Những đợt nắng nóng gay gắt thường xuyên gây oi bức, khó chịu và mệt mỏi cho mọi người. Nhiệt độ môi trường quá cao còn trực tiếp gây bệnh khi cơ thể kém thích nghi, từ nhẹ như bỏng nắng đến đột tử do sốc nhiệt.
Dưới đây là các dấu hiệu giúp bạn nhận biết bệnh liên quan đến nhiệt độ môi trường quá cao và những cách xử trí, phòng bệnh.
1. Sốc nhiệt
Sốc nhiệt là bệnh nặng xảy ra khi cơ thể không thể thích nghi với môi trường quá nóng, dẫn đến mất kiểm soát nhiệt độ bản thân. Sốc nhiệt có thể gây đột tử hoặc một số biến chứng như tổn thương nội tạng vĩnh viễn. Các triệu chứng cảnh báo bao gồm:
- Sốt cao (trên 39.5 độ C)
- Lơ mơ hoặc mất ý thức
- Da khô, nóng, đỏ hoặc ẩm ướt
- Đau đầu, choáng váng, buồn nôn
- Mạch nhanh, nảy mạnh
Xử trí:
- Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức
- Đưa người bệnh vào bóng râm, trong nhà, những nơi thoáng mát hơn
- Hạ thân nhiệt bằng khăn thấm nước lau lên người hoặc dùng bình xịt.
- Không cho bệnh nhân uống.
2. Lả nhiệt
Lả nhiệt thường có liên quan đến mất nước và muối do đổ quá nhiều mồ hôi trong môi trường nhiệt độ cao. Lả nhiệt có thể dẫn tới sốc nhiệt nếu không xử trí kịp thời.Trong trường hợp này bù nước có điện giải đóng vai trò rất quan trọng. Các triệu chứng cảnh báo bao gồm:
- Đổ nhiều mồ hôi
- Rất khát nước
- Mệt mỏi, yếu toàn thân
- Đau đầu, chóng mặt, ngất
- Nôn, buồn nôn, chuột rút
- Da tái nhợt, lạnh ẩm.
Xử trí:
- Đưa bệnh nhân đến nơi thoáng mát hơn, cởi bỏ bớt quần áo để cơ thể thông thoáng.
- Làm mát bệnh nhân bằng khăn thấm nước hoặc bình xịt.
- Cho người bệnh uống nước nếu còn tỉnh.
- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nếu: bệnh nhân còn nôn, hoặc triệu chứng nặng, hoặc kéo dài trên một tiếng.
-
3. Chuột rút do nhiệt
Bệnh thường xảy ra khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao gây đổ nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nước và muối. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách tạo môi trường thoáng mát nơi làm việc và uống đủ nước.
Xử trí:
- Ngừng hoạt động, vào nghỉ tại nơi thoáng mát
- Uống nước hoặc đồ uống thể thao, nước dừa để bù nước, muối
- Quay lại làm việc, vận động khi đã hết chuột rút.
Bạn nên gọi trợ giúp y tế nếu:
Chuột rút kéo dài trên một tiếng
- Bạn đang theo chế độ ăn nhạt
- Bạn có bệnh tim.
4. Bỏng nắng
Bỏng nắng xảy ra khi làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt với biểu hiện đỏ, đau rát, phỏng rộp v.v.
Xử trí:
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời cho đến khi vết bỏng liền
- Đắp khăn ướt hoặc ngâm vùng bỏng vào nước mát
- Bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bỏng nắng
- Lưu ý không tự chọc, tự làm vỡ nốt phỏng.
Các biện pháp phòng ngừa
Giữ mát và bù đủ nước, điện giải là nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả bạn cần ghi nhớ để phòng tránh các bệnh do nhiệt.
Giữ mát
Trang phục thoáng rộng, sáng màu
Hạn chế ra ngoài trời lúc nhiệt độ cao (giữa trưa), nên chọn thời điểm buổi tối và sáng khi nhiệt độ bên ngoài còn thấp
Hạn chế vận động cường độ cao, lao động nặng trong môi trường nắng nóng
Che kín khi ra ngoài trời: đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời.
Bù đủ nước
Nên uống thêm nước nếu phải vận động nhiều. Tránh đợi đến khát mới uống
Không nên uống rượu và nước ngọt, các thức uống này càng làm cơ thể mất nước. Không nên uống nước đá quá lạnh do có thể gây co thắt, đau dạ dày.
Bù điện giải
Đồ mồ hôi khiến cơ thể mất nước và mất muối. Bạn có thể bù nước, điện giải cho cơ thể bằng nước dừa hoặc đồ uống thể thao.
Trong thời tiết nắng nóng kéo dài, một số nhóm người sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Người trên 65 tuổi
- Người thừa cân, béo phì
- Người hoạt động quá sức khi làm việc, tập thể thao
- Người bị ốm, đặc biệt là người bệnh tim, huyết áp hoặc dùng một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ.
Nên đến thăm người cao tuổi ít nhất 2 lần mỗi ngày trong các đợt nắng nóng gay gắt và theo dõi sát các dấu hiệu sốc nhiệt, lả nhiệt. Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cần quan tâm, theo dõi thường xuyên hơn.
Đại Hải-dkntv 2/7/2018