Đang đi dưới thời tiết nóng bức oi ả mà được một cốc nước mía đá thì quả là không còn gì bằng. Cốc nước mía xanh tươi có vị ngọt mát, thêm lên một ít đá là lựa chọn hàng đầu của nhiều người trong những ngày hè này.
Nhưng bạn có biết bên cạnh tác dụng giải khát đơn thuần, thì trong một cốc nước mía còn hàm chứa rất nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ nữa không?
Danh y Vương Thế Hùng đời nhà Thanh đã viết trong cuốn “Tùy tức cư ẩm thực phổ” như sau: “Mía ngọt mát, thanh nhiệt, điều hòa chức năng dạ dày, nhuận tràng, giã rượu, hạn chế giun đũa, tan đờm, tăng chất dịch, dùng chữa sốt cao, kiết lỵ do nóng trong, trị ho do nhiệt, ợ hơi, lợi cho hầu họng, mạnh gân cốt, trừ phong, dưỡng huyết, đại bổ âm tỳ”.
Trên lâm sàng, đông y thường dùng mía để điều trị các chứng khô miệng lưỡi, tân dịch thiếu, táo bón, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa ợ hơi, khó tiểu tiện, sốt cao. Vì vậy mía còn được coi là phục mạch thang thiên nhiên. Phục mạch thang là một bài thuốc cổ ghi trong sách thương hàn luận có công dụng bổ khí, dưỡng huyết.
Quả thực, nước mía rất giàu các chất chống oxi hóa, giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng. Ngoài ra còn giàu các khoáng chất như sắt, magie, canxi, và các chất điện giải khác nên giúp bạn giải khát nhanh chóng.
Thức uống giàu năng lượng
[1]
Nước mía giàu carbohydrate, sắt, kali và các dưỡng chất thiết yếu khác. Vậy nên trong những tháng hè, một cốc nước mía mát lạnh thực sự giúp bạn giải tỏa cơn khát và nạp lại năng lượng đã cạn kiệt. Đồng thời nước mía cũng được dùng để hồi phục nhanh chóng sau cơn sốt.
Nước mía chứa đường nhưng đường trong nước mía là đường tự nhiên nên có chỉ số đường huyết thấp, người bị tiểu đường có thể uống được. Tuy nhiên người bị tiểu đường cần được sự tư vấn của bác sĩ trước khi uống.
Nước mía chữa các vấn đề tiêu hóa
[2]
Theo đông y, nước mía có tác dụng thanh nhiệt, điều hòa chức năng dạ dày, nhuận tràng,dùng để trị táo bón.
Chữa viêm dạ dày mạn tính: Nước mía 1 cốc, nước gừng một ít, trộn đều, ngày uống 2 lần.
Tuy nhiên mía có tính hàn, nên người bị tỳ vị hư hàn (Bụng thường kêu óc ách, ăn uống khó tiêu, hay trung tiện, đôi khi kèm theo tiêu chảy rất khó chịu, làm mất ngủ) không nên dùng.
Ngừa ung thư
Nước mía là chất kiềm tự nhiên do có chứa nhiều can xi, magie, kali, sắt và mangan có tác dụng kiềm hóa cơ thể và chống ung thư vì ung thư không thể tồn tại trong môi trường kiềm. Các nhà khoa học cũng phát hiện thấy chất flavonoid trong nước mía giúp ức chế sự nhân đôi các tế bào ung thư tuyến vú.
Ngừa bệnh tim mạch
Nước mía giúp phòng ngừa bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ do làm giảm nồng độ chất béo xấu trong máu.
Bổ gan
Theo y học cổ truyền Ấn Độ thì nước mía giúp phục hồi, tăng cường chức năng gan nên được dùng cho người bị vàng da do chức năng gan suy yếu. Đồng thời nước mía cũng giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương.
Đẹp da, trị mụn
Nói đến một làn da khỏe mạnh không thể không nhắc đến Alpha Hydroxy Acids (AHAs) có trong nước mía với rất nhiều lợi ích. Chúng giúp chống mụn, ngăn ngừa lão hóa và dưỡng ẩm cho da. Bạn có thể thoa trực tiếp nước mía lên mặt sau đó để đến lúc khô, hoặc cho thêm nước mía vào loại mặt nạ dưỡng da bạn yêu thích.
Ngừa sâu răng và hơi thở hôi
Nước mía chứa nhiều khoáng chất giúp ngừa sâu răng và hơi thở hôi
Đẩy lùi cảm cúm, viêm họng
Nước mía chứa nhiều chất chống oxi hóa, tăng cường hệ miễn dịch giúp bạn vượt qua được cảm cúm, viêm họng.
Một số công dụng khác của nước mía:
Giải say rượu: Uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước.
Buồn nôn do thai nghén: Nước mía 1 cốc, nước gừng tươi 1 thìa, ngày uống vài lần.
Trẻ em ra mồ hôi trộm: Ăn mía hoặc uống nước mía vài lần trong ngày.
Chú ý: Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản không tốt thì là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh, vậy nên nước mía sau khi ép cần được uống ngay, hoặc nếu không cần để trong tủ lạnh và uống trong ngày.
Đại Hải 7/10/2016 (theo daikynguyen)