Năm 1991 tình hình thế giới căng thẳng. Iraq xâm lăng Kuwait. Mỹ can thiệp. Hành quân "Bão Sa Mạc" đang đến hồi quyết định. Tôi lo lắng sợ CSVN hủy bỏ chuyến bay đi Mỹ đã đăng ký, nhưng rồi chuyến bay vẫn cất cánh.
Đến phi trường L.A. ngày 28 tháng 2 năm 1991 theo diện H.O. 6, tôi rất sung sướng đưa được gia đình gồm một vợ và 5 con qua Mỹ sau 12 năm tù cải tạo.
Vợ tôi không biết tiếng Mỹ. Con tôi không biết tiếng Mỹ. Cả gia đình tôi không ai biết tiếng Mỹ từ A đến Z. Nhưng tất cả đều hân hoan đến Mỹ tỵ nạn để sống cuộc đời mới.
Ngôn ngữ xứ người là bước cản trở lớn nhất, từ việc kiếm việc làm tới mọi giao dịch khác. Kém Anh Văn tôi chịu rất nhiều thiệt thòi về hiểu biết thông tin, phim ảnh trên ti vi và computer internet trên quả đất.
Bước đầu, gia đình tôi bùng nhùng Anh ngữ khá lâu, nhiều lúc đến mức bi thảm. Đứa con gái lớn nhất 20 tuổi học Anh văn không vô. Nó cảm thấy cuộc đời đen tối, nên uống thuốc tự vận. May thay 911 cứu sống. Vợ tôi cũng uống một nạm thuốc quá liều lượng, tôi phát giác kịp thời súc ruột. Vợ tôi thấy tiếng Anh rừng rậm không có lối ra, buồn bực muốn quay lại Việt Nam.
Thỉnh thoảng một hai cú điện thoại gọi đến nhà trong ngày trong đêm, vợ con tôi cầm lên, nghe tiếng Mỹ là hoảng hồn bỏ xuống trật chỗ rớt kéo dây tùm lum. Mỗi lần tôi nghe điện thoại tiếng Mỹ, tôi nói "Sorry, I don't know in English" cho xong chuyện.
Tôi sợ nghe điện thoại vì trong điện thoại có tiếng Anh. Sợ nghe tiếng Anh như ngày xưa còn trai trẻ bay bướm, khi đang đi bên vợ chợt thấy người tình mới quen, vì đã nói quả quyết với nàng rằng là "Anh chưa có vợ".
Tôi ngủ trễ, đứa con út học lớp 2 đánh thức tôi dậy chở đi học. Tôi vội vàng mặc áo quần ra xe. Đến trường không thấy ai. Vào lớp cũng không có học sinh. Vào hỏi văn phòng thì nhân viên trực cho biết hôm nay nghỉ lễ mà nó nghe tiếng Anh lộn sao đó, bắt tôi chở đi học. Tôi hầm hầm ra xe. Nó chỉ dưới quần tôi:
"Ba, ba."
Tôi hỏi:
"Cái gì""
Nó không trả lời mà cứ chỉ vào tôi. Tôi ngó xuống và thấy quần chưa gài dây kéo. Tôi cười, hết giận, không biết có ai thấy chưa. Cuộc sống Mỹ là vậy, vội tới quên trước quên sau.
Vợ tôi đi shopping Mỹ mua hàng, vào tiệm không biết nói tiếng Anh, nàng làm dấu cho Mỹ hiểu. Vợ tôi dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải ngoáy vào lỗ tay trái nắm lại, ngoáy qua ngoáy lại và nói:
"Sir, sir, help me, please""
Người Mỹ ngu ngơ cười, ngạc nhiên không biết vợ tôi muốn nói gì, trả lời OK.
Nhớ lại trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ viễn xứ thường nói câu "OK Bum Bum" đối với các cô gái ăn chơi nên nàng la lên khoát tay lia lịa, nói:
"No, no."
Rồi nàng lại diễn tả hành động ngoáy ngoáy như thế cho Mỹ hiểu ý tốt chứ không phải ý đó.
Một em gái Việt học sinh đi ngang qua thấy vậy bèn giúp đỡ:
"Bác cần mua chi""
"Cái gọt bút chì."
Em nhỏ thông dịch lại và người Mỹ cười, chỉ.
"Over there, number 5."
Vợ tôi tới hàng sách vớ lấy cây gọt bút chì và đến quầy hàng tính tiền, thường thường vì muốn khỏi rắc rối hỏi qua hỏi lại vợ tôi đưa tiền chẵn thối lại bao nhiêu lấy bấy nhiêu không cần thắc mắc.
Tôi và vợ tôi chưa ăn tiệm Mỹ bao giờ vì không biết order bằng tiếng Anh, cứ ăn quanh quẩn tiệm Việt, giống như thể là mình yêu đồng hương lắm. Mua bán đổi chác sửa chữa, nhờ chỉ dẫn nói lui nói tới chúng tôi đều đến tiệm Việt Nam. Dù sao ao nhà vẫn hơn.
Tất cả mọi giấy tờ tôi ký rất nhiều và ký đại chẳng đọc ra và hiểu được hợp đồng nói gì. Có lần mua xổ số, dò báo Việt thấy trúng 6 con. Tôi âm thầm la lên "may mắn quá!" Tiếng Anh không biết nhưng con số thì biết. Tôi cẩn thận để đó từ từ mà lượm hoa rơi.
Tôi dấu vợ con cả 3 tháng trời. Tôi dè dặt hỏi mọi người thể thức lãnh một cách bâng quơ coi như giả mù sa mưa. Tránh sự nghi ngờ mình trúng số, tháng thứ tư tôi đem ra dò lại cho chắc ăn thì bị con tôi thấy và phát giác là không phải, vì đó là vé số "not for sale" mà tôi không hiểu.
Cũng trong năm đầu, muốn giữ cho đường phố sạch sẽ, tôi đã bỏ rác vào thùng thơ mà tôi ngỡ là thùng rác dọc đường. Tôi cũng bị mất tiền ở các máy bán tem không thối lại vì tiền lớn quá quy định máy thối lại. Lỡ kẹt vào máy, số điện thoại tiếng Mỹ không biết gọi sao để lấy tiền lại. Tôi cũng mất tiền ở xe bus không thối lại tiền lẻ coi như tôi cho tiền tip xài sang. Dân chơi mà.
Có lần bệnh, tôi phải nằm nhà thương. Người Mỹ dọn phòng nhìn tôi thiểu não. Tôi chán sống, nhắm mắt miệng lẩm bẩm: "Coffin, coffin."
Người Mỹ vệ sinh nhìn tôi cảm thông, nói "OK."
Sau một lát, người ấy vào và đưa cho tôi một ly cà phê.
Tôi đành cười tươi tỉnh và nói "Thank you."
Tôi biết người Mỹ đã lầm. Tôi muốn nói tôi chán đời. Cho tôi một cái coffin (hòm, quan tài) cho xong đi. Vậy mà họ tưởng tôi cần ly cafe uống cho tỉnh táo yêu đời.
Qua năm thứ 5, các con tôi đều rành tiếng Mỹ, chúng thích coi đài Mỹ, chúng nghe được, nói được, đọc được. Tôi và vợ tôi thích xem cải lương, phim Tàu vì xin lỗi tiếng Anh đối với chúng tôi như đàn gảy tai trâu.
Tôi vừa đi làm ban ngày vừa học ban đêm, như bao nhiêu người ngoại quốc khác, nhưng họ phần lớn thành công, còn tôi bỏ cuộc.
Bực mình vì sinh ngữ khó nuốt nên tôi tự hỏi tại sao thế giới không thống nhất một ngôn ngữ để cho con người làm bạn gần gũi nhau cảm thông, giải quyết mọi vấn đề kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, quân sự dễ dàng... Phải chăng thế giới đã làm mà làm không được. Một cái tháp cao sẽ không bao giờ thành công nếu mọi công nhân là một ngôn ngữ nói chuyện không hiểu nhau.
Qua năm thứ 9, gia đình tôi đã ổn định. Bui Danh Qui qua đây ngơ ngơ ngáo ngáo từ lớp 7 học dang dở ở VN, qua Mỹ học theo tuổi phải nhảy lên lớp 10. Vậy mà bây giờ nó theo được tại Massachusetts. Tôi phục nó đã theo kịp được bạn bè làm vẻ vang cho gia đình.
Nhà vắng vẻ, điện thoại reng vợ tôi la lên:
"Đi đâu hết cả rồi bây."
Không có ai trả lời, vợ tôi hồi hộp tới bắt điện thoại, lắng nghe một tràng tiếng Anh dài như tràng pháo TếT VN và trả lời "Sorry, sorry, wrong number". 15 phút sau, điện thoại lại reng.
Thằng Cao đứng bên ngoài nghe chạy vào bắt điện thoại, nói:
"Hello, Can I help you."
Cao nghe xong nói với mẹ.
"Khi nãy ông chủ hãng gặp con sao mẹ lại cúp telephone."
"Mẹ đâu biết, tưởng quảng cáo, mẹ xin lỗi con."
Tôi lái xe quờ quạng, chỉ dám luẩn quẩn trong phố. Có bữa, đến khúc làm đường, kẹt lối, police chận xe và chỉ lên freeway. Tôi sợ quá. Không biết giải thích phân bua cách nào. Đành cá theo bầy, lên đại freeway rồi ra exit an toàn. Nhờ vậy mà tôi không sợ freeway nữa.
Ngày chúng tôi đi tuyên thệ quốc tịch Mỹ, ở trên bục nói thao thao tôi chẳng hiểu tiếng nào. Ai sao tôi vậy. Chúng tôi lãnh bằng quốc tịch mừng rỡ, sợ check lại tiếng Anh thì khổ.
Chúng tôi có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm, có tim óc mà không thể diễn tả tâm tình. Đi đâu có Mỹ tôi cũng dẫn con tôi đi thông dịch. Tôi hãnh diện con tôi cố gắng học hành để nhìn về tương lai. Tôi lót đường cho con tôi bước qua và tôi sung sướng đạt được nguyện vọng an tâm làm tròn bổn phận trước khi lìa đời.
Vợ tôi thắc mắc nói:
"Không biết con mình thành công ở Mỹ, nó còn biết đến quê hương không" thằng nhỏ Y không biết tiếng Việt, nó sẽ quên mất nguồn gốc. Được ngọn mà mất gốc. Khi mất gốc thì ngọn cũng không còn, không biết mình là ai. Khi mất ngọn mà được gốc thì gốc cũng có thể sinh ra ngọn, em sẽ hy sinh bỏ thì giờ dạy nó biết thêm tiếng Việt và em sẽ học nó tiếng Anh để gia đình chúng ta vừa có ngọn đồng thời cũng có tí gốc."
Tôi cười, trả lời:
- Good idea. Làm đi. Lâu lâu mới nghe em nói được một câu hay.
"Anh nói tiếng Anh hơn em rồi, mỗi lần điện thoại reng anh đừng đưa đẩy người khác nữa nhé."
"Nhất trí."
Tôi vừa nói dứt lời thì điện thoại reng, tôi chạy tới bắt thì con tôi đã biết bổn phận tới giành bắt trước.
"Hello. May I help you."
Con tôi nghe dứt và nói:
"Ba, có điện thoại."
"Tiếng Anh hay tiếng Việt""
"Tiếng Anh."
"Con nghe dùm ba."
Vợ tôi cười nói:
"Học mà không hành thì làm sao nói được, trúng trật nói đại trúng một chữ chính là Mỹ hiểu anh muốn nói gì."
"Sao em không nói đi."
"Em nhát gan lắm."
"Anh cũng thế."
Vợ tôi lại buồn buồn nói:
"Nhỡ khi Mỹ và Việt đánh nhau, mình không biết tiếng Anh để giải thích, Mỹ có cô lập hành hạ mình như Pôn Pốt cáp duồn Việt kiều không""
"Em quá lo xa, Mỹ là một dân tộc trưởng thành chứ không phải lạc hậu. Việt Nam là tình cảm. Mỹ là cuộc sống và quyền lợi. Mỹ cũng là tổ quốc thứ 2 của mình. Ăn cây nào rào cây ấy, pháp bất vị thân. Nếu nước Mỹ đánh nhau với nước Anh, nước Đức, nước Pháp... Tất cả những người Mỹ có gốc nước đó phản chiến thì không còn có nước Mỹ giàu đẹp như ngày nay."
"Đời không biết ra sao ngày sau, em dốt nát cảm thấy lạc lõng ở xứ người quá. Con cái đã thành công, bổn phận em coi như xong, em muốn về quê hương. Nước Mỹ không có đồng minh nào lâu dài, cũng không có kẻ thù nào vĩnh viễn. Cái gì có lợi cho họ là họ làm. Cuộc đời tỵ nạn của mình cũng chưa chắc yên đâu. Con cái mình lớn lên em mong nó kết hôn với người Việt."
"Em vớ vẩn. Chúng mình đậu quốc tịch hết cả rồi mà."
"Em sợ kỳ thị lắm."
"Mình ra đi biết bao nhiêu khổ sở mới có ngày nay. Chỉ vì một ngôn ngữ khó nói mà em bỏ chồng con bỏ tất cả công lao nhẫn nhục của mình từ trước đến giờ hay sao" Sống một cảnh hai quê anh không muốn. Vả lại em về có lợi cho nước thì về. Tùy ý, anh không bắt buộc tự do của em."
Vợ tôi nghe tôi nói bỏ ý định.
"Em xin lỗi, đã làm anh bận tâm, chồng con ở đâu, em ở đó."
Qua bao nhiêu biến cố tang thương của đất nước và cuộc đời thăng trầm, chúng tôi già trước tuổi. Vợ chồng già trên đất Mỹ rồi sẽ phải sống lẻ loi hẫm hiu xa con cái như thực tế xứ người.
Vợ tôi ra park, thấy lon bia rơi vãi, thường lượm mang về dồn vào hố rác sưu tầm đồ cổ chờ bán. Tôi nhìn thấy chảy nước mắt, vì mình không còn sức để lo cho vợ như ngày trước.
Tôi nói:
"Em thương anh đừng làm như vậy nữa."
"Em cho thằng Quy, con sắp ra trường rồi, em không biết tiếng Anh. Còn làm được việc gì hơn đâu""
Tôi im lặng và nước mắt cuộc đời lại chảy. Hai vợ chồng lại nhắc nhau phải quyết học tiếng Anh.
Tôi đi làm hãng Mỹ WTS, công việc rửa xe bus như các em nhỏ nối bước cha anh làm việc thiện nguyện ngoài giờ học để giúp quỹ xây dựng tượng đài Mỹ Việt. Con tôi đã trưởng thành. Hạt giống thoái hóa và cây lúa trổ bông.
Hết thời nhưng chưa hết đời, tôi phải làm gì có ích trên đất Mỳ. Những ngày nghỉ việc hãng, tôi lái xe đi biển, đi núi, đi những nơi thanh tĩnh vừa giải trí, vừa tập viết văn bằng tiếng Việt. Sau chiến tranh bỏ cây súng, cầm cây viết rất ngỡ ngàng và vụng về.
Tôi nói tiếng Anh rặn từng tiếng và viết báo rặn từng lời, từng ý. Chỉ thấy mình bi thảm và điêu tàn nhưng tôi muốn con tôi rút tỉa học kinh nghiệm của ông cha.
Tôi nhớ lại tác phẩm THE OLD MAN AND THE SEA của nhà văn Mỹ, Hemmingway đã được dàn dựng thành phim, diễn tả cuộc phấn đấu bền bỉ liên tục can đảm của một ông già đánh được một con cá voi kẹp vào thuyền. Ông ta chống chọi với sóng to gió lớn giữa biển, mang con cá vào bến. Khi đến bến con cá chì còn lại bộ xương, vì đã bị đàn cá mập dưới theo rĩa hết thịt. Câu chuyện ấy cho tôi hiểu biết một tấm gương phấn đấu.
Trời u ám, mưa mà mưa không được. Vài hột mưa rớt chỉ làm cho đường sá trần xe ướt nhớp trơn trợt thêm. Giá gì có cơn mưa lớn cho đường sá và trời đất sáng sủa trong sạch hơn.Đừng chán nản. Cố gắng. Gắng chút nữa. Sắp được rồi. Trời sẽ mưa lớn ngày mai. Tôi thường nhủ mình vậy để hy vọng, làm cho sự sống có ý nghĩa. Hết thời nhưng đâu đã hết đời. Còn lại ngày nào, dù tuổi già, chúng tôi cố gắng phấn đấu trên đất nước Mỹ.
Bùi Tùng (bài do bạn Bá Trần giới thiệu)