Ngay từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cám ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người đó. Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí… nguyền rủa mình. Trên mười năm giữ mục Phòng mạch trên báo Mực Tím, tôi nhận được rất nhiều thư của các em ở tuổi mới lớn kêu ca về hình thể mình về nhan sắc mình và sỉ vả mình một cách không thương tiếc! Nhiều em viết “muốn tự tử”, “muốn chết đi cho rồi”, “không còn muốn sống nữa”… chỉ vì có vài vết mụn trứng cá hoặc tàn nhang trên gương mặt, một vài vết sẹo ở chân hoặc thấy mình không đẹp trai bằng người mẫu, không có số đo như của các hoa hậu!
Nhiều người lớn tuổi cũng vậy. Nhìn vào gương mỗi ngày thấy mình già đi với những dấu chân chim ở đuôi mắt, vết hằn ở khóe miệng, nếp nhăn nhúm ở bàn tay… đã không thể chấp nhận được mình, đã âu sầu buồn bã, có người phải vào Thẩm mỹ viện căng da mặt, bơm tay để hy vọng giữ mãi vẻ trẻ trung. Có lần trong một lớp học, tôi đề nghị các sinh viên mô tả hình ảnh người già trong gia đình thì họ đều nói đến da mồi tóc bạc, mắt mờ tai lãng, miệng móm răng rung, chậm chạp lẩm cẩm… Nhưng ai già mà không da mồi tóc bạc? Sống lâu thì phải già chứ sao!
Xây dựng hình ảnh về chính mình (self image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.
Có món đồ dùng nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả những máy móc tinh xảo được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất. Gần đây thấy trên báo quảng cáo một cái tủ lạnh cũ của Thụy Sĩ rằng đã được xài đến 20 năm mà vẫn còn chạy tốt. Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ ngực nói rằng mình đã “xài” đến sáu bảy chục năm mà hãy còn ngon đó chứ! Vậy ta phải biết ơn mình nhiều hơn.
Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương lớn nhỏ được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ các khớp, cũng đã xài được hằng mấy chục năm trời mà chẳng phải bơm dầu trét mỡ gì cả. Vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru, êm rơ, chỉ khi ta tích tuổi, lớn tuổi rồi nó mới bị đau nhức chút đỉnh thì cũng phải thôi! Nhiều khi chỉ vì từ nhỏ ta đã không biết chăm sóc bộ xương đã làm cho nó bị lệch lạc đi như bị vẹo cột sống ở tuổi học đường, hoặc ăn những thức ăn làm cho các chất hoạt dịch giữa các khớp bị đơ cứng lại. Ngay ở giai đoạn chấm dứt tuổi dậy thì, bộ xương đã hình thành với khối lượng xương cố định, chủ yếu là do di truyền nhưng cũng một phần do dinh dưỡng. Nếu biết quan tâm, thì ngay từ nhỏ đã phải được bồi dưỡng tốt để xương phát triển đầy đủ. Người lớn tuổi dễ bị loãng xương, dễ bị té ngã, đưa đến gãy xương, trật khớp. Nhìn một cành khô và một cành tươi thì biết. Cành tươi khó gãy vì vỏ dày, gỗ dai, nếu gãy cũng thường gãy dập; còn cành khô thì vỏ mỏng, gỗ dòn, khi gãy dễ gãy lọi. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi, sau tuổi 65, rất dễ bị té ngã. Nữ dễ bị hơn nam. Ngoài những chuyện gãy xương, trật khớp, rách cơ, dập phần mềm… còn có những biến chứng gần xa khác như viêm phổi, loét da, do phải nằm bất động trong một thời gian lâu dài. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh tình trạng loãng xương càng gia tăng do Estrogen của buồng trứng đã giảm. Phụ nữ dễ bị té, gãy xương nhiều gấp ba lần so với nam giới. Để giảm bớt nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi, cần quan tâm tới môi trường sống của họ. Chẳng hạn các cầu thang trong nhà sao cho dễ đi, không trơn trợt, bậc thang đều, ánh sáng đầy đủ. Tuổi già mắt kém, cảm giác về độ chênh không còn chính xác, phản xạ chậm, cơ chế điều hòa vận động giảm nên rất dễ té. Một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc an thần càng làm tăng nguy cơ. Người lớn tuổi vẫn cần phải tích cực vận động – tập dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao chẳng hạn – để tăng tính linh hoạt của các khớp và giúp cho cơ duy trì sự dẻo dai. Ăn uống cần tăng cường thêm Calci, Vitamin D. Người ít vận động hoặc phải nằm một chỗ, tình trạng loãng xương càng xảy ra nhanh. Thuốc lá và rượu góp phần tăng tốc. Việc sử dụng Estrogen để bù đắp phải được hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Điều đáng để ý là một người khi lớn tuổi bị té ngã một lần thì về sau thường sợ hãi, ít dám vận động, do vậy mà sự phối hợp giữa thần kinh cơ càng kém, lại càng dễ bị té ngã những lần sau. Sự bảo bọc quá đáng của người thân trong gia đình càng làm cho người già thêm mau suy yếu.
Rồi thử xem bộ máy tuần hoàn của ta. Nếu biết rằng mỗi ngày trái tim ta đã phải co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu khoảng 7000kg không ngừng nghỉ, kể cả lúc ta ngủ, đi vào một hệ thống mạch máu giăng mắc mà chỉ riêng hệ thống vi mạch nếu nối lại đã dài hàng trăm ngàn cây số (hơn gấp đơi chu vi tri đất) để nuôi cơ thể, ta mới thấy sức hoạt động của bộ máy tuần hoàn tuyệt vời đến thế nào! Có cái máy bơm nào làm việc liên tục với khối lượng như vậy hằng bảy tám chục năm trời mà không phải thay pin, không phải chùi rửa gì cả? Vậy mà chẳng những ta không nhớ, không biết ơn nó, nhiều khi ta còn hành hạ nó, đầu độc nó, buộc nó nhảy tưng lên với những chất như rượu, trà, cà phê, thuốc lá… Chất nicotine trong thuốc lá chẳng hạn, chẳng những buộc nó phải làm việc nhanh lên mà còn lại co thắt các mạch máu nuôi dưỡng nó, làm cho nó bị thiếu dưỡng khí. Ta lại còn đầu độc tinh thần nó bằng cách luôn rên rỉ “Một trái tim khô, một trái tim mùa đông” hay hất hủi nó: “ngày rời Paris anh đã để quên con tim”… Thật ra một trái tim bình thường làm việc âm thầm bền bỉ đến nỗi ta tưởng như không có nó. Lúc nó lên tiếng “nhắc nhở” thì đã rắc rối rồi! Cho nên có một trái tim lành mạnh thật hạnh phúc mà nhiều khi ta không biết!
Còn mạch máu của ta cũng giống như những ống nước vậy. Khi ống nước còn mới thì nó dẻo dai, co giãn dễ dàng, không có chuyện gì xảy ra, còn ống nước đã cũ thì khô cứng lại, độ thun giãn kém đi. Ở người cao tuổi, các mạch máu cũng dễ cứng hơn nên huyết áp dễ bị tăng cao. Huyết áp cao quá có thể gây ra những tai biến. Tăng huyết áp phải được theo dõi chữa trị đến nơi đến chốn. Ngoài ra nếu trong máu có nhiều chất mỡ (thường gọi “máu lộn mơ”) thì các chất này sẽ đóng cứng trong lòng mạch làm cho đường kính nhỏ lại gây tắc nghẽn mạch. Bệnh tiểu đường càng làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn này và do vậy mà các chuyên gia về “Già học” đều khuyên ta bớt ăn đường, bớt uống rượu, bớt ăn muối, bớt ăn mỡ, không hút thuốc ….
Rồi thử xem buồng phổi của ta. Đó là nơi ta trao đổi không khí để sống. Người ta có thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mươi ngày nhưng không thể nhịn thở quá năm phút. Thiếu oxy (dưỡng khí) chừng năm phút thì các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được nữa. Có lẽ vì không khí không phải mất tiền mua nên ta thường coi như không hề có nó. Ta vẫn thở mỗi phút giây mà không nhận thấy không khí là cần! Có một buồng phổi hoạt động tốt ta chẳng hề quan tâm, thậm chí chẳng hề biết đến nó, cho đến lúc nó khò khè cò cử thì lúc đó ta mới thật sự hốt hoảng. Một vị thiền sư ghi câu này lên vách: “Việc phải làm hôm nay: thở vào, thở ra, thở vào…”. Có vẻ thật tức cười và có vẻ như đó là chuyện của thiền sư. Còn ta, ta có trăm công ngàn việc để làm có đâu chỉ thở vào thở ra như vậy. Nhưng thử nghĩ xem, nếu ta ghi một câu ngược lại: “Việc phải làm hôm nay: không thở vào, không thở ra, không thở vào…” thì chuyện gì sẽ xảy ra! Cho nên nghĩ cho cùng thở là một điều quan trọng. Nhiều người trong chúng ta coi chuyện thở nhẹ như… lông hồng. Nói chung chúng ta thường không biết thở, không thèm thở, nhất là những lúc làm việc hăng say gần như quên thở hoặc những lúc có những cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ ta cũng thường quên thở, nín thở. Thở là một phản xạ tự động nhưng ta lại có thể kiểm soát được hơi thở, nhịp thở, khác hẳn với các cơ chế tự động khác như của quả tim, mạch máu, dạ dày, gan ruột… hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn của ta. Cho nên ta có thể luyện thở được. Buồng phổi của ta có khoảng 300 triệu phế nang tức là túi phổi nhỏ, là nơi tiếp xúc trao đổi không khí giữa phổi với hệ thống mao mạch chuyển O2 vào máu và đưa CO2 cùng những khí độc khác ra khỏi cơ thể. Trải rộng các phế nang ra, ta có một diện tích rộng hơn 80m2, lớn như một phòng học. Mỗi khi ta hít phải không khí ô nhiễm, bụi khói, vi khuẩn, thì lớp không khí ô nhiễm đó sẽ tràn ngập lên toàn bộ diện tích của phế nang. Khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ thì buồng phổi ta xẹp lép – trong bụng mẹ ta không cần thở bằng phổi – nhưng ngay khi được sinh ra thì tiếng “khóc chào đời” chính là phản xạ để không khí tuôn vào hai lá phổi làm nở bung các phế nang ra giúp ta hình thành hoạt động hô hấp, thiết yếu cho sự sống. Thử tưởng tượng người lính nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ mà cánh dù không bung ra được thì chuyện gì sẽ xảy ra. Khi còn là những lá phôi thì phổi và da có cùng nguồn gốc, do vậy mà sau này khi gặp lạnh tự nhiên ta sinh ra ho hen, đặc biệt người cao tuổi dễ bị viêm phổi do lạnh. Hệ thống hô hấp không chỉ có phổi mà còn có mũi, họng, thanh quản, khí quản cùng các cơ hô hấp mà cơ hoành là cơ trọng yếu nhất. Ở mũi chúng ta chẳng hạn có một hệ thống mao mạch dày đặc để sưởi không khí, làm cho không khí ấm lại trước khi vào phổi. Gặp lạnh, ta sẽ bị ách xì, sổ mũi, nghẹt mũi vì các mao mạch trương nở. Dùng thuốc nhỏ mũi có chất co mạch, teo mạch thì sẽ dễ thở trong chốc lát sau đó còn khó thở hơn và lâu dần sẽ bị lệ thuộc vào thuốc. Ta thường thấy có những người lúc đang đi trên đường hoặc đang hội họp, làm việc, bỗng ngước mặt nhìn trời như tìm vần thơ, thực ra là đang nhỏ vài giọt thuốc vào mũi hoặc hít hít một cái ống thuốc giúp thông mũi. Không phải vô cớ mà người lớn tuổi thường khoác một chiếc khăn quàng cổ khi ra đường vì khi gặp lạnh chiếc khăn quàng sẽ giúp làm ấm mũi.
Những người cao tuổi còn khỏe mạnh, sáng suốt, làm việc không biết mệt là những người biết thở. Họ có những phương pháp “bí truyền” thường được gọi là dưỡng sinh, khí công. Có khi ta còn đọc được những câu có vẻ huyền bí như “đưa hơi xuống huyệt đan điền…”. Thực ra không có gì là bí hiểm cả mà hoàn toàn có cơ sở sinh học. Ta biết cơ hoành là cơ hô hấp chính nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, “phụ trách” 80% khối lượng hoạt động hô hấp. Cơ hoành di chuyển lên xuống như một cái piston trong lồng ngực làm cho buồng phổi nở rộng hoặc thu hẹp thể tích. Mỗi khi cơ hoành di chuyển 1 cm thì thể tích lồng ngực sẽ tăng giảm 250 ml không khí. Mà cơ hoành có thể di chuyển từ 1cm đến 7cm, do đó một người biết sử dụng cơ hoành để thở thì có thể làm tăng khối lượng không khí vào ra từ 1 đến 1,5 lít không khí so với người khác. Do vậy khi ta hít sâu thì cơ hoành bị đẩy xuống đến tận dưới rún, nơi được gọi là huyệt đan điền. Như vậy “đưa hơi xuống huyệt đan điền” thực chất là hít sâu đẩy cơ hoành lên xuống mạnh hơn, cơ hoành di chuyển rộng hơn, nhờ đó sự thông khí sẽ tốt hơn. Các nhà chuyên môn tính toán nếu ta thở chậm và sâu bằng cơ hoành thì lượng không khí vào phổi sẽ tăng gấp đôi khi ta thở nhanh mà cạn. Càng lớn tuổi cơ hoành càng làm biếng, nên người lớn tuổi cần luyện thở, tập dưỡng sinh, thì cơ hoành mới sẽ làm việc tốt hơn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở người lớn tuổi, làm cho họ dễ mệt mỏi, hụt hơi, cũng như bệnh giãn phế quản làm cho ho khạc rất nhiều mỗi sáng. Ngày càng có nhiều người bị ung thư phổi do hút thuốc lá. Nhiều người già bị lao là nguồn lây bệnh trong gia đình mà không biết, nên cần phải có sự kiểm tra thường xuyên hai buồng phổi của mình. Người lớn tuổi thường thích đi dạo dưới bóng cây, thích trồng hoa kiểng, thích ở một nới thông thoáng là bởi vì ở đó có nhiều dưỡng khí hơn. Ban ngày, cây xanh nhả ra dưỡng khí, nên đi dạo dưới bóng cây ta được hít thở không khí trong lành, cảm giác nhẹ nhàng, sảng khoái. Cây xanh là người bạn thiết của mỗi chúng ta. Giữ môi trường trong sạch, không ô nhiễm, tạo nhiều cây xanh bóng mát, gần gũi với thiên nhiên, tập thở đúng phương pháp, tránh thuốc lá… là những cách tốt nhất để biết ơn buồng phổi của ta vậy.
Lý Lập Ông, một triết gia Trung Quốc thế kỷ thứ 16 đã viết trong Nhàn tình ngẫu hứng: “Xét cơ thể con người, tai mắt mũi, tay chân, thân thể, hết thảy đều cần thiết… chỉ có hai cái không cần thiết mà Trời phú cho ta là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người từ xưa tới nay. Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá, mưu mô gian trá mới phải đặt ra hình pháp…”. Lâm Ngữ Đường có lẽ cũng đồng ý như thế nên ông cũng viết: “Chúng ta có một cái bao không đáy gọi là bao tử… Nó ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại… Các hội nghị quốc tế căng thẳng đến thế nào, tới giờ cũng dừng lại để ăn…” Rồi ao ước: “Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành, loài ăn thịt đều hiếu sát.” Ông cũng đưa ra một nhận xét thú vị: “Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà có cái diều như gà thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ chứ không phải cần đến chiến tranh lớn để xuất cảng đồ hộp”. (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến L). Thật tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là bao tử hay dạ dày của chúng ta! Đó là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, đảm nhận việc “nạp năng lượng” để ta duy trì sự tồn tại và hoạt động suốt cả cuộc đời. Cái bao không đáy đó thực ra nó đã phải làm việc căng thẳng vất vả, co bóp, nhào nặn thức ăn thức uống suốt ngày đêm để cung cấp cho ta những chất dinh dưỡng cần thiết cho cuộc sống. Nó làm việc âm thầm không hề kể công, hoàn toàn ở ngoài ý thức của ta vì khi nó nhào nặn co bóp như vậy ta không hề hay biết. Để tiêu hóa được thức ăn, dạ dày phải tiết ra một chất acid mạnh mà nếu không khéo tự bảo vệ mình thì acid này sẽ tiêu hóa ngay chính bản thân nó, làm cho nó lở loét tùm lum mà ta gọi là loét bao tử (loét dạ dày). Thường nếu có lở loét thì dạ dày cũng âm thầm tự băng bó lấy cho mình, đến khi quá lắm thì mới phải kêu ca, lên tiếng, lúc đó ta có cái gọi là đau bao tử. Nói chung ít khi ta thương hại cái dạ dày của mình đừng nói chuyện biết ơn nó, trái lại ta sẵn sàng nhồi nhét vào đó càng nhiều càng tốt từ thịt cá voi đến rắn mối, thằn lằn, tắc kè, chuột bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò ốc hến… Ta cũng sẵn sàng đổ vào đó hằng lít rượu đế, whisky, hằng két bia và vô số những chất độc hại khác như… thuốc trừ sâu, giun đầu gai v.v… Đôi khi bao tử chịu không nổi đã phản ứng lại bằng cách nôn thốc tháo ra nhưng cũng có khi người ta tự móc họng để nôn cho hết, làm trống bao tử trước khi bước vào một quán nhậu khác. Có trường hợp bao tử loét quá nặng, không cứu vãn được nữa, thầy thuốc đành phải cắt bỏ đi một phần hoặc cả bao tử, lúc đó ta có một hội chứng gọi là “dumping”, thức ăn trôi tuột từ thực quản xuống ruột non quá nhanh chưa kịp tiêu hóa.
Để ý một chút, ta thấy hệ tiêu hóa là một cái ống cơ dài từ miệng đến hậu môn, phình ra chỗ này, thắt lại chỗ kia để trở thành thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già… Thức ăn thức uống đi xuyên qua cái ống đó là đã đi bên ngoài cơ thể, mà các bộ phận được phân công cắt xé, nghiền, nhồi trộn, nhào nặn, chuyển hóa, hấp thu… để đưa vào cơ thể sử dụng. Cả một bộ máy làm việc quần quật liên tục không mệt mỏi như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể hằng ngày mà ở người cao tuổi cũng cần đến vài ngàn calori. Ta không thể tưởng tượng rằng mỗi ngày có hơn cả lít nước bọt được tiết ra là nhằm giúp cho miệng không bị khô, hôi và giúp tiêu một phần thức ăn. Ở người lớn tuổi, nước bọt tiết ra ít đi nên dễ bị đắng miệng, khô miệng, ăn không ngon. Hệ thống nhung mao ở ruột non ngoằn ngoèo nhiều lớp có tổng diện tích lên đến 250m2, bằng cả cái sân quần vợt, để hấp thu các dưỡng trấp nuôi cơ thể trôi qua, với các tế bào hùng hục hoạt động ngày đêm để trao đổi chất, với vô số vi sinh vật li ti sản sinh ra các men tiêu hóa, các vitamin. Gan đổ mật vào ruột, tụy tạng tiết men và insulin mà nếu thiếu nó ta sẽ bị bệnh đái đường. Bất cứ có một trục trặc gì trên cái ống đó đều gây ra những rắc rối đáng tiếc như bị tắc nghẽn đâu đó chẳng hạn. Một người bị bón thường xuyên cũng làm cho cái ống bị nghẹt, dẫn đến hôi miệng, ăn mất ngon, ngủ không yên.
Hệ tiêu hóa được điều khiển bởi thần kinh tự động, hoạt động ngoài ý muốn của chúng ta. Một người đang đứng trước chuồng cọp trong sở thú thình lình thấy cọp sút chuồng thì tay chân bủn rủn, vãi cả ra quần mà không hề hay biết, là do các cơ trơn của ruột và bàng quang co thắt quá mạnh. Nói khác đi, sự căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc vui vẻ… đều có tác động đến tiêu hóa. Người ta làm thí nghiệm cứ mỗi lần cho thỏ ăn thì giật điện một cái, chẳng bao lâu thỏ đã bị loét bao tử vì sợ hãi.
Mỗi ngày có một lít rưỡi nhũ trấp đi vào ruột già, đa số được hấp thu lại hết chỉ còn khoảng chừng 100ml vào phân. Trong phân có đến 3/4 là nước. Do vậy để tránh bón cần phải được uống tối thiểu mỗi ngày một lít nước. Trĩ và bón là những bệnh thường gặp ở người cao tuổi do tình trạng răng miệng kém, thức ăn thiếu chất xơ, cuộc sống ít vận động. Lâm Ngữ Đường có một nhận xét khá thú vị: “Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa thì ta hạnh phúc, không thì ta khổ sở. Sự tình chỉ có vậy thôi!”. Mà thật, cứ thấy người nào mặt mày lúc nào cũng cau có, nhăn nhó, khó chịu đăm đăm… thì chắc là đã bị bón hoặc trĩ kinh niên rồi! Người lớn tuổi cũng cần phải được cung cấp năng lượng đầy đủ, cần tránh béo bệu nhưng cũng phải tránh cả suy dinh dưỡng – chủ yếu là do thiếu chất đạm. Đa số người có tuổi thường thích những món ăn dễ tiêu như bột đường để đỡ nhai, do vậy ít chất xơ càng dễ bị bón, lại dễ tăng đường huyết dẫn tới tiểu đường. Cũng không nên quá sợ cholesterol vì có loại cholesterol tốt cần cho cơ thể. Nên dùng dầu thực vật. Calci có lẽ là thức ăn cần thiết cho tuổi già vì ở người già, đặc biệt là phụ nữ, nhanh chóng mất calci trong thời kỳ mãn kinh làm cho xương giòn dễ gãy. Sữa có nhiều calci nhất. Trong 100ml sữa có đến 120mg calci. Rau muống cũng cung cấp nhiều calci. Trong 100g rau muống có 67mg calci, trong khi 100g thịt chỉ cung cấp 15mg calci mà thôi. Các vitamin được cung cấp từ thức ăn như rau quả, trứng, đậu, cà rốt, rau muống, gấc… Đặc biệt vitamin C có nhiều trong cam, chanh, chuối, cóc, cà chua, cải bắp, cerise… Để giữ khẩu vị được ngon vừa ý, cần thêm những gia vị mà người có tuổi vẫn quen dùng như tỏi, tiêu, ớt. Không nên kiêng cữ quá đáng làm cho ăn mất ngon. Đậu nành có lẽ là một thứ thức ăn lý tưởng vừa cung cấp đạm thực vật lại có chất phytoestrogen là một loại kích thích tố nữ rất tốt để làm giảm tốc độ lão hóa. Một bữa ăn gia đình đông vui có con cháu sum vầy thì dù là rau muống, kho quẹt, đậu hũ… cũng đem lại nhiều chất bổ dưỡng cả về tinh thần lẫn năng lượng cho người lớn tuổi hơn là cao lương mỹ vị. Đời sống hiện nay có nhiều thay đổi, những bữa ăn gia đình ngày càng hiếm. Cho nên duy trì được không khí gia đình trong bữa ăn là một niềm hạnh phúc lớn cho người có tuổi. Tản Đà chẳng đã từng viết: “Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không ngon; đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon…”. Ngày càng có nhiều loại thức ăn nhanh (fastfood) thực ra không phù hợp với người có tuổi. Có một câu ngạn ngữ: “Hãy cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ cho anh biết anh là ai”. Lâm Ngữ Đường nói loài người có hai hạng, hạng ăn rau và hạng ăn thịt. Hạng ăn rau càng đông thì càng dễ có… hòa bình trên thế giới. Tôn Tử Mạc, một thầy thuốc ở thế kỷ thứ VI đã nói: “Là thầy thuốc thì trước hết phải tìm nguyên nhân bệnh, biết nguyên nhân rồi, trước hết phải trị bằng thực phẩm, nếu không hết thì sau mới dùng đến thuốc”. Còn một Thái y đời Nguyên, năm 1330, thì viết trong cuốn Thực phổ: “Người nào khéo nhiếp sinh thì ăn uống điều độ, giảm bớt lo lắng, tiết chế thị dục… Khéo dưỡng cái tính của mình thì đợi đói rồi mới ăn, ăn không quá no, đợi khát rồi mới uống, uống không quá nhiều… Nên còn đói một chút sau bữa ăn và nên no một chút trong khi đói”.
Có lẽ nên nói một chút về bộ răng. Răng cũng thuộc hệ tiêu hóa giúp ta cắn, xé, nhai, nghiền, ngấu nghiến với một lực tác động rất đáng nể như răng cửa có thể lên đến 25kg còn răng hàm đến 90kg. Sau sáu bảy chục năm trời thì hàm răng “chiếc rụng chiếc lung lay” cũng là phải thôi! Răng rụng, răng lung lay cũng có cái lợi giúp ta ăn ít lại nhưng có chất lượng hơn, phù hợp tuổi tác hơn. Ngày nay kỹ thuật làm răng giả rất tiến bộ. Người lớn tuổi cần được chăm sóc răng miệng tốt, nếu cần nên có một bộ răng giả để giúp tiêu hóa tốt hơn. Có một câu chuyện đọc được trên báo. Một bà lão phàn nàn với bạn “Đêm qua tôi không ngủ được chút nào vì đau răng quá! Bà có khi nào bị như vậy không?” – “Tôi hả? Chưa bao giờ, vì răng và tôi không ngủ chung với nhau!”.
Rồi cái bọng đái nữa chứ. Phải bí đái một lần mới biết “giá trị” của cái bọng đái, mới biết ơn vô cùng khi có một cái bọng đái hoạt động bình thường, biết lúc nào thì phải chứa đựng, lúc nào thì phải co bóp, lúc nào thì mở cơ vòng và lúc nào phải đóng chặt lại. Thật là tai hại khi ở tuổi cao, cơ vòng bắt đầu hoạt động không tốt nữa, lúc cần đóng chặt thì nó lại mở ra, đặc biệt ở phụ nữ có tuổi. Ở đàn ông, tuyến tiền liệt có thể phình to thành bướu chặn nghẹt đường lưu thông của nước tiểu, lúc cần tiểu lại tiểu không ra. Lại phải mổ, phải nong. Hiện tượng đái són, ỉa đùn (ỉa trịn) gặp ở khoảng 10% số người cao tuổi. Nhiều người đã không được chẩn đoán và chữa trị có lẽ do chuyện này khó nói ra nên thường bối rối tự dàn xếp một mình cho đến khi quá nặng, một phần khác cũng do thầy thuốc hoặc gia đình hiểu lầm rằng đó là chứng bệnh đương nhiên ở người già không thể chữa được. Cũng có trường hợp cho là bị tâm thần rồi bỏ mặc. Thực ra một số trường hợp đái són do bệnh cấp tính như nhiễm trùng đường tiểu thường gặp ở giai đoạn sau tuổi mãn kinh thì cần phải điều trị đúng nguyên nhân hoặc cho estrogen ngắn hạn. Trường hợp gãy xương phải nằm bất động lâu dài cũng làm cho sự co cơ bị suy yếu nên có thể phục hồi được. Trường hợp kinh niên thường gặp hơn do nhiều yếu tố phối hợp, chẳng hạn do một kích thích quá mạnh (stress) như có người cười quá mạnh, ho tràng dài hoặc vận động nhiều quá, cũng sẽ bị đái són. Có trường hợp để nước tiểu đọng quá lâu với khối lượng lớn, như lúc phải di chuyển bằng tàu xe, thì đến một lúc cơ vòng tự động mở không kiềm chế được. Có trường hợp là do đi lại khó khăn bất tiện khi phải vào toilet, do cách bố trí toilet không thuận lợi cho người có tuổi. Thuốc an thần, thuốc lợi tiểu sẽ làm cho đái són xảy ra thường xuyên hơn. Nói chung nếu tìm được nguyên nhân thì chữa trị không khó, đừng lúc nào cũng cho là tâm thần rồi bỏ mặc. Nên tập đi tiểu có giờ giấc, đừng đợi quá căng. Các loại tã lót thấm hút có thể dùng rất tiện cho người già khi đi lại tàu xe. Cũng cần chú ý sắp xếp chỗ đi đại tiểu tiện sao cho thuận lợi, dễ đi, có đủ ánh sáng. Người mình thường coi chỗ tiểu tiện (toilet) như là một chỗ dơ bẩn xấu xí nên thường đặt ra phía sau nhà, xa nhà, trong khi đó thực ra đi toilet là một nhu cầu quan trọng của con người nên ở những nơi khách sạn lớn, người ta bố trí toilet ngay trước phòng khách, sạch sẽ và thơm tho.
Mắt là giác quan quan trọng nhất của con người. Chăm sóc mắt là biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có một quyển sách mà tác giả là một người mù, viết với lời tựa là “Nếu tôi được một ngày sáng mắt”! Những người bình thường có một đôi mắt sáng nhiều khi không biết quý. Thử sống một ngày bịt kín hai mắt lại thì mới đánh giá được chất lượng cuộc sống nhờ đôi mắt. Tôi đã từng mổ mắt và phải bịt mắt lại trong vài ba ngày như thế. Những ngày đó ghiền đọc sách đọc báo chịu không nổi. Phải nhờ người nhà đọc cho các tựa cũng đủ mừng, một người giúp đọc vài bài cho nghe đã khô cả cổ họng. Vậy mà bình thường tôi “ngốn” cả chục tờ báo mỗi ngày không kể sách, phim ảnh, tivi. Khi mở băng ra, được nhìn thấy lờ mờ đủ mừng hết cỡ. Tới tuổi khoảng ngoài 40 thì nhiều người đã phải mang kính lão bởi vì nhìn xa thì rõ mà nhìn gần thì không. Già thì mắt phải yếu đi, cảm giác về độ đậm cũng kém, thích nghi với bóng tối chậm và nhìn cố định không nét. Thủy tinh thể điều tiết kém nên không nhìn gần được, điều này ảnh hưởng chất lượng cuộc sống rất rõ, vì làm gì cũng phải đeo kiếng. Lần đầu tiên tôi ý thức điều này khi đi công tác với BS. M, lúc đó anh 50 tuổi, vì quên mang kiếng theo nên anh nói như bị mù không làm được gì hết. Người già không kiếng do vậy khó làm việc và cũng khó giải trí. Những nguyên nhân gây mù thường gặp là mắt hột, quáng gà, đục thủy tinh thể (cườm khô), và cườm nước (glaucoma). Theo Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO), người mù vì cườm khô đã chiếm hơn 40% số người già bị mù. Một công trình “xóa mù” của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. HCM thời gian qua đã giúp cho hàng chục ngàn người được mổ cườm. Có người đã mù hằng hai ba chục năm, nay được nhìn thấy con cháu, thật là một niềm hạnh phúc lớn.
Chín phần mười các trường hợp cườm khô là do tuổi già, cơ thể suy yếu; số còn lại là do các bệnh tiểu đường, chấn thương, dinh dưỡng… Khi thấy mắt bị mờ dần, có đốm đen bay bay rồi cố định lại một chỗ, không đau nhức, không đỏ, tưởng là kính không đúng độ mà đo kính nào cũng không vừa thì phải nghĩ đến cườm khô. Khi không thể đọc được báo dù là tựa lớn, nhìn vào đồng tử thấy một màn trắng thì tình trạng đã nặng rồi. Hiện vẫn chưa có thuốc nào chữa được cườm khô, chỉ có cách là phải mổ để thay thủy tinh thể đục bằng một thủy tinh thể nhân tạo hoặc đeo kính để điều tiết. Mổ sớm hay muộn tùy quyết định của thầy thuốc. Rất nhiều trường hợp bị cườm mà sợ không dám mổ để nảy sinh những biến chứng gây mù hẳn thì thật là đáng tiếc. Hiện nay có những kỹ thuật mới để mổ cườm khô, đặt thủy tinh thể nhân tạo rất tiện lợi. Sau mổ, bệnh nhân có thể sinh hoạt lại bình thường ngay. Riêng cườm nước là một bệnh hết sức nguy hiểm vì dẫn đến mù lòa. Nếu được phát hiện sớm thì có thể tránh được mù. Cườm nước còn gọi là bệnh tăng nhãn áp vì do áp suất chất dịch ở trong mắt tăng cao chèn ép hủy hoại dây thần kinh mắt dẫn tới mù vĩnh viễn. Nếu biết sớm dùng thuốc hạ nhãn áp và mổ để thoát dịch thì sẽ không bị mù. Những người ngoài tuổi 40 cần phải thường xuyên thăm khám nhãn khoa định kỳ để được bác sĩ đo thị lực và nhãn áp. Bệnh cườm nước cấp tính gây nhức đầu dữ dội, có khi nhức nửa đầu kèm theo ói mửa, mắt đỏ, căng cứng, con ngươi nở lớn. Trường hợp này phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Tốt nhất là đến chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt. Dạng cườm nước mạn tính tiến triển âm thầm, chỉ thấy hơi đau mắt, xốn mắt, mỏi mắt và mờ dần. Nhiều người tưởng tại mình có tuổi nên mắt kém, không đo nhãn áp để chẩn đoán kịp thời. Cườm nước là một bệnh hết sức nguy hiểm nên cần phải đặc biệt quan tâm ở người có tuổi.
Người lớn tuổi cũng thường nghe kém, lãng tai. Lãng tai một chút cũng hay, khỏi phải nghe những lời nói xấu mình! Cái gì khoái thì nghe không thìt hôi. Từ 65 tuổi trở đi có hơn một phần ba số người bị lãng tai. Nghe kém sẽ làm cho việc truyền thông khó khăn hơn, có thể gây nguy hiểm trong giao thông, đi lại. Ngày nay có những dụng cụ trợ thính dễ sử dụng và rẻ. Ở các nước phát triển cứ ba người có tuổi thì một người mang máy điếc, nhờ đó họ có thể giao tiếp tốt hơn và tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp họ cảm thấy sảng khoái, không bị coi là tàn phế nữa. Ở ta, nhiều người không ưa máy điếc vì nó ồn ào lại làm cho ta nghe rõ những “sự thật đau lòng”. Một vở kịch kể chuyện hai vợ chồng già, ông nói gà bà nói vịt nhưng rất hạnh phúc bên nhau, đến khi các con hiếu thảo gởi về cho mỗi người một cái máy điếc thì bắt đầu cãi vã nhau suốt ngày. Cuối cùng cả hai phải liệng cái máy điếc vào sọt rác!
Nhiều người nghĩ rằng hẳn là các thầy thuốc hiểu rõ những điều kỳ diệu của cơ thể mình, biết cách chẩn đoán và phòng bệnh thì chắc rất ít khi bị bệnh. Không hẳn thế. Bệnh tật còn do nhiều nguyên nhân mà Hải Thượng Lãn Ông đã gọi là “tiên thiên” hoặc “hậu thiên”. “Tiên thiên bất túc” chẳng hạn là do di truyền, do gien, còn “hậu thiên bất túc” là do cách chăm sóc nuôi dưỡng từ trong bụng mẹ cũng như do môi trường sống và cách sống của ta sau này. Hải Thượng Lãn Ông đã có một bài thơ than rằng trong lúc mình mắc bệnh mà cũng không được nghỉ ngơi vì vẫn phải lo chăm sóc cho người khác. Đó là cái nghiệp! Thật ra các thầy thuốc… bệnh còn nhiều hơn người thường và một khi họ mắc bệnh thì cũng nặng hơn người thường, do môi trường làm việc nguy hiểm cũng như do tính chủ quan, ít quan tâm tới mình mà chỉ lo chữa trị bệnh cho người, đến khi nặng quá mới biết. Bạn bè thầy thuốc của tôi ở tuổi trên dưới 60, người thì đau khớp, người thì bị gút, người đái đường, người cườm nước, cườm khô… Có người bị nhồi máu cơ tim đôi ba lần, người tăng huyết áp, người đau gan, đau dạ dày. Anh bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì được anh bác sĩ chuyên khoa lao chữa cho mình và ngược lại, người chuyên khoa da liễu thì nhờ người chuyên khoa nội tiết chăm sóc. Có anh bác sĩ một hôm tình cờ siêu âm lòi ra cái bướu, chữa cái bướu thì sinh biến chứng xuất huyết não, phải mổ sọ não mới cứu được. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng đã phải lên bàn mổ 7 lần cắt mất hơn một lá phổi vì bị lao. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng lúc là Bộ trưởng Bộ Y tế đang đi công tác ở nước ngoài thì bị tai biến mạch máu não. Tôi cũng đã từng bị loét dạ dày, xuất huyết bao tử, phải truyền máu cấp cứu, rồi còn bị tai biến phải mổ não. Có người đến thăm lúc tôi đang nằm bệnh viện kêu lên “Trời ơi, bác sĩ mà cũng bệnh”, thật là dở cười dở khóc! Và đúng như Dumbatze tác giả “Qui luật của muôn đời” đã nói mỗi người nên bệnh nặng một lần trong đời để biết thương mình hơn và thương người hơn.
Viện sĩ Miculin 90 tuổi viết rằng: “Chúng ta không theo dõi bản thân mình mà để cho cơ thể làm việc đến hao mòn, vì vậy nó dễ bị hư hỏng sớm. Khi chúng ta còn khỏe mạnh, còn sung sức, thì chúng ta bóc lột ngay chính bản thân mình, bóc lột các bộ phận trong cơ thể, bóc lột những khả năng của mình mà không hề cân nhắc, không hề nghĩ tới hậu quả. Ở lứa tuổi 50 tôi vẫn chưa chú ý lắm đến sức khỏe của mình…”. Hiện nay mỗi sáng ông chạy bộ 3km, tập thể dục đều đặn, chơi quần vợt, ăn uống điều độ. Ông nói “Tôi cảm thấy 30 năm trước đây tôi đã già yếu hơn nhiều so với bây giờ”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: (bai do bạn Mậu Trần giới thiệu)