Trong quá trình tu dưỡng của người quân tử thời xưa thường có một mục là “Thận độc” (Cẩn trọng khi ở một mình). “Thận độc” vốn chỉ người quân tử khi ở một mình cũng vẫn giữ được sự đồng nhất giữa biểu cảm bên ngoài và nội tâm, không làm bất cứ điều gì hổ thẹn với lương tâm
.
“Ở một mình” giúp con người học cách tự trò chuyện với mình tốt hơn. Trong xã hội hiện đại vô cùng huyên náo này, người ta thường chỉ nhìn vào người khác chứ ít khi nhìn vào bản thân. Sự ồn ào và huyên náo ấy thường có sức phá hoại rất lớn với sự trưởng thành của con người.
Một người thực sự mạnh mẽ, kiên cường chắc chắn sẽ biết cách thay đổi bản thân, thức tỉnh những tiềm thức nội tại của mình. Ở một mình thường sẽ mang tới ba phúc báo nơi sâu thẳm trong sinh mệnh.
Nội tâm bạn ngày càng trở nên mạnh mẽ
Ở một mình là một năng lực vô cùng quan trọng. Nếu một người sợ ở một mình, chán ghét sự cô đơn, hễ nhàn rỗi một chút là hô hoán bạn bè kéo tới, thì thực ra tinh thần của họ không thực sự mạnh.
Kỳ thực rất nhiều người vô cùng sợ hãi khi phải đối mặt với sự cô đơn. Nhưng bên cạnh đó, ở một mình lại có thể khiến chúng ta kháng cự lại sự cô đơn, thông qua việc độc thoại, lại có thể phát hiện và tạo lập bản thân.
Arthur Schopenhauer, một nhà triết học người Đức, từng nói rằng chỉ khi ở một mình ông mới thực sự được là chính mình. Nếu ai không thích ở một mình, cũng chứng tỏ họ không yêu tự do. Bởi vì khi ở một mình, họ mới thực sự được tự do.
Vị quan nổi tiếng triều Thanh là Tăng Quốc Phiên vốn là một kẻ háo sắc, ngốc nghếch, nhưng nhờ kiên trì không ngừng phản tỉnh những khuyết điểm của bản thân, mà sau này tiền đồ của ông mới không ngừng thuận lợi. Điều này liên quan mật thiết tới khả năng ở một mình của Tăng Quốc Phiên.
Có thể nói rằng, khi một người lựa chọn ở một mình, dần dần họ sẽ nhìn thấu nội tâm của bản thân, và càng thấu hiểu sâu sắc hơn về nhân tính. Một người thích nghi được với hoàn cảnh ấy sẽ trải nghiệm được đặc tính nội tại của bản thân một cách sâu sắc trong quá trình ấy.
Thức tỉnh bản ngã trong tiềm thức
Ở một mình không phải là vứt bỏ mọi thứ sang một bên và trốn chạy, mà là quay trở về với cái tôi thuần khiết nhất của mình. Nếu một người thường xuyên làm vậy, nhất định họ có thể học được cách độc thoại với bản thân mình. Trong trị liệu tâm lý học đây chính là phương pháp thường dùng để thức tỉnh “tiềm ý thức” của con người.
Khi ở một mình, lời nói của bạn sẽ bước vào nội tâm sâu thẳm của bản thân một cách có ý thức, “tiềm ý thức” cũng sẽ có thể được điều động một cách đầy đủ nhất. Thậm chí bạn có thể đứng trước gương, liên tục nhìn sâu vào mắt mình, và nguyện ý biểu đạt nội tâm mình một cách chân thành nhất.
Lần đầu tiên khi làm như vậy, bạn có thể cảm thấy khó xử và cho rằng tự độc thoại với bản thân thật ngốc nghếch. Nhưng sau nhiều lần thử nghiệm, bạn có thể nhìn thấy “chân tâm” bị vùi lấp của chính mình. Tâm trạng của bạn thông thường cũng sẽ tích cực và lạc quan hơn, hiệu suất tư duy và hành vi của bạn cũng không ngừng được nâng cao. Vậy nên nội tâm của bạn sẽ càng trở nên cao thượng, thuần khiết.
Giảm bớt áp lực, tâm bình khí hoà
Mỗi người khi đối mặt với việc mình phụ trách đều có thể không ngừng dằn vặt bản thân, lo nghĩ tới mức tổn thương thần khí. Ví như hôm qua tôi còn một nửa khối lượng công việc chưa hoàn thành, tôi cảm thấy thật khó chịu, thật hối hận… Điều này sẽ khiến con người cảm thấy bơ vơ, bất lực. Thậm chí khi đang lo lắng, sẽ có nhiều chuyện hơn cũng thi nhau kéo tới.
Nhưng khi bạn học cách ở một mình, bạn sẽ dần dần thả lỏng bản thân, bạn sẽ thực sự nhìn lại công việc của mình, nội tâm cũng trở nên bình hoà hơn. Từ đó giúp bạn tránh khỏi việc tự dằn vặt bản thân quá mức.
Tại một phương diện khác, điều này thường giúp bạn dễ dàng nhảy thoát ra khỏi những thứ bế tắc và biết sử dụng việc độc thoại một cách tích cực hơn.
Nhiều năm trước, có một thầy giáo từng mắc chứng tự kỷ, ông thường cảm thấy cuộc đời thật vô vọng. Nhưng sau này ông có thể bước ra khỏi chứng tự kỷ đó, ông nói rằng điều này có liên quan tới thói quen của mình. Trong những năm tháng khó khăn ấy, khi ở một mình ông mới phát hiện ra sự bé nhỏ trong bản ngã của mình, cũng như ý thức được tầm quan trọng của bản thân. Ông nói, mỗi người đều thật yếu nhược, nhưng cũng vô cùng vĩ đại. Gắng sức sống một cuộc sống vĩ đại chính là cách tôn trọng bản thân tốt nhất.
Sau này ông lại phát hiện ra sứ mệnh nội tại của bản thân và muốn làm giáo viên. Hiện giờ ông đã có hàng nghìn học trò, sự nghiệp trồng người của ông cũng ngày càng rộng mở. Điều quan trọng hơn là ông cảm thấy mình sống có ích và ngày càng trở nên hoạt bát, giàu sức sống hơn.
Trên đây là ba phúc phận do việc ở một mình mang đến cho bạn. Ở một mình là một năng lực tất yếu trong quá trình trở nên mạnh mẽ, vĩ đại của mỗi chúng ta. Đây cũng là một phương pháp nhận thức sâu sắc bản thân mà chúng ta cần học. Ở một mình giúp chúng ta xoa dịu áp lực cuộc sống, có được một nội tâm bình hoà. Vậy đã khi nào bạn thử ở một mình chưa?
Theo Sound Of Hope / Thiên Cầm biên dịch/anle20