỗ cho hết tháng 7. Xuống phố, trong nhà hàng hơn 70% là du khách.
Năm nay hè đến với tôi trể. Phải "gòng" thêm 1 tuần nữa. Phê lắm khi 2 đồng nghiệp đi nghỉ hè. Nhưng nghĩ lại, thấy không thể so sánh với những nhân viên y tế tại Sài Gòn lúc này. Đại dịch đang hoành hành, số người bị nhiễm cao và con số còn khả năng tăng cao, bịnh viện quá tải, có 1 số đóng cửa không nhận bịnh nhân, người dân hoảng sợ, dụng cụ y khoa thiếu thốn ( giới cầm quyền không cho như vậy), bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã quá kiệt sức, nhưng vẫn phải làm trong môi trường khó khăn, thách thức và thiếu thốn tất cả. Chính quyền chỉ ra khẩu hiệu và tìm cách xử phạt 1 cách quan liêu và bất công. Người nghèo đang trong hoàn cảnh trên đe dưới búa. Trước nay làm ngày nào, ăn ngày ấy, nay ngăn sông, cấm chợ, đã không có nguồn dự trữ nay thêm phần xử phạt, làm sao sống cho nổi. Có một số cho rằng thà chết vì dịch còn hơn chết vì đói.
2 năm nay các gia đình Việt Nam ở Na Uy tăng gia sản xuất rau xanh, bầu bí và làm đẹp vườn. 1 số được làm tại nhà vì dịch, một số phải nghỉ vì hãng xưởng ít việc, tiền lương và tiền thất nghiệp ( tiền trợ cấp) đầy đủ. Nhiều gia đình hạnh phúc hơn vì có giờ bên nhau. Các bạn trẻ có vẻ chán nản hơn vì các rạp hát, các nơi sinh hoạt và nơi tập thể dục đóng cửa, trường học giói hạn và phần nhiều học online. Này khả quan hơn, hơn 90% cả nước chích 1 liều và 33% chích 2 liều.
Ở Việt Nam bất công hơn: người nghèo, khá đông, gặp khó khăn trăm bề; giới trung lưu lo sợ dịch kéo dài ảnh hưởng đến kinh tế gia đình; giới cán bộ và dân giàu ở nhà học làm bánh, làm thức ăn khoe thành quả làm đồ ăn và vườn rau. 2 thế giới tương phản.
Những ngày hè ở Na Uy rất quý. Mọi người có điều kiện đi đây đó, tìm hiểu về con người và đất nước mình đang sống hay nơi mình du lịch. Đây là thời gian nạp lại năng lượng hay sạt lại " bình điện" đã dùng cả năm. Có lẽ những sự kiện bên ngoài xã hội cũng ít được chú ý đến. Những hình ảnh của bạn bè trên Facebook cũng trở thành kiến thức cho bản thân.
Ở Sài Gòn hiện tại chỉ thị 16+ kéo dài đến đầu tháng 8, đại dịch không ngăn được sau 2 tuần đóng cửa. Chính quyền dần nhận ra những chính sách yếu kém và đã có thay đổi. Nhưng 2 yếu tố chính là ngăn chặn lây lan bằng giản cách xã hội và thuốc chủng ngừa, cả 2 đang yếu kém và thiếu thốn. Khi còn chủ trương chống dịch như chống giặc, không nghe những chuyên gia và không lấy kinh nghiệm của các nước khác, chỉ lấy mục tiêu chính trị là chính, không lo được đủ nhu cầu thiết thực của người dân, nhưng chỉ cấm đoán và phạt vạ thì kết quả sẽ không đến đâu
Tỉnh tôi ở, Agder có hơn 300.000 dân, gần 1,5 năm dịch có 5360 bị nhiễm và 15 chết( 13 người cao tuổi). Tất cả sinh hoạt xã hội có 1 phần giảm sút, nhưng không bao giờ đóng cửa. Người dân vẫn ra ngoài để vận động và tập thể dục. F1 vẫn có thể ra ngoài cho những công việc cần thiết khi giữ được khoảng cách và mang khẩu trang. Tỉ lệ tử vong cho người bị nhiễm rất thấp. Bịnh nhân Covid19 khi có triệu chứng, chỉ cần liên lạc bịnh viện và tự lái xe đến. Nếu có triệu chứng nặng khi ấy xe cứu thương mới đến. Người dân rất tự giác, khi có tí triệu chứng hay nghi ngờ đều đi thử nghiệm ( miễn phí). Nhờ vậy F0 được nhận dạng rất sớm. Những người bị nhiễm luôn được chăm sóc và bảo vệ trong tình người ( không là giặc) và họ được hướng dẫn kỹ càng về triệu chứng và khi nào cần liên lạc bịnh viện. Yếu tố nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, không stress, được chăm sóc từ gia đình và họ an tâm vì hệ thống y tế tốt
Tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác luôn có nổi lòng về nơi mình sinh ra. Chúng tôi đang có những ngày hè ấm áp và vui vẻ, nhưng tâm hồn luôn hướng về SG. Tôi không bao giờ nói SG CỐ LÊN, vì nó rất thụ động. Tôi nghĩ rằng có nhiều cách đóng góp chủ động và thiết thực. Xin đừng nói và hãy làm. Nhưng đừng làm gì phản cảm.
BS Thang Tran/quinhon