Trong một viện dưỡng lão ở Mỹ
“Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 36 triệu người già trên 65
tuổi. Với thế hệ "Baby Boomer" lần lượt về hưu cho tới năm 2050, con
số các cụ cao niên sẽ tăng cỡ 86,7 triệu. Do đó, với số lượng người già cao như
vậy, nhu cầu đòi hỏi thêm các viện dưỡng lão có dịch vụ chăm sóc y tế thường
trực là điều tất yếu.
Hiện nay vào khoảng 91% của hơn 1,65 triệu người sống
trong viện dưỡng lão tại Mỹ là người già trên 65 tuổi. Hơn phân nửa các cụ có
số tuổi từ 85 trở lên. Hầu hết những trường hợp được đưa vào đấy do những nhu
cầu bệnh lý đòi hỏi phải có sự trợ giúp thường trực của y tá hay vật lý trị
liệu mà chỉ các viện mới có khả năng cung cấp.
Theo một báo cáo về sự ngược đãi trong Viện dưỡng lão
của đài CBS thì người Mỹ rất sợ phải vào Nursing Homẹ. Đó là nơi cuối cùng mà
bất đắc dĩ họ phải đi vào. Một cụ già 85 tuổi khi không thể sống một mình được
nữa mà con cái ngại ngần khi phải mang cha mẹ về chăm sóc thì "cái gì đến,
nó phải đến thôi." Cụ Alice Oshatz bắt đầu khóc khi được hỏi cụ nghĩ sao khi
cụ trở thành một người bị “phế thải” trong viện dưỡng lão.
Việc bê bối của các Viện dưỡng lão không phải là vấn
đề riêng của Mỹ mà nó cũng xảy ra ở các nước khác như Canada, Úc.
Viện nghiên cứu thông tin y tế Canada cũng có những công bố báo cáo cho biết,
trong số những người già của Canada sống lâu dài tại viện dưỡng lão, có tới 44%
mắc chứng trầm cảm, tình trạng thể chất và chất lượng cuộc sống đều không tốt
đẹp.
Riêng những người già Việt Nam sống ở đất Mỹ lại càng sợ bị
đưa vào viện dưỡng lão. Khi các cụ lớn tuổi thường tìm về các nơi có nhiều
người Việt để ở. Họ hoặc ở chung với con cháu hay ở trong các chung cư dành cho
người già với lợi tức thấp. Có cụ ở trong các khu nhà tiền chế (mobile home) và
vui thú điền viên ở đó.
Nhưng khi tuổi thọ tăng cao, thì sức khoẻ các cụ xuống
dần và lúc đối đầu với bệnh nặng ắt hẳn phải tới. Những cụ lo xa thường về hẳn
bên Việt Nam
ở, để có con cháu hay người làm chăm sóc dùm. Tuy nhiên điều kiện y tế và vệ
sinh, cũng như chuyên môn không bằng. Thành ra được cái này lại mất cái kia.
Hoặc chi phí y tế ở Việt Nam các cụ hay người nhà phải tự trả, trong khi ở Mỹ,
nếu là công dân trên 65 tuổi hầu như các dịch vụ y tế chính phủ đài thọ gần
hết.
Ở Mỹ, nếu có thì giờ nghe chuyện thì có khoảng… cả
triệu câu chuyện kinh khủng để kể về viện dưỡng lão. Người nào trong đó cũng có
tâm sự cần thổ lộ. Lẽ ra Viện dưỡng lão là nơi chăm sóc bệnh nhân và người già
nhưng có khi bị biến thành một cái xưởng dịch vụ, nơi mà người ta được cung cấp
dịch vụ nhưng nghệ thuật chăm dưỡng thì bị bỏ quên.
Sau đây là những câu chuyện kể lại của một cựu điều
dưỡng viên trong một viện dưỡng lão ở Quận Cam. Ở Orange County,
các viện dưỡng lão từ xưa đến nay vẫn do người bản xứ làm chủ và điều hành.
Viện thường được chia làm hai khu chính là thường xuyên và bán trú, cùng nhiều
khu phụ. Khu thường xuyên dành cho các cụ ở thường trực.
Khu bán trú dành cho những bệnh nhân sau khi được giải
phẫu ở nhà thương, không đủ tiền lưu lại vì bệnh phí rất cao, nên phải chuyển
vào nằm chờ. Khi bình phục họ sẽ về nhà. Những khu phụ như khu chuyên về phổi,
suyễn, hay có khu lẫn lộn cả khuyết tật bẩm sinh. Họ có sắp các khu theo sắc tộc,
như khu dành cho người da trắng, khu cho người châu Á… Nếu thiếu phòng, bệnh
nhân phải nằm bất cứ khu nào còn trống.
Theo luật của tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ
nhân viên săn sóc bệnh nhân, nhất là các dịch vụ khẩn cấp. Một viện có khoảng
100 giường trở lên, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3,2 tiếng mỗi
ngày. Thế nhưng vì nhiều việc quá, điều dưỡng viên làm không xuể, bệnh nhân có
thể bị xao lãng bỏ quên.
Thường thì không ai thích làm cho viện dưỡng lão,
những điều dưỡng có bằng hay có kinh nghiệm hay tìm chỗ nhẹ nhàng hơn mà làm.
Do đó, các Viện dưỡng lão luôn thiếu người và họ phải tìm những người được đào
tạo cấp tốc ở các trung tâm dạy nghề. Những người này đóng học phí cao hơn bình
thường và chương trình giảng dạy chỉ trong vài tuần lễ, nên họ được giảng dạy qua
loa để mau tốt nghiệp đi làm cho nhanh.
Vì được đào tạo cẩu thả nên các điều dưỡng viên này
mất căn bản. Họ thường không theo đúng trình tự của việc chăm sóc bệnh nhân. Họ
lại bị sức ép của công việc quá nhiều, nên có nhiều người mất cả đạo đức nghề
nghiệp. Họ làm việc cẩu thả và dối trá. Chẳng hạn sáng sớm phải rửa mặt, tắm
rửa rồi thay tã và quần áo cho bệnh nhân nhưng họ chỉ làm qua loa lấy lệ, cho
xong việc. Có khi nước chưa được ấm, họ xối đại nước lạnh khiến bệnh nhân bị
ướt, rét. Họ cũng có khi không thay tã theo qui định.
Người già thường có giấc ngủ trưa, điều dưỡng phải cho
họ đi nghỉ trưa. Tuy nhiên, vì làm biếng họ để bệnh nhân ngủ gà ngủ gật trên xe
mà không đẩy họ về phòng cho lên giường như qui định.
Lúc về già, nhiều người răng yếu hay rụng, khi được
đút ăn họ ăn rất chậm. Đôi khi vì buồn phiền các cụ không muốn ăn, điều dưỡng
có quá nhiều việc, lại hết giờ, không đủ kiên nhẫn, họ chỉ đút qua loa nên các
cụ ốm o, gầy mòn.
Ngoài ra còn xảy ra nạn kỳ thị với bệnh nhân. Người
nào ít có hay không người thân tới thăm hoặc để mắt tới thường xuyên, cơ hội bị
bỏ quên rất cao. Các cụ đó có nhấn chuông mỏi tay, đòi thay tã hay giúp đỡ đều
bị lờ đi đến phút chót khi điều dưỡng sắp hết ca, họ mới trở lại thay tã cho.
Khi các cụ phản đối hay thưa gởi sẽ bị trả thù bằng nhiều cách mà hành hạ là một
ví dụ điển hình.
Khi được đưa từ giường qua xe hay từ xe qua giường, họ
bị liệng nặng tay như quăng một món đồ. Người bệnh có đau chỉ biết khóc thầm và
chịu câm nín, không dám báo cáo vì càng khiếu nại càng bị trả thù dã man hơn.
Có những điều dưỡng viên vì cần tiền, họ làm hai ca, thường là ca chiều và ca
đêm.
Làm một ca đã mệt, khi ca kế tới, họ tìm chỗ ngủ để
nghỉ. Công việc dĩ nhiên bị bê trễ, họ ngụy trang bằng cách lấy chăn mền xếp
xung quanh bệnh nhân và có ai tới kiểm tra hay y tá ghé mắt đến, đều yên chí
thấy mọi thứ tươm tất sạch sẽ nên bỏ đi, đâu biết rằng bệnh nhân nằm đó bên dưới
đầy nước tiểu và phân.
Với những bệnh nhân hay phàn nàn đau nhức, bấm chuông
hoài, có khi họ bị cho uống thuốc giả hay thuốc an thần để khỏi tiếp tục kêu
ca. Có những trường hợp bệnh nhân vì bị cho vào nhà dưỡng lão nên buồn khổ quá
mà trở nên lầm lẫn; hoặc đã bệnh còn tăng thêm bệnh vì kiêm thêm chứng trầm cảm.
Những người từng làm việc cho Viện dưỡng lão, những
người khách đến thăm viện và quan trọng nhất là những người già sống trong
viện, tất cả đều ước mơ các Viện dưỡng lão được thay đổi. Thay đổi làm sao để
khi nghĩ tới, nhắc đến, nó không còn là một cơn ác mộng của tuổi già. Đường lối
điều hành Viện cần phải tổ chức lại sao cho hữu hiệu.
Các y tá và điều dưỡng cần phải được cắt bớt việc. Khi
ít bận rộn họ mới có thì giờ để ý và chăm sóc kỹ hơn cho các cụ. Nếu các cụ có
muốn tâm sự, họ có thời giờ để lắng nghe. Mà khi các cụ có nơi để kể lể, tâm
hồn sẽ phơi phới, đỡ thấy cô đơn buồn khổ nhiều. Phần tâm lý được chăm sóc, bệnh
ắt hẳn thuyên giảm.
Riêng nhịp cầu thông cảm giữa người già và con cái
phải được thiết lập ngay từ lúc các cụ chưa được đưa vào viện dưỡng lão. Các cụ
cần sửa soạn tâm lý khi đến lúc phải vào viện dưỡng lão mà không cảm thấy quá
buồn khổ. Vì càng buồn khổ thì bệnh trầm cảm sẽ làm bệnh tật thêm trầm trọng.
Có nhiều cụ vì sống chung với con cái quen rồi vào đó quá bất mãn, lại cô đơn
nên chửi rủa suốt ngày, chửi con cái xong quay qua chửi cả nhân viên trong
viện, càng chửi càng bị ghét, càng bị bỏ bê.
Mỗi viện dưỡng lão nên có một khu vườn nhiều cây xanh
để người già có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, thở dưỡng khí trong lành. Giấc
mơ của người già sẽ thành sự thật khi họ được ngồi trên xe lăn được chăm sóc chu
đáo trong một khu vườn có chim hót líu lo. Đời sống như thế, viện dưỡng lão mới
hết trở thành cơn ác mộng.
Trịnh Thùy/baophapluat