Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Lẻ Bóng

  

Ông là một trong những bác sĩ Việt Nam di tản kịp trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Tới Mỹ, ông đi học lại, hành nghề rất sớm và thành công tại quận Cam ít nhất trên ba thập niên cho tới khi nghỉ hưu.


Tất nhiên như mọi người có cùng địa vị
 với ông, ông làm chủ một quỹ về hưu
khá lớn, cho phép ông vẫn giữ nếp 
sống thoải mái như thời còn làm việc.
 Chỉ có điều, ông than thở: “Nhà cao
 cửa rộng phải bán đi vì lầu cao, đầu 
gối đau, không lên xuống cầu thang 
được, chưa kể nhà lớn quá mà một 
thân một mình, ở sao hết? Sức đâu mà dọn dẹp?

Nhìn cái hồ bơi đầy lá vàng chỉ thêm cám cảnh. Thảm cỏ sân trước, vườn sau cần người 
chăm sóc nhưng người làm vườn khi tới khi không, gọi khi được khi mất, chỉ tổ bực mình, 
nhức đầu. Mời các con, cô cậu nào muốn lấy cái nhà, ông giao nhưng chúng nó, thứ nhất 
đã có nhà rồi, đẹp và sang gấp mấy lần cái nhà của ông ở Fountain Valley, mắc mớ gì phải
 nhận của ông để bị anh chị em nhòm ngó, tỵ nạnh, chưa kể nhận cái nhà rồi, sau này khi 
ông cần gì, nó sẽ là đối tượng thứ nhất được chiếu cố và giao phó trách nhiệm.

Ông đành bán nhà, dọn vào một căn mobile home ở giữa khu Little Saigon cho ông tiện
 đi lại hoặc hẹn hò bạn bè cũ mới. Nhà ba phòng, sửa sang tươm tất trông cũng khang 
trang, đẹp mắt, nhưng với ông hôm sớm vào ra một bóng, vẫn còn quá dư thừa. Mấy bụi
 hoa xung quanh nhà được cắt tỉa gọn ghẽ vì người phụ trách cây cảnh của chủ đất rất dễ 
gọi để nhờ vả. Tuy nhiên, “vườn Thúy” của ông thiếu đôi mắt phượng nên không được 
sum suê và mỹ quan như bên hàng xóm. Ông nhớ cái vườn cây quý tự tay ông đi kén 
chọn mua giống, chăm bón và săm soi những ngày xưa thần tiên đã xa xôi rồi, ông tặc
 lưỡi, lắc đầu mấy cái, như người đi dưới cơn mưa muốn rũ sạch những giọt buồn trên 
khóe mắt.

Nhà đã vậy, xe đẹp cũng thường xuyên nằm ụ vì ông không còn đi đâu xa, ngay cả đi gần
 thì cũng phải về nhà trước khi tắt nắng vì mắt quáng. Gần đây, vẻ ngoài cái xe và ông 
chênh lệch nhau nhiều quá, một bên bóng lộn, khỏe mạnh, vạm vỡ, một bên hom hem, 
xập xùi, yếu ớt, khiến ông ngại ngùng mỗi khi ngồi vào ghế lái, chậm rãi lùi xe ra khỏi 
gara mà có người đang nhìn ông.

Thêm nữa, do thị lực yếu đi, ông không mấy tự tin vào khả năng ước lượng khoảng cách
 của cặp mắt mỗi khi cần vào một chỗ đậu xe hơi chật, sợ cọ quẹt, nên ông bắt đầu thấy cái 
xe Lexus 450 của ông không thích hợp với ông nữa. Gần đây, ông nghe bạn bè kháo nhau 
xe Honda kiểu Civic đời 2018 rất đẹp, đầy đủ tiện nghi, thoáng nhìn sang trọng không 
kém kiểu xe đắt tiền, mua mới từ dealer ra chỉ trên dưới $20,000, xài xăng thường, đổ đầy 
bình chỉ $20 một lần, bảo hiểm cũng rẻ, bảo trì càng không tốn vì hợp đồng bảo trì miễn
 phí của dealer có lẽ dài hơn số năm tháng còn lại của ông, chưa kể xe nhỏ nhắn, vào ra 
parking dễ dàng. Ông đang tính bữa nào chờ có đợt xeo, sẽ ra Honda World đổi một chiếc.

Lúc mới dọn vào khu mobile home trên đường Bolsa, thấy chợ Mỹ, chợ Việt đều gần, ông 
sung lắm, tự đi chợ và nấu nướng. Được ít ngày, một bữa ông đang ngồi xem ti vi, thoáng
 thấy có lửa cháy trên màn hình, ông hơi ngỡ ngàng, chưa biết là chuyện gì thì ông nghe
 mùi khét. Quay nhìn vào bếp, ông hết hồn thấy lửa đang phừng phừng. May phước đầu
 óc còn tỉnh táo, ông phóng ba bước tới cái lò và nhanh tay vặn cái nút tắt. Sau lần đó, lớp 
thì cọ rửa soong nồi, lớp lau bếp bắt mệt, may là máy báo khói chưa hú chớ không cả xóm
 kinh động rồi, ông quyết định thôi không nấu nướng nữa mà ăn cơm phần hay cơm chỉ
 cho khỏe, ngày nào ưa ăn ngon thì đi kéo ghế. Tủ lạnh nhà ông lúc nào cũng có chả lụa, 
chả chiên; tủ pantry thì đầy oat meal, súp hộp và mì gói, không bao giờ sợ cơ lỡ.

Thức ăn giải quyết được rồi nhưng ông nói ăn một mình buồn quá, nhiều khi nghẹn 
ngào muốn buông đũa, buông chén. Ông than không có gì chán hơn là cứ lui cui cặm cụi
 gắp, nhai, nuốt một mình, xung quanh vắng lặng không tiếng người, không cả tiếng dép hay 
tiếng rót một ly nước. Có bữa ông bưng cái tô vừa cơm vừa thức ăn ra đứng bên cửa sổ
 bếp, ngó mông ra ngoài, thử coi có gì vui không nhưng cũng đâu có gì vui?

Cư xá của ông toàn người cao niên, vắng cả tiếng trẻ con nô đùa. Cụ Nguyễn Du chẳng đã
 từng hạ bút viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” ư? Trong trí tưởng ông, thấp thoáng
 hiện lên quang cảnh gia đình đông vui ngày nào, vợ ông  tươi mát như một bông huệ tây,
 ngồi giữa đám cháu nội ngoại lau hau, đứa này níu tay ông, đứa kia níu tay bà, om xòm 
 tiếng Anh tiếng Việt, grand ma, grand pa, bà ngại, ông ngại, hỏi một trăm câu hỏi mà ông
 chỉ trả lời qua loa rồi bán cái cho bà, bà không biết sao thì lại chỉ qua ông.

Riêng ông chốc chốc nhìn đồng hồ, chỉ mong sao đến giờ, bố mẹ chúng tới đón hết đám trẻ 
của từng nhà về để trả lại ông bà ngôi nhà yên tĩnh trong buổi chiều. Trong khi bà kiên nhẫn 
dọn dẹp đồ chơi và thức ăn thừa mứa do lũ trẻ bỏ lại, ông ngồi duỗi chân xem ti vi tin 
tức hay ca nhạc, chờ bữa ăn tối ngon lành, nóng sốt, thay đổi hàng ngày nhờ bàn tay của bà.

Bây giờ, ông đảo mắt nhìn một lượt căn nhà sạch sẽ, sàn gỗ không một cọng rác, một mẩu 
giấy vụn, bàn ghế ngay ngắn, đồ đạc đâu vào đấy, trật tự, lạnh lẽo như chưa từng xô 
động, như không có ai ở, ông thấm ngấm đến tận xương tủy cảm giác hiu quạnh lạ 
thường. Đàn cháu nội ngoại ngày nào ríu rít như chim, nay đã trưởng thành, vào/ra 
đại học hết. Thỉnh thoảng có đứa còn nhớ ông, điện thoại hỏi thăm, tới chở ông ra phố 
uống cà phê hay ăn chè, khiến ông vui cả ngày.

Bạn bè cũ biết ông thích hát, có người rủ ông đi karaoke buổi tối ở các câu lạc bộ khiêu vũ.
 Ông theo họ đi giải trí cho quên bớt thời giờ trống trải nhưng trở ngại của ông là ông thích
 hát song không thích nhảy đầm. Hát xong vòng đầu, ông phải chờ khá lâu mới đến vòng 
nhì và sẽ về khuya lắm, ông sẽ mất ngủ vì quá giấc rồi lại phải uống thuốc ngủ mà ông thì 
rất sợ bị nghiện. Vì vậy, ông không đi thường xuyên như lúc bắt đầu nữa, đành chấp nhận 
nhiều hôm một mình đối bóng với đêm trường.

Năm nay ông đã ngoài 80 nhưng 10 năm trước ông chỉ mới ngoài 70. Chẳng phải ông vì lễ 
giáo của tông môn và sợ miệng đời mai mỉa mà nhắm mắt bỏ qua cơ hội đi tìm kiếm một
 hạnh phúc cho quãng đời còn lại của ông ư?

Như gia chủ buổi họp mặt bằng hữu hôm nay cũng ngoài 70 khi hai ông bà gặp nhau trong
 tình cảnh góa bụa, hiểu ra họ cần nhau và quyết định tạo dựng một mái ấm chung với 
con cái hai bên đều đồng thuận chọn lựa của bố mẹ. Họ vui lòng trả giá để có những buổi
 sáng thức dậy cùng nhau đón mặt trời và nghe chim hót trong vườn, ngồi bên nhau 
uống tách cà phê thơm đầu ngày, ăn món điểm tâm tùy thích, nói năm ba câu chuyện trên
 trời dưới biển đem lại cho nhau những tràng cười sảng khoái.

Tại sao khước từ những ngụm mật ngọt ấy, cái hạnh phúc ấm êm cận kề ấy mà nghĩ rằng 
mình khôn ngoan? Thật ra, chỉ vì vẩn vơ lo sợ những điều mình không biết trước và biết 
chắc có xảy ra hay không? Mà nếu biết trước và biết chắc, liệu có tránh được không, 
ngay cả xoay chuyển chúng được không? Ở chặng đường cuối một đời người, không ai 
còn nhiều thời gian phí uổng nữa nhưng có lẽ phí uổng là cách giải quyết dễ nhất khi không
 có nhiều chọn lựa.
Trên cõi trần gian nhiều phiền trược này, chỉ nghe con người phàn nàn đời không một
 ngày hạnh phúc nhưng không nghe ai thở than đã một thời hạnh phúc cho dù sau đó, 
như bầu trời mưa nắng bất thường, vạn vật đổi thay và hạnh phúc cũng sang trang…

Riêng ông, hoàn cảnh có khắc nghiệt hơn vì bà đang ở nhà dưỡng lão. Hằng ngày vào thăm
 bà, nhìn vào đôi mắt trống vắng, lạnh băng của bà, cầm hai bàn tay bà ấm thân nhiệt, không
 ấm một dấu hiệu cảm xúc, ông nghẹn ngào nói thầm: “Em ơi, em đã trả lại mọi buồn vui
 cho đời, không còn bận tâm chi nữa, có biết là anh rất khổ không?” Ông hỏi rồi ông tự 
 nghiệm ra câu trả lời, không ai có thể giúp ông một câu trả lời nào khác.

Mỗi ngày qua, hết chiều đến đêm, hết những công việc phải chu toàn cho mình trong cuộc
 sống như một bổn phận không thể chối từ, ông ngồi trên ghế bành, mở ti vi cho có 
tiếng người, không xem, không nghe. Mở nhạc để âm thanh cho ông sự êm dịu trong căn
 nhà lạ dù ông đã ở đây gần ba năm. Nó không cho ông một hồi ức nào nên không có gì gắn
 bó.

Ông thèm một tách trà thơm, một ly cà phê nóng nhưng ông ngồi yên vị tại chỗ vì biết 
những thú vui nhỏ ấy sẽ làm ông mất ngủ. Con đường của người già là con đường trong 
những bức tranh hay tấm hình vẽ hoặc chụp viễn cảnh, hun hút, thu hẹp dần trong mắt nhìn.

Ông chợt mỉm cười nhớ lại câu nói bâng quơ của người bạn đồng cảnh, thốt lên trong một 
cuộc họp mặt anh em: “Mai mốt chắc là phải đặt mua robot của Nhật.” Câu nói nhỏ, tan
 vào đám đông huyên náo. Ông ngồi gần, nên lọt tai. Không biết có ai cũng lọt tai câu nói
 như ông nhưng cũng như ông, đã cất riêng cho mình như lời tự thú về một mơ ước 
không tiện bày tỏ?

Đôi mắt ông nhìn mông lung ra xung quanh, chạm vào cái kệ sách chỉ còn lại ít sách quý
 ông mang theo tới đây, ngậm ngùi hình dung ra đời mình như cuốn sách, nay cũng đang
 khép lại trên án thư. Các nhân vật có vai trò đã xuất hiện, đã làm xong nhiệm vụ, đã bước 
ra, chỉ còn ông ở trang cuối cùng chờ cơn gió nhân duyên thổi tắt ngọn nến từ bi trong thời
 kinh Bát Nhã ông tụng hằng đêm, đóng lại giùm ông cuốn sách sẽ được xếp lên kệ rồi bỏ 
quên như chưa từng hiện diện. 

Bùi Bích Hà/ nguoiphuongnam