Người yêu thiên văn trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát sự kiện nguyệt thực toàn phần kéo dài 103 phút vào hè năm nay.
Nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21 sẽ diễn ra vào ngày 27/7/2018, khi Mặt Trăng khuất sau bóng của Trái Đất trong 1 tiếng 43 phút. Không chỉ bị che khuất, Mặt Trăng sẽ có màu đỏ do phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời, tạo nên cảnh tượng kỳ thú, theo Newsweek.
Mặt Trăng chuyển màu đỏ trong suốt nguyệt thực toàn phần. (Ảnh: Phillip Holmes).
Tuy nhiên, người dân ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ sẽ không có cơ hội theo dõi sự kiện thiên văn này. Nguyệt thực có thể quan sát rõ nhất ở nhiều nơi thuộc châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ, một số nơi tại châu Âu, theo IFL Science.
Trong vòng 100 năm qua, chỉ có 4 lần nguyệt thực toàn phần có thời gian Mặt Trăng hoàn toàn bị che khuất (period totality) có thể sánh ngang với sự kiện vào mùa hè năm nay. Đó là sự kiện nguyệt thực vào ngày 15/6/2011 (100 phút), ngày 16/7/2000 (107 phút), tháng 7/1982 (107 phút) và tháng 7/1935 (101 phút).
Trong một năm Dương lịch, có tối đa 4 lần nhật thực và ba lần nguyệt thực, NASA tổng kết. Nguyệt thực có ba loại là toàn phần, bán phần và nửa tối. Sự kiện vào tháng 7 năm nay là nguyệt thực toàn phần. Loại nguyệt thực này chỉ xảy ra khi trăng tròn và Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng nằm thẳng hàng. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, Trái Đất sẽ trực tiếp đi qua giữa Mặt Trời và Mặt Trăng và đổ bóng lên vệ tinh tự nhiên của nó.
Sự
kiện diễn ra rất chậm, Mặt Trăng sẽ bị che khuất dần sau hơn một giờ.
Khi nguyệt thực đạt đỉnh, toàn bộ bóng của Trái Đất gọi là umbra
sẽ đổ hoàn toàn lên Mặt Trăng. Mặt Trăng sẽ bị tối và có thể có quầng
sáng đỏ mờ do ảnh hưởng từ ánh sáng Mặt Trời. Ngoài ra, các yếu tố khác
cũng khiến Mặt Trăng trở nên đỏ hơn.
"Màu sắc chính xác của Mặt Trăng còn phụ thuộc vào bụi và mây trong khí quyển", NASA cho biết. "Nếu
có thêm nhiều hạt trong khí quyển, chẳng hạn như do một vụ phun trào
núi lửa diễn ra trước đó, Mặt Trăng sẽ có màu đỏ sậm hơn".
Sự
kiện nguyệt thực này đặc biệt dài do Mặt Trăng sẽ đi qua gần trung tâm
của umbra, có nghĩa nó sẽ ở sau bóng Trái Đất lâu hơn. Khi Mặt Trăng chỉ
đi qua rìa của umbra, nguyệt thực sẽ ngắn hơn. Trái Đất cũng ở điểm xa
nhất với Mặt Trời trong suốt thời gian nguyệt thực, làm bóng của nó trở
nên lớn hơn so với bình thường. Mặt Trăng đồng thời ở điểm xa Trái Đất
nhất nên càng lọt thỏm trong bóng của Trái Đất hơn.