Ngày nay, sống tới tuổi 75 là một sự bình thường. Và người ta đang nghĩ tới sự lập câu lạc bộ những lão trượng 100 tuổi trở lên. (Hình minh họa: Punit Paranjpe/AFP via Getty Images)
Vào khoảng đầu thế kỷ 20, sống được tới tuổi 40, là các cụ ta đã mở tiệc ăn mừng “tứ tuần đại khánh,” mà sống tới 70 tuổi thì quả là một sự hiếm có (nhân sinh thất thập cổ lai hy).
Cho nên, chúc tụng nhau, ngoài sự giàu có, ruộng cả ao liền, con cái tốt lành “như tranh, như rối,” các cụ còn chúc nhau “Trăm tuổi bạc đầu râu.” Với vua chúa, thì được kính chúc “Thánh Thọ vô cương, thọ tỷ Nam Sơn.”
Ở các nước Tây phương Âu Mỹ cũng vậy, sự ước muốn được sống lâu vẫn là một ám ảnh của mọi người. Từ tuổi thọ tối đa 17 tuổi vào thời Cổ Hy Lạp, 25 tuổi thời Cesar Đại Đế, tới 45 tuổi vào đầu thế kỷ 20, thì con người luôn luôn tìm đủ mọi cách để tăng tuổi thọ.
Ngày nay, sống tới tuổi 75 là một sự bình thường. Và người ta đang nghĩ tới sự lập câu lạc bộ những lão trượng 100 tuổi trở lên vào năm 2020 với con số hội viên dự đoán là 200,000 người ở nước Mỹ .
Nói đến việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử, ta phải nghĩ ngay tới ông bạn hàng xóm vĩ đại Trung Hoa. Kể từ các triều đại Châu, Tần, Hán, Tấn trở đi, đều có những phương sĩ, người luyện kim, chuyên luyện kim đan cho vua uống. Mục đích là để các ngài sống mãi mà trị vì thiên hạ cũng như là để mình vàng gần gũi với nhiều người đẹp, không bị chê là bất lực. Tần Thủy Hoàng Đế, để tìm thuốc trường sinh, cũng cử hai phái đoàn phương sĩ do Từ Phước, Lư Sinh ra Biển Đông kiếm thần dược.
Đến ngay như trên thiên đình cũng còn có vị Thái Thượng Lão Quân chuyên luyện linh đan cho Thượng Đế, khiến cho Hầu Già Tề Thiên Đại Thánh, nhập cung Đâu Xuất, uống vào một bụng, thọ ngang Ông Bành Tổ.
Các khoa học gia Âu, Á đã dày công nghiên cứu, tìm tòi những phương thức, những dược liệu để trì hoãn sự lão suy cũng như kéo dài tuổi thọ. Gần đây, một số đông giới trẻ cũng có khuynh hướng chuyên về ngành lão khoa. Sinh viên dự bị y khoa Nguyễn Khải của Đại Học UCLA, mới 22 tuổi mà đã quyết định chuyên nghiên cứu về ngành này ngõ hầu chăm sóc cha già ngoài 70 tuổi và các vị lão trượng đồng hương, bản xứ.
Và mới đây, sau khi hoàn tất chuyến du hành không gian, lão Thượng Nghị Sĩ John Glen lại chẳng mang lại cho nhân loại một số kiến thức về vài vấn đề liên quan đến người già.
Nói chung, kết quả của mọi nghiên cứu đều rất lạc quan, khích lệ. Ta thấy tuổi thọ con người đã tăng và biết bao nhiêu người, dù tuổi đã cao, mà nom còn son trẻ như tuổi 18, 20. Nhất là ở quý vị nữ giới, phu nhân…
Trở lại vấn đề tuổi Vàng, tuổi Hạc, thì người trong cuộc nhiều khi cũng có những suy tư, những ý nghĩ lẩn thẩn về mình, về niên kỷ của mình, nhất là sống ở một thời đại khoa học quá tiến bộ, thiên hạ sinh hoạt theo vi tính, nhẹ tình người.
Chẳng hiểu tại sao ta lại có câu “đa thọ, đa nhục” rồi “lão giả an chi,” già an phận.
Tại mình cho rằng mình đã thành vô dụng, phụ thuộc con cái, đau yếu, bệnh hoạn, cô đơn, gánh nặng của gia đình, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, ngày một hao mòn… chờ ngày chết.
Hay là xã hội không biết được và sử dụng được nhiều ưu điểm, nhiều tích cực của người già. Những khôn ngoan, từng trải, những chín chắn, già dặn, gừng càng già càng cay.
George Burns, trên 100 tuổi vẫn hoạt bát, hấp dẫn trong hoạt động kịch nghệ.
Khi 68 tuổi, Charles de Gaulle được coi như là người duy nhất tránh được cuộc nội chiến cho nước Pháp, bằng cách trao trả độc lập cho Algérie năm 1958.
Tài danh Michelangelo để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác, chỉ ngưng làm việc khi ông mất vào tuổi 89.
Và còn biết bao nhiêu người già không vô dụng khác nữa như Pablo Picasso, Mohandas Gandhi, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê…
Cũng có vị cao niên cảm thấy không thoải mái với việc những chính trị gia, kinh tế gia, xã hội học. Họ coi con số người già một ngày một tăng, sẽ là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cho gia đình, con cái, vì tình trạng không sản xuất, quá phụ thuộc của họ. Nào trợ cấp an sinh xã hội, nào tiền già, nào thẻ khám bệnh miễn phí…
Theo dõi trên truyền thông, báo chí, ta thấy “Vấn đề về Người Già” đã được ồn ào nêu lên:
An sinh xã hội lâm nguy!
Ai trả tiền cho người già đây?
Gánh nặng chăm sóc bố mẹ già một ngày một tăng cho con cái!
Tình cảnh khốn đốn của người già!…
Sự thực thì phần tích cực, phần đóng góp có xây dựng của người cao niên vào xã hội, cộng đồng cũng như gia đình đã và đang được tuyên dương, nhất là khi tỷ số quý cụ trong tổng số dân chúng ngày một gia tăng.
Cơ quan Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ dự đoán vào năm 2050, nước Mỹ sẽ có 300 triệu công dân và số quý cụ trên 65 tuổi là 68 triệu, tức là gần 30% tổng dân số. Sự gia tăng này sẽ tạo ra nhiều dịch vụ, công việc và nghề chuyên môn mới.
Đọc tuần báo Newsweek số cuối Tháng Mười, 1999, ta thấy một bài báo có tiêu đề lớn: “Với các nhà doanh nghiệp, các luật sư, các bác sĩ, thì tuổi già sẽ đem lại cho họ cả một kho vàng.”
Bài báo có một câu sau đây đáng để các bạn trẻ chọn nghề lưu ý: “Bất cứ một sinh viên nào xuất chúng về khoa học nghiên cứu tuổi già và tiến trình già, lại có thêm một bằng cấp luật khoa hay hành chánh tài chánh thì coi như đã có giấy phép in bạc giấy.”
Mà để có được sự đóng góp hữu hiệu, cụ thể, các cụ chắc cũng phải có một sự sửa soạn, làm sao duy trì được phần lớn cái nhiệt huyết, hăng say, cái khả năng tinh thần và thể xác của thuở trung niên. Ta vừa an hưởng tuổi vàng, vừa làm việc hữu ích với bà con, họ hàng, lối xóm .
Tài liệu AN HƯỞNG TUỔI VÀNG này được giới thiệu tới quý vị để chúng ta cùng làm cái công việc sửa soạn đó.
Thực tâm mà nói thì chúng tôi cũng gần đến tuổi hưu hành chánh lại cũng mon men gần vào bảng Cổ Lai Hy. Nên trong những năm vừa qua đã cố gắng học cách thức sống tuổi già, qua kinh nghiệm của quý vị đàn anh lão trượng, hoặc qua kiến thức thu lượm trong sách báo. Giờ đây, chúng tôi xin chia sẻ cùng quý vị.
Cùng như khẩn cầu quý vị góp ý thêm cho bằng những kinh nghiệm của quý vị, để hy vọng duy trì được hiện tình, tuổi đời gần bẩy bó, mà Tâm Thân cố giữ được an lạc, dáng đi chưa đến nỗi ngả nghiêng, người anh em đồng hao cho chục viên Viagra mà vẫn chưa phải dùng tới, và người bạn đường trên 30 năm không khiếu nại. Lâu lâu, khi “stock” lên, còn cao hứng đòi “đầu tư” thêm.
Đọc sách “Hoàng Đế Nội Kinh,” thấy ghi câu vấn đáp sau đây bèn học lấy làm lòng: “Người đời thượng cổ, đều sống đến cả trăm tuổi là mức thường, mà hoạt động không suy giảm; người đời nay tuổi vừa nửa trăm, mà hoạt động đã suy giảm. Có phải chăng là do thời thế xưa và nay khác nhau?
Đáp: Người đời thượng cổ, ăn uống có chừng đỗi, thức ngủ có giờ giấc, không phí sức bậy bạ. Cho nên thể chất cũng như tinh thần đều được câu toàn, mà hưởng trọn tuổi trời, sống đúng với mức trăm tuổi mới chết.
Người đời nay thì không phải thế. Lấy rượu làm nước uống, lấy quấy làm thường, ăn uống no say thì chui vào buồng kín, vì dâm dục làm khô tinh dịch, hao tán chân khí; không biết cách bảo trì cho sức khỏe được đầy đủ, không biết theo thời ngự trị tinh thần, chuyên theo việc khoái trí vui lòng, vui chơi nghịch với lẽ sống, ăn uống thức ngủ không chừng mực. Cho nên tuổi thọ vừa mới năm mươi mà sức khỏe đã hao mòn vậy,” Nguyễn Đồng Di dịch.
Kinh nghiệm người xưa rõ ràng là thế đó.
Giờ đây, với sự hỗ trợ của y khoa học tân tiến cộng thêm chút quyết tâm, tích cực, lạc quan, chẳng lẽ ta lại không nối gót được các Cụ Bành Tổ xa xưa.
Khi chúng tôi hỏi ý kiến người bạn nghệ sĩ vong niên, nhạc sĩ Phạm Nghệ, về cách thức làm sao ông ta sống được tới tuổi này mà vẫn vui đời, khỏe mạnh, thì người nghệ sĩ cao niên nhấn mạnh ở nghĩa Nhân-Quả và kết luận một cách hết sức vô tư, dễ thương: “Bây giờ tớ cũng chẳng cần gì, chỉ mong sống thêm bằng khoảng thời gian từ ngày tớ sang Mỹ là đủ lắm rồi.”
Người nghệ sĩ đó năm nay 76 tuổi và tái ngộ ở trại tị nạn Fort Chaffee với chúng tôi vào giữa Tháng Năm, 1975. Vị chi là bạn ta hy vọng sống tới 103 tuổi.
Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức/nguoiviet