Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Đừng ai lớn giọng với Sài gòn


Tôi không phải dân Sài Gòn thứ thiệt nhưng vẫn cảm nhận cái chữ Sài Gòn thân thương. Tôi dân ở tỉnh nhưng ăn học ở Sài Gòn, cũng được bao người Sài Gòn giúp đỡ để trưởng thành. Rồi cả gia đình tôi mưu sinh ở Sài Gòn, con tôi sanh ra lớn lên ở Sài Gòn, thành công dân Sài Gòn. Anh em tôi hầu hết mưu sinh ở Sài Gòn, chúng tôi được Sài Gòn cưu mang... và tôi làm việc, cống hiến cho Sài Gòn. Hòa chung một nhịp sống Sài Gòn.

Những ngày Sài Gòn trở bệnh, cũng như bao người, ai cũng lo cho Sài Gòn... Rồi Sài Gòn bệnh nặng hơn, càng lo lắng hơn. Vẫn chưa thể biết khi nào thì Sài Gòn hết bệnh.

Nhiều người chê Sài Gòn tệ, dở... chống dịch gì mà để dịch bùng ngày càng nặng, không thấy lối ra, không biết học hỏi các tỉnh... Rồi bao thứ đâu đó giống “Giậu đ bìm leo”, nhiều người nhiều địa phương trở nên “xài xể Sài Gòn”. Sài Gòn bị bệnh, bị tổn thương trong tâm hồn, người Sài Gòn, hay người được Sài Gòn cưu mang cũng buồn theo, nóng giận. Rồi người ta tính luôn cái chuyện giúp đỡ Sài Gòn bằng những người gọi là “chuyên gia”, “giàu kinh nghiệm” nhưng là một đám hổ lốn, không chuyên môn với thái độ ngạo mạn, khinh khỉnh, một đám đi đánh thuê núp bóng Tình Nguyện Viên cứu giúp Sài Gòn, đầy nguy cơ nhiễm bệnh, trây trét dịch thêm cho Sài Gòn nhưng lớn lối mở giọng dạy dỗ Sài Gòn. Họ muốn Sài Gòn phải chịu một sự mang ơn theo chiều dài thời gian nhưng lại trở thành một vết nhơ, một tổn thương, một xúc phạm trong lòng người Sài Gòn. Sao họ dám hành xử với người Sài Gòn như vậy ?

Dịch bùng từ 23/4 từ đốm nhỏ, đến đốm lớn, lan ra nhiều tỉnh phía Bắc, bùng luôn Hà Nội... lúc bấy giờ, Sài Gòn vẫn rất bình yên...

Sài Gòn không hề có một động thái phân biệt đối xử người về từ vùng dịch, cấm vận hay cách ly... Mỗi ngày hàng chục chuyến bay từ Hà Nội ra vô trong sự êm ấm, bình thường...

Sài Gòn là vậy, một sự cấm vận của mình, sẽ tổn thương người của bao nhiêu tỉnh thành, cuộc sống làm ăn... vì hầu hết các tỉnh thành, từ Bắc chí Nam đều có người con, người thân... đâu đó liên quan đến Sài Gòn.

Dòng người từ Bắc, Trung đổ vào Sài Gòn làm ăn, sinh sống ở Sài Gòn cũng giống như bản thân tôi gắn bó với Sài Gòn. Sài Gòn vì cái gì, bị áp lực nào để không thể đóng cửa bảo vệ mình ? Sài Gòn phải mở để tiêu thụ vải cho Bắc Giang, để họ tự hào mùa vải thành công với 6.800 tỷ đồng, và Sài Gòn phải học hỏi họ cách chống dịch. Sài Gòn phải mở cửa chợ hoa để cứu hoa Đà Lạt.

Sài Gòn bệnh nhưng Sài Gòn vẫn phải gồng mình nộp 82% ngân sách thu nhập của mình để nuôi nhiều nơi trên đất nước... Sài Gòn bệnh, Sài Gòn cần nhiều thứ để dưỡng bệnh, nhưng lấy gì bồi dưỡng thân thể khi dòng ngân sách không thể khác được. Để rồi người ta sỉ nhục Sài Gòn, chê bai những thứ, đồ chống dịch của Sài Gòn là không đúng chuẩn. Rút tiền ra góp cho cả nước nhưng dân Sài Gòn xài đồ không bằng ai.

Rồi ai đó, đòi hỏi Sài Gòn phải bao dung, hào sảng đến mức người Sài Gòn thua thiệt khắp muôn nơi, từ sân bay, nhà hát, sân bóng, đường xá... Bao dung hay bung dao cũng tuỳ thái độ người đối diện trước mình. Không thể khác được.

Người Sài Gòn nổi tiếng hào sảng, đôn hậu, giúp người không cần suy nghĩ, thi ân bất cầu báo... Liệu người Sài Gòn có khờ không để người khác nghĩ vậy mà lạm dụng, xài xể, leo đầu leo cổ... hay một Sài Gòn nổi giận từ những người hiền lành nhất, những trí thức tưởng chừng không muốn mở miệng trước thời cuộc.

Những đồng ngân sách của Sài Gòn tràn đi muôn nơi, trong suốt thời gian quá dài, giúp cho nhiều tỉnh thành đầu tư về hạ tầng vượt trội hơn mình. Nhiều tỉnh thành từ đói nghèo được Trung Ương đầu tư trở thành những tỉnh thành giàu có. Giờ giàu có thì đâu đó cái kiểu bố đời lớn lối “đường Hồ Chí Minh trên không” cho chiến trường Miền Nam hay vì Miền Nam Ruột Thịt rao ra rả kẻ cả.

Nhiều tiếng lớn giọng của nhiều người với Sài Gòn, khiến người Sài Gòn buồn chứ, giận chứ, tổn thương chứ...

Chiều nay nghe tin Sài Gòn sẽ chống dịch triệt để, tôi thấy mừng... Nhưng rồi xem tivi thấy Thủ Tướng chỉ đạo, Sài Gòn phải bảo đảm chợ đầu mối hoạt động, phải mở đường lưu thông hàng hoá... Tôi chợt bừng ra, chuyện chống dịch triệt để là không thể nữa rồi, không phải do chính Sài Gòn quyết được. Tỉnh nào có thể thực thi chỉ thị 16 (phong tỏa) nhưng Sài Gòn thì không chắc... Không triệt để thì dịch bùng, lại truy vết, oằn mình với những giải pháp có thể không còn phù hợp từng giai đoạn chống dịch... Dân Sài Gòn lại cạn kiệt sức lực khi dịch sẽ kéo dài.

Đừng ai lớn giọng với Sài Gòn rằng không biết chống dịch. Sài Gòn mà triệt để chống dịch là bao nơi sẽ khó khăn theo đấy.

Tôi đang bệnh, tôi cần được bồi dưỡng, tôi cần để nhiều “máu” cho chính cơ thể của mình... dưỡng thương.

Sao tôi phải chia sẻ cho muôn nơi để rồi người ta lớn lối thái độ Biết bố mày là ai không ?”.

BS Cao Xuân Minh/quinhon