Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Nếu Mai Này Hết Dịch…

Trước hết, xin bàn về chữ “NẾU”. Người Pháp có câu nói để đời: “Avec des “si” nous pourrions mettre Paris dans une bouteille”. Dịch nôm na ra tiếng Việt là nếu có những chữ “nếu”, chúng ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai!


Khi nói câu này, người ta mặc định đây là chuyện không có thật và dứt khoát không thể xảy ra trong tương lai. Nói chỉ để mà nói chứ không thể bỏ cả Paris trong một cái chai. Đơn giản chỉ là vậy.

Tuy nhiên, khi nói “Nếu mai này hết dịch…”, mọi chuyện sẽ rất khác. Vấn đề chỉ là thời gian, hoặc sớm – hoặc muộn, dịch COVID-19 cuối cùng cũng sẽ qua đi dù nhân loại phải trả bằng bất cứ giá nào. Và khi đó, cuộc sống bình thường sẽ trở lại như những ngày “tự do” cũ.

Ngày đó sẽ là một ngày đẹp trời với mọi người, dù trước đó người ta đã có nhiều mất mát, chia ly, tang tóc, chia rẽ… Nói rộng ra, Virus Corona thậm chí còn làm thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội của từng quốc gia, dân tộc. 


Giới trẻ là những người mừng nhất khi hết dịch vì họ có cuộc sống năng động cả từ công việc cho đến chuyện yêu đương. Ngồi trong nhà bó gối trước bệnh dịch là một hình phạt khắc nghiệt chưa từng trải qua. Tuổi trẻ bao giờ cũng có những cái chân của con ngựa và trái tim của thần Cupid.

“Social Distancing” khiến họ phải cách ly với xã hội và về mặt tinh thần, xa cách với người yêu dấu. Họ còn bị ám ảnh bời câu “Xa mặt cách lòng” dù vào thời đại này có thể nhắn tin qua điện thoại, video chat nhưng sao vẫn thấy xa nhau vời vợi.

Những người tỉnh táo, sáng suốt nghĩ rằng “Nếu còn yêu nhau… thì hãy tạm xa nhau”. Tuy nhiên, lại cũng có những cuộc tình gần như sẽ chết trong mùa dịch chỉ vì không được thấy mặt nhau “bằng xương, bằng thịt” để cầm tay nhau, hôn nhau như ngày nào.

Có thể, một mai hết dịch thì tình yêu nồng cháy ngày xưa sẽ vĩnh viễn ra đi chứ không còn nồng thắm như xưa. Lỗi không tại ai mà chỉ vì con Virus Corona quái ác!


Học sinh phải ở nhà, chỉ học “online” trong mùa dịch. Thoạt đầu, việc không phải đến trường là một kỳ nghỉ hè thật tuyệt vời. Nhưng ở nhà càng lâu thì lại càng thấy nhớ trường, nhớ thầy cô và nhất là nhớ những người bạn thân chung lớp.

Cái cảm giác được gặp lại tất cả những gì thân quen của tuổi học trò một khi hết dịch thật tuyệt vời. Nhất là đối với những học sinh cuối khóa sẽ phải xa trường lớp hoặc đối với các cô cậu sinh viên đã bắt đầu “chớm yêu”.

Niềm vui đó chẳng khác gì “Ngày xưa Hoàng Thị” của nhà thơ Phạm Thiên Thư với cảnh đón người yêu khi tan trường về qua những câu thơ trữ tình được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát:

“Đường mưa nho nhỏ / Chim non giấu mỏ / Dưới cội hoa vàng / Bước em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch / Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài / Anh đi theo hoài…” 


Cuộc sống vợ chồng cũng trải qua nhiều thay đổi trong mùa dịch. Họ có nhiều thời gian ở bên nhau và gần gũi, thương yêu nhau hơn. Thậm chí người ta còn tiên đoán sau mùa dịch sẽ là một thời kỳ “baby-boomer”, chẳng khác gì tình trạng của những người lính trở về từ cuộc chiến tranh thứ hai để góp phần tạo ra một sự “bùng nổ” của thế hệ trẻ em.

Thế nhưng đó cũng là lúc mà họ có thể tìm ra được những thói hư, tật xấu nơi một nửa của mình khi suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Sau mùa dịch cũng lại có thể là sự… “bùng nổ của các cuộc ly dị”.

Có những ông chồng cảm thấy bực bội khi bị giữ chân trong nhà. Họ nhớ đến bạn bè trong những ngày bù khú bên ly bia, cốc rượu. Đó cũng là lý do khuôn mặt của ông chồng lúc nào cũng khó đăm đăm khi phải…"shelter-in-place”!

Có những bà vợ vốn chỉ làm công việc nội trợ hàng ngày trong nhà bỗng cảm thấy công việc của mình trở nên “quá tải” trong mùa dịch. Lớp thì “hầu” chồng, lớp thì lo cho con suốt ngày! Cái hậu quả “Trăm dâu đổ đầu tằm” biết đâu đó lại dẫn đến ý nghĩ ly dị cho… khỏe cái thân!


Con số lây nhiễm trên thế giới hiện đang vượt mức 2,5 triệu người. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa chính thức có thuốc điều trị mà chỉ trông cậy vào một lực lượng nhân viên y tế rất mỏng.

Họ là những bác sĩ, y tá và những người hoạt động trong ngành khoa học đã hoạt động hết mình từ khi bệnh dịch khởi phát. Cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” ngày càng khốc liệt trong khi sức người có hạn, những chiến sĩ của nhân loại hầu như không được trang bị đầy đủ khi ra trận.

Họ chấp nhận sống cách biệt với gia đình và người thân. Sự hy sinh đó còn cao hơn gấp bội nếu so với chúng ta chỉ việc đơn giản là ở yên trong nhà để tránh lây nhiễm. Là con người, họ cũng có những ước mơ, một ngày nào đó hết dịch để trở về với mái ấm gia đình.

Giấc mơ tht đơn giản nhưng cũng thật xa vời. Người bình thường mơ được từ gia đình tù túng trở lại với xã hội bên ngoài. Nhưng nhân viên y tế lại chỉ ước ngược lại: được trở về sống với gia đình như những ngày chưa có dịch! 


Rộng ra trên thế giới, ông Ban Ki-moon, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã có một bài viết được đăng trên tạp chí Time ngày 16/4/2020 về trận đại dịch mà chúng ta đang phải đương đầu (https://time.com/collection/finding-hope-coronavirus-pandemic/5820650/ban-ki-moon-global-relations-coronavirus/). Ông viết:

“Trong ký ức của mọi người chưa từng có thử thách nào đối các lãnh đạo của thế giới trước COVID-19 như hiện nay… Bệnh dịch này rồi sẽ tạo ra một sự suy thoái kinh tế và số người chết tăng cao một cách khủng khiếp. Ảnh hưởng của nó có thể cảm nhận ở khắp mọi nơi trên trái đất này”.

Để chiến đấu với hiểm họa vô hình, ông kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy nhanh chóng dẹp sang một bên chủ nghĩa quốc gia thiển cận và những suy nghĩ ích kỷ để cùng nhau hành động vì lợi ích chung cho nhân loại. Mai này hết dịch thế giới sẽ ra sao? Đó là câu hỏi mà mọi người trên hành tinh này đều đặt ra.

Đối với một người lớn tuổi như tôi, hoàn toàn không sợ chết vì dịch bệnh. Già rồi, sống chẳng được bao năm nữa cho nên cũng chẳng có gì để tiếc nuối. Nghĩ như vậy nhưng sao vẫn mong cho hết dịch chỉ vì những chuyện cỏn con, lãng xẹc.

Mong hết dịch để được ra quán cà phê quen… chỉ để ngồi nhìn người qua lại. Mong hết dịch để được ra tiệm hớt tóc như ngày nào… tóc đã dài chấm tai mà vẫn chưa được cắt vì tình trạng cách ly xã hội.

Đối với tôi, hy vọng mai này hết dịch chỉ có vậy!


Nguyễn Ngọc Chính/nguoiphuongnam