Thời tiết thay đổi rất nhiều người mẫn cảm và bắt đầu bị chảy nước mũi. Mặc dù đây là triệu chứng khá khó chịu của cơ thể nhưng thông qua hình dạng khác nhau của loại dịch này, bạn cũng có thể phần nào biết được tình trạng sức khỏe của bản thân mình.
#1. Nước mũi trong và loãng
Nếu mũi bạn chảy ra loại nước mũi này, có nghĩa là bạn có cơ thể khá khỏe mạnh. Loại nước mũi này thực sự có ích cho cơ thể của chúng ta, bởi vì nó có thể loại bỏ những chất gây ô nhiễm và bụi bẩn. Ngoài ra, trong đó cũng có chứa các kháng thể chống vi khuẩn và vi rút có hại cho cơ thể.
Tuy nhiên trong một trường hợp khác, giáo sư Voigt cho biết: “Nếu thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa xuân, bỗng nhiên thấy nước mũi chảy ra hoàn toàn trong và loãng, chắc chắn, bạn có phản ứng dị ứng. Hiện tượng này thường đi kèm với hắt hơi và cảm giác ngứa mũi”.
Nước mũi loãng, trong còn có thể là dấu hiệu của một loại virus đường hô hấp. Nếu xuất hiện thêm triệu chứng sốt hoặc cảm thấy mệt mỏi trong 3 – 4 ngày, nhiều khả năng bạn đã mắc cúm.
#2. Nước mũi trong nhưng hơi dính
Rõ ràng, nước mũi trong, đặc báo hiệu dị ứng mạn tính, ví dụ như dị ứng với bụi. Thêm vào đó, mất nước cũng khiến chất nhầy của mũi đặc hơn. Loại nước nhầy này thường làm nghẽn và khiến mũi sưng lên, cách tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sỹ.
#3. Nước mũi màu trắng
Loại nước mũi này thường chảy khi bạn bị cảm lạnh, cơ thể bị mất nước khiến cho loại chất nhầy có màu trắng đục.
#4. Nước mũi có màu vàng
Nếu nước mũi của bạn đã chuyển sang màu vàng, tốt nhất là bạn nên uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi. Đây là dấu hiệu rõ ràng của triệu chứng cảm lạnh, màu vàng được tạo ra bởi các tế bào bạch cầu đã chiến đấu và chống lại các vi rút cảm cúm xâm nhập vào cơ thể.
#5. Nước mũi có màu xanh
Bất kể khi nào nước mũi chuyển màu, điều đó đồng nghĩa với việc cơ thể đang bị nhiễm trùng. Thời gian nước mũi chuyển màu giúp xác định loại nhiễm trùng.
Giáo sư Voigt cho biết: “Nếu tình trạng này kéo dài 3 – 4 ngày cho thấy virus đang tấn công cơ thể bạn. Giai đoạn đầu của bệnh cúm, nước mũi thường trong và loãng. Nhưng khi bị vi khuẩn tấn công mạnh và lâu dài, nước mũi chuyển sang màu vàng hoặc xanh”.
Nhưng trong trường hợp màu sắc bất thường này tồn tại hơn 1 tuần hoặc nước mũi đổi màu sang cam, nâu, nhiều khả năng bạn đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Khi đó, bác sỹ sẽ phải kê thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.
#6. Nước mũi có màu hồng phấn hoặc màu đỏ
Nếu bạn thấy có máu lẫn trong nước mũi, cần đến bác sỹ ngay lập tức. Đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm đã bị xói mòn qua màng nhầy và thành mạch máu. Nếu không chữa trị kịp thời, chất nhầy sẽ đi vào ngực và làm tình hình thêm nặng hơn, đặc biệt, nếu ho ra đờm màu vàng, bạn có thể đang bị viêm phổi hoặc viêm phế quản.
#7. Nước mũi có màu nâu
Nước mũi có màu này thường là do bạn đã hít quá nhiều bụi bẩn, hoặc máu khô còn sót lại trong mũi hòa lẫn với chất nhầy này. Bạn nên làm sạch mũi với nước muối pha loãng.
#8. Nước mũi gần như có màu đen đục
Nếu như bạn không phải là người nghiện hút thuốc hoặc cần sa, rất có thể mũi của bạn đã bị nhiễm nấm. Bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và tìm sự giúp đỡ kịp thời của các bác sỹ.
#9. Nước mũi dính keo, có mùi và chuyển màu
Với những người bị viêm xoang mạn tính, nước mũi thường rất đặc, dính như keo, chuyển màu (xanh hoặc vàng), thậm chí có mùi khó chịu. Bệnh mạn tính có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng tại một thời điểm, khiến xoang sưng và đau đi kèm ho nặng và khó thở.
Nếu bạn bị nhầy mũi bất thường, không thể cải thiện theo thời gian hay với thuốc kháng sinh, hãy đi khám bác sỹ tai mũi họng để tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.
Mộc Lan- theo dkn,tv