Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Những dấu hiệu thầm lặng báo trước đột quỵ


Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với các dấu hiệu tức thì của một cơn đột quỵ, nhưng nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Neurology Neurosurgery & Psychiatry cho thấy rằng các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện rất lâu trước khi đột quỵ thực sự xảy ra.

Trong một nghiên cứu với gần 15.000 người tham gia, các nhà nghiên cứu ở Hà Lan đã phát hiện ra rằng những người bị đột quỵ có những dấu hiệu suy giảm nhận thức (cognitive decline) từ 10 năm trước khi đột quỵ xẩy ra.

Sau đột quỵ, thông thường người bị đột quỵ sẽ trải qua những thay đổi về sinh lý dẫn đến suy giảm kỹ năng nhận thức và gây khó khăn cho việc thực hiện các công việc thường ngày.

Những người tham gia nghiên cứu được đánh giá về khả năng nhận thức của họ và các công việc thủ công như giặt giũ và mặc quần áo, trong trung bình 12,5 năm để xác định thời điểm những thay đổi này bắt đầu. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân đột quỵ bị suy giảm nhiều hơn về khả năng nhận thức và hoạt động thường ngày, bắt đầu khoảng một thập kỷ trước khi họ bị đột quỵ lần đầu tiên, so với những người không bị đột quỵ. Phụ nữ, những người mang gen APOE có liên quan đến bệnh Alzheimer và những người có trình độ học vấn thấp dường như có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất.

Đáng buồn là đột quỵ vẫn tiếp tục phổ biến; người ta ước tính rằng cứ 3 phút 27 giây lại có một người ở Vương quốc Anh bị đột quỵ. Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây được công bố trên tạp chí Lancet cho thấy đột quỵ có thể ngăn ngừa được tới 90%. Vì vậy, một số dấu hiệu cảnh báo khác cần chú ý là gì?

Huyết áp

Theo tạp chí Stroke UK, huyết áp cao ( tức  tăng huyết áp) góp phần vào khoảng một nửa số ca đột quỵ, khiến nó trở thành yếu tố rủi ro lớn nhất. Bác sĩ Peter Rothwell-- giáo sư thần kinh học và giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Phòng chống Đột quỵ tại Đại học Oxford--, giải thích rằng đột quỵ do thiếu máu cục bộ (ischaemic stroke) chiếm khoảng 87% các ca đột quỵ - gây ra bởi sự  thu hẹp các động mạch ở cổ, và não, liên quan đến cao huyết áp.


Bác sĩ Rothwell còn cho biết thêm là “Cao huyết áp cũng ảnh hưởng đến tim và gây ra rung nhĩ (atrial fribillation). Điều này có thể dẫn đến sự hình thành cục máu đông trong tim, một  nguyên nhân rất mạnh gây ra đột quỵ” 

. Cách tốt nhất để kiểm tra rung nhĩ là theo dõi mạch của bạn; đôi khi nhịp đập của tim không đều là điều bình thường, nhưng nếu nhịp đập liên tục không nhất quán thì bạn cần phải thông báo cho bác sĩ đa khoa của bạn biết.


Bạn có thể kiểm tra huyết áp tại tiệm thuốc tây hoặc tự đo huyết áp tại nhà  bằng máy đo huyết áp. Nếu  các kết quả đọc luôn luôn trên 140/90 thì điều quan trọng là bạn phải cho bác sĩ đa khoa của bạn biết. Đối với hầu hết mọi người, chỉ đơn giản thay đổi lối sống  và đôi khi uống thuốc là đủ để giảm số đo này

 

Thiếu máu cục bộ thoáng qua

Đôi khi, những người trải qua một cơn đột quỵ sẽ có một loạt các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua  (transient ischaemic attacks --TIAs) trước đó, cũng gây ra những dấu hiệu cảnh báo tương tự như đột quỵ. Bác sĩ Rothwell giải thích như sau “ Đó là sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng thần kinh, gây ra bởi một cục máu đông nhỏ làm tắc nghẽn mạch máu. Thay vì bạn cảm thầy đau nhói (tingling) ở bàn tay kéo dài  trong vài giờ, thì điều này lại xảy ra đột ngột. Các triệu chứng của TIA rất giống với đột quỵ: bạn có thể bị tê một bên chân, yếu một bên mặt hoặc mất khả năng nói hoặc mất thị lực ở một mắt.

Bác sĩ Rothwell giải thích thêm “ Sau khi cơn TIA xẩy ra,  cục máu đông sẽ tự tan hoặc não đã thích nghi để không bị tổn thương do tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, cơn TIA khiến bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ nghiêm trọng hơn trong vài ngày sau đó,  vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu điều này xảy ra.

Thuốc làm loãng máu (blood thinning), chẳng hạn như Aspirin, giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các cục máu đông. Theo bác sĩ Rothwell thì “ nếu bạn không chắc mình có trải qua một cơn TIA hay không, bạn  có thể uống  aspirin. Nếu bạn không bị TIA thì bạn chẳng mất gì , nhưng nếu bạn bị TIA thì aspirin sẽ ảnh hưỡng  đáng kể đến nguy cơ đột quỵ”

 Cholesterol cao


 

Cholesterol cao khiến bạn có rủi ro bị đau tim và đột quỵ cao hơn. Điều này là do sự tích tụ chất béo lắng đọng trong mạch máu  khiến máu khó lưu thông qua động mạch và chất béo lắng đọng này có thể vỡ ra tạo thành cục máu đông nguy hiểm. Nếu gia đình bạn có tiền sử bị bệnh tim sớm hoặc bị đột quỵ thì bạn nên thử máu một lần để kiểm tra xem bạn có mức cholesterol cao bất thường hay không.

Tuy nhiên, các yếu tố lối sống như ăn uống nghèo nàn, béo phì hoặc tập thể dục không đủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc cholesterol xấu.

Lịch sử gia đình của bạn

Mặc dù bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng tiền sử gia đình của bạn cũng đóng một phần vào nguy cơ này.

Một nghiên cứu năm 2003 của Trường Y Bệnh viện St. George ở London cho thấy các bệnh nhân đột quỵ từ 65 tuổi trở xuống có tiền sử cha mẹ hoặc anh chị em bị đột quỵ sớm hoặc đau tim nhiều gấp ba lần so với những bệnh nhân không bị đột quỵ

Bác sĩ Rothwell cho biết “Tiền sử gia đình là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở độ tuổi trẻ . Nguy cơ của bạn có thể cao gấp đôi mức trung bình nếu bạn có anh chị em hoặc cha mẹ bị đột quỵ, đặc biệt nếu họ bị đột quỵ khi còn trẻ ” Nói chung, khả năng bị đột quỵ của bạn tăng lên khi bạn già đi, với nguy cơ tăng gấp đôi mỗi thập kỷ sau khi bạn quá 55 tuổi.

Yếu tố lối sống

Những thói quen lối sống không lành mạnh-- chẳng hạn như hút thuốc, uống nhiều rượu, chế độ ăn uống nhiều muối và chất béo, và thiếu tập thể dục -- có nghĩa là bạn có thể bị đột quỵ sau này. Theo Hiệp hội Đột quỵ, hút thuốc lá khiến bạn có nguy cơ tử vong cao gấp đôi khi bạn bị đột quỵ. Nếu bạn hút 20 điếu thuốc mỗi ngày, bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 6 lần so với những người không hút thuốc.

Trong khi đó, một chế độ ăn uống nghèo nàn có thể dẫn đến tăng huyết áp và cao cholesterol. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ được công bố trên tạp chí Neurology cho thấy mức tuổi trung bình của một người bị đột quỵ giảm từ 71 tuổi vào năm 1993/4 xuống còn 69 tuổi vào năm 2005.Theo các nhà nghiên cứu sự giảm này là do chế độ ăn nghèo nàn. Để giữ sức khỏe, Cơ quan NHS (National Health Service) của Anh quốc khuyến cáo nên ăn theo một chế độ ít chất béo, nhiều chất xơ, bao gồm nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

 

Bạn có thể sử dụng một máy tính nguy cơ đột quỵ (stroke risk calculator)  để xác định xem bạn có nguy cơ bị đột quỵ hay không. Dựa vào huyết áp, mức cholesterol và tiền sử gia đình của bạn máy tính này có thể cho biết nguy cơ đột quỵ của bạn trong 10 năm tới.           

                 Stroke Risk Calculator (medindia.net)

 

Theo “Are you heading for a stroke? The quiet signs you need to listen to - Alice Hall-  July 14, 2021” NBNtintuccaonien