Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Chuyện phiếm: Sao cánh đàn ông chán cơm, thích phở?

Thời nay, nếu gặp bạn cũ đi với một phụ nữ trẻ, chớ có vồn vã mà hỏi, “Ồ, ông mới bảo lãnh cho cháu gái qua hả?” Nói thế nhất định mất bạn mà thêm thù đó! Tui có kinh nghiệm về vụ này rồi.

Bữa hổm, đi dự tiệc “Count down,” ngồi ngay cạnh một ông bạn già, lớn hơn tui vài tuổi, thấy ổng đi với môt người đẹp chỉ bằng tuổi con gái của ổng, tui niềm nở hỏi câu trên, ai dè bị ổng gầm gừ, “Bà xã tui đó!”, rồi ổng hầm hầm dắt cổ đi. Tui quê xệ, muốn xin lỗi mà hổng kịp, bởi ông đi nhanh quá. Từ đó, tui có một kẻ thù trên Nét! Ổng kiếm cớ chửi tui như tát nước.Thôi, mà trở lại chuyện bây giờ. Hôm Hội Chợ Tết Sinh Viên ở O.C Fair, tui gặp một ông bạn đi kề bên một người đẹp sắc nước hương trời, và một cô bé chừng 5 tuổi, tui rút kinh nghiệm rồi, nên Hê-Lô với bạn rồi cúi đầu chào người đẹp, hổng dám thưa gửi gì. Dè đâu, thái độ thận trọng của tui được ông bạn khoái quá, ổng nắm tay tui dắt đến gian hàng bắp nướng, kêu hai cái bắp và hail y cà phê sữa, kéo tui vào chỗ ngồi, tâm tình, sau khi nháy người đẹp dẫn cháu bé đi chỗ khác chơi.

Không cần hỏi thăm, ổng cũng tự động kể lể. Đó là một chuyện buồn muôn thuở của phái liền ông chúng tui. Bà xã ông hổng còn yêu ông nữa, không phải là bỏ ổng đi lấy chồng khác, mà quên hẳn việc ổng là chồng bà, mà chỉ nhớ đến ổng như một cái máy làm tiền, mang về cho bà hầu mấy đứa con, mấy đứa cháu. Theo lời kể của ổng, bả vẫn đàng hoàng như mọi mệnh phụ phu nhân khác, vẫn lo mọi chuyện bên chồng như chuyện của bả, chỉ có điều bà tự biến thành một bà xếp và coi ổng như một thứ đồ thừa thãi.
Đã lâu bả không cho ổng ân ái, hễ động tới người bả, là bả kiếm cớ bệnh hoạn, khó chịu trong người hoặc kêu mệt rồi lảng đi. Cho nên “súng” của ổng đã lâu không xài bị rỉ sét, mốc meo, làm tự ái liền ông nổi lên đùng đùng. Tuy vậy, vì ổng là người đứng đắn, cho nên dù khó chịu quá mà cũng đành chịu, không đi kiếm “mì ăn liền.” Vì vậy, người ổng lúc nào cũng căng thẳng, nói chung là bị “stress.”

Hơn nữa, bả vì dồn hết tình thương vào con cháu nên bù lại, bả gắt mắng ổng hoài. Ổng cứ chịu trận mãi, đến một ngày, chịu hết nổi, ông đi kiếm “phở” ăn, mà ăn “phở” trường kỳ luôn, nghĩa là ông nói với bả ấy là xin li dị, tưởng là bả phẫn nộ, ai dè bả tỉnh bơ, “Ông muốn sao cũng được, tôi chiều theo ông!”

Thế là đường ai nấy đi, bả ở lại với con cháu, còn ông, xách va li đi kiếm “áp pạc tơ măng” rồi đi chơi thả dàn, gặp người phụ nữ trẻ cũng ly dị chồng vì tật lăng nhăng, ông cáp độ luôn. Bây giờ hai người ở với nhau vui vẻ, trẻ trung, mặc dù bả kém ông hơn hai chục tuổi!

Nghe câu chuyện này thấy cũng có lý, dĩ nhiên, chắc ổng cũng dấu đi vài chục phần trăm nào đó, nhưng vì... giống hệt trường hợp của ông bạn học của tui và nhiều trường hợp của bạn tui, nên mới kể chuyện này cho bà con nghe.

Từ hồi sang Mỹ đến nay, vì đổi đời, nên đổi luôn con người. Khi trước 75, các bà chịu đựng các ông rất hay, đến nỗi bạn tui, vì tính ga lăng, nên đôi khi bực tức trước thái độ gia trưởng của các ông, nhất là các ông làm nghề thầy giáo, công chức, lúc nào cũng văng mắm tôm ra đầy nhà, khiến vợ con phát khiếp. Nhưng qua đến đây, khí hậu mới, sinh hoạt mới, nhà cửa mới, cái gì cũng mới, nên các bà lên ngôi, đá phóc các ông chồng xuống đất nằm mồ côi một mình.

Rồi lại ảnh hưởng mấy bà bạn hay lép nhép cái mồm, lúc nào cũng săn đón cố vấn, “mày cứ thẳng tay cho tao, với mấy ổng, mình phải nghiêm mới được, nếu không, mấy ổng làm tới! Tao nè, ly dị hai lần rồi, mà vẫn còn phông, ông này mà lạng quạng, tao cho ổng de ngay!” Thế là các bà làm tới thiệt, hễ mở miệng ra là gắt, kiểm soát tiền bạc các ông rất kỹ, hỏi cung các ông đi đâu, làm gì, giờ nào tới sở… Trong khi đó, vì bận con cháu, hay vì bận đi học nhẩy đầm, nhẩy Tây với mấy bà bạn, bận đi học ca để lên sân khấu hát cho bà con hết hồn chơi, các bà lại quên không đáp ứng như cầu sinh lý của các ông, quên luôn săn sóc cho các ông khi trái gió trở trời, ông có bệnh thì tự đi lấy thuốc mà uống và đừng mong có người cạo gió cho mình đó nhe.

Một số các bà bây giờ mê bạn cũng ngang ngửa mê cháu nội, ngoại. Nghĩa là thời giờ dành cho ông chồng hầu như rất hiếm. Giọng nói ngọt ngào khi xưa đã biến mất, thái độ ân cần săn sóc lúc trước 75 cũng bốc hơi, ông chồng chỉ còn là cái bóng thừa thãi trong nhà. Cá nhân tui chứng kiến, trong một cuộc gặp mặt những bạn làm cùng sở cũ, một bà bỗng nhận được một cú điện thoại. Bả nhắc điện thoại lên, nói nhẹ nhàng, “A lô! Mình đó hả? Có gì không?”

Rồi bà lắng nghe trong im lặng chừng một phút, bỗng dưng nổi tam bành lục tặc lên, hét vào cái phôn đến phun nước bọt ra chung quanh, “Này! Tôi bảo cho ông biết! Đừng có nói lôi thôi! Tôi về nhà mà không thấy ông làm xong cái đó, là ông biết tay tôi! Liệu hồn nhé!” Rồi bà cúp phôn cái cụp. Bạn bè ngồi gần xanh mặt. Một bà bạn nói nhỏ, “Mày làm gì mà dữ thế! La hét với chồng ghê vậy?” Bà Chung Vô Diệm kia gắt luôn với bạn, “Mày biết gì mà nói! Tao phải kềm thằng chả, nếu không hắn lừng trời!” Thiệt hết biết luôn.

Nói vậy, cũng không phải đổ tội cho các bà hết đâu. Cũng tại các ông một phần, hay đi văn nghệ văn gừng, gặp bà nào ly dị, độc thân thì mắt cũng sáng lên như hai cái đèn pha, muốn chớp nháy với em ngay lập tức. Điều đó dĩ nhiên, vì là... thiên nhiên mà! Giống như gà trống, chim công, chim phụng, chim gáy, quạ, chim sâu vậy.. Hễ thấy đồng loại khác phái là le te, phùng mang, phùng mỏ, giang cánh, vẫy đuôi.

Nhưng nếu mà chàng đã có mái ở nhà rồi, thì chàng chỉ có làm điệu vậy thôi, rồi lẳng lặng rút lui, chứ không tấn công tiếp. Nhất là giống quạ. Quạ mái ghen dữ lắm, nếu thấy quạ trống mà le te cạnh em nào, là quạ mái nhào dô, cắn xé, hò hét “quạ... qua... qua...” um trời cho đến khi em mái kia phải te tua bay đi mút chỉ cà tha, không dám trở lại nữa.

Rất nhiều giống chim chung thủy, như chim thiên nga, nếu chim mái mà bệnh thì chim đực cứ lanh quanh bên cạnh ủ ê nàng cho đến khi nàng ra đi, thì chàng kêu lên mấy tiếng thảm thiết, có khi chàng bỏ ăn đến khi chết chung với nàng luôn.

Tại sao vậy? Vì chim mái lúc nào cũng ân cần săn sóc chàng, im lặng, ít nói, chỉ lanh quanh bên chàng, cuốn cổ nàng vào cổ chàng, cọ sát…và chỉ có chàng mà thôi, nên bù lại, chàng cũng chung thủy với nàng cho đến hơi thở cuối cùng.

Còn các bà Việt gốc Mỹ, í quên, (nói chuyện về các bà, là tui hay lắp bắp..), người Mỹ gốc Việt, vì bị đầu độc bởi các chữ “First Lady,” “nhất vợ, nhì trời, sau mới đến tui,” coi ông chồng chẳng ra chi, cho nên ổng phải đi kiếm người an ủi…Thường thì nhân gian, thiếu cái chi thì thèm cái đó, “hễ no cơm tẻ thì chê mọi đàng,” thử hỏi bây giờ ở nhà ăn cơm nhà, no ứ hơi, còn ai dám nghĩ đến chuyện ăn phở nữa không? Hễ tui đang no căng bụng, mà ai mời tui ăn thêm cái chi nữa, tui thấy ớn, mắc ói! Thiệt đó, các bà nghĩ coi, đố các bà ăn thêm một miếng gì nữa, sau khi các bà quất một lèo một tô bún bò huế, vài cái chả Huế, thêm một đĩa bánh bột lọc!

Bởi vậy, phe liền ông khi thiếu thốn tình cảm, thiếu sự săn sóc của các bà, thiếu cái lời nói ngọt ngào, thiếu cái cử chỉ dịu dàng … thì mới nghĩ đến việc đi ăn phở mà thôi. Nhất là về việc ấy ấy. Nếu sau khi mà súng chàng đã bắn hết đạn ở nhà, liệu chàng có vác súng đi kiếm đích để bắn cho súng khỏi rỉ sét không? Tui nhớ có một bài thơ dzui dzui nói về việc ông chồng xin phép đi chơi, bà vợ cười, “Đi thì đi, nhưng trước khi đi, trả bài đã”! Thế là chàng ỉu xìu, quên luôn câu xin phép đi chơi… Nếu ở nhà mà chàng có bàn tay xoa vuốt, cạo gió, liệu chàng còn mơ thấy một bàn tay nào đẹp hơn vợ mình không? Nếu ở nhà chàng vẫn nghe những lời êm ái, liệu chàng có thấy cô bạn gái mới quen kia nói ngọt ngào nữa không? Nếu đã có cặp mắt đa tình ở nhà, liệu chàng có còn thấy ai có cặp mắt đẹp nữa không? Cứ thả chàng đi linh tinh đi, vẫn yên chí lớn, chàng sẽ quay về ngay vì ... nghiện rồi! Nghiện lời nói dịu dàng của nàng, nghiện thấy dáng nàng dịu dàng đi tới đi lui trong phòng. Mà đã nghiện, đã ghiền thì cách chi mà bỏ được? Có phải vậy không, các bà chủ cho “xe phòng, xe tiền nhà”???
 
CHU TẤT TIẾN (bài dobạn Bá Trần giới thiệu)