Dứa là loại trái cây được ưu chuộng vào ngày hè, tuy nhiên chúng cũng có thể gây dị ứng, đặc biệt không tốt cho phụ nữ có thai.
Một cốc dứa có 70 đến 85 calo và cung cấp 131% nhu cầu vitamin C hằng ngày. Một chén dứa tươi chứa 82 calo, 2 mg natri, 22 gram carbohydrates tổng số, 1 gram protein, 131% vitamin C, 2% canxi, 2% vitamin A và 2% sắt. Do đó chúng được biết đến với tác dụng có thể chữa trị một loạt các tình trạng sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường và hen suyễn. Ngoài ra chúng còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tốt cho tiêu hóa, tăng cường xương, ngừa ung thư, giảm cục máu đông, chống viêm.
Theo Boldsky, dứa chứa một thành phần các chất dinh dưỡng rất phong phú, bao gồm: Vitamin C, A, B6, carbohydrate, canxi, sắt, thiamin, riboflavin, magiê, mangan và các vitamin và khoáng chất khác.
Mặc dù chúng đem lại những lợi ích tốt đẹp cho cơ thể, song tiêu thụ quá nhiều hoặc cơ địa không phù hợp với các thành phần trong dứa, cũng khiến thực phẩm này gây ra các phản ứng phụ không mong muốn.
Theo Boldsky, tiêu thụ một lượng lớn vitamin C có trong dứa có thể dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa, bỏng tim hoặc đau bụng.
Ngoài ra, quá nhiều bromelain từ dứa có thể gây phát ban da, tiêu chảy, nôn mửa, và chảy máu kinh nguyệt quá mức. Dứa có tính a xít trong tự nhiên, giống như các loại trái cây họ cam quýt khác, có thể làm tăng chứng ợ nóng hoặc trào ngược ở những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Theo Livestrong, dứa có đặc tính làm mềm thịt, do vậy có thể gây sưng môi, má và lưỡi, nhưng có thể tự khỏi sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu sưng kèm theo phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, bạn có thể đã bị dị ứng dứa. Trong trường hợp này, bạn cần ngừng ăn và đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Tăng lượng đường trong máu
Dứa là loại trái cây có lượng đường và carbohydrate rất cao, vì vậy, khi ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu của cơ thể.
Gây hại cho răng
Đặc tính axit cao của dứa có thể gây ra quá trình háo học trong miệng khi ăn, chúng làm mềm răng, gây sâu răng, đặc biệt với người đang có vấn đề về răng miệng. Dấu hiệu sau khi ăn dứa thông thường là đau răng và ê buốt khi ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh.
Phản ứng với một số loại thuốc
Bromelain có trong dứa là một loại enzyme có khả năng tương tác với một số loại thuốc nhất định. Các bác sĩ của Trung tâm y tế thuộc Đại học Maryland khuyến cáo bạn không nên ăn dứa khi đang uống thuốc kháng sinh, chống đông máu, chống co giật, thuốc làm loãng máu, trầm cảm hoặc mất ngủ.
Những người có tiền sử cơ địa dị ứng
Sau khi ăn dứa, bromelain có thể kích thích cơ thể sản sinh ra các histamine, gây các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí gây khó thở. Bởi vậy, những bệnh nhân có tiền sử cơ địạ dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa… nên hạn chế ăn dứa để không làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Không tốt cho phụ nữ mang thai
Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng liều lượng lớn các enzyme bromelain trong cơ thể phụ nữ mang thai, kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai.
Ngoài ra để tránh gây phản ứng phụ và có dĩa trái cây thật ngon, chúng ta nên tiêu thụ khi dứa chín.
Theo Nguyên Hà/Plo.vn