Bí mật về sức khỏe được hiển thị trên khuôn mặt, các bác sĩ Trung y thường sử dụng phương thức “nhìn, ngửi, hỏi và cảm nhận” để hiểu về tình trạng bệnh. Chỉ cần “nhìn” vào sắc mặt, làn da, lưỡi, hình dáng, v.v. là có thể đoán được bệnh. Thông thường, những người nội tạng xấu sẽ có sắc mặt kém sắc hơn so với người bình thường, phổ biến như: Nổi mụn trứng cá, mẩn ngứa, da tái nhợt, v.v.
Nếu những vấn đề như vậy xảy ra trong thời gian dài thì cần phải chú ý, nó có thể liên quan đến sức khỏe nội tạng. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến làn da và những tình trạng xấu xuất hiện trên mặt. Hãy xem xét kỹ hơn một số vấn đề chính do sức khỏe nội tạng gây ra.
1. Gan kém gây thâm quầng mắt
Phần lớn các độc tố trong cơ thể con người sẽ được thải ra ngoài một cách thuận lợi dưới tác dụng của gan, đồng thời gan cũng có vai trò dự trữ máu nhất định và điều chỉnh khí huyết. Có thể thấy rằng gan là một cơ quan nội tạng lớn nhất và có vai trò quan trọng trong việc giải độc cho cơ thể.
Làm việc và nghỉ ngơi không điều độ trong thời gian dài, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, thức khuya sẽ dẫn đến các vấn đề lớn nhỏ về gan.
Nếu gan có vấn đề, ngoài các tình trạng như đục thủy tinh thể, da tái nhợt, thì còn xuất hiện quầng mắt thâm đen, đây là do chức năng giải độc của gan bị suy yếu, chức năng điều hòa khí huyết không được thông suốt. Từ đó, vấn đề khí huyết thiếu hụt sẽ biểu hiện trên mặt, dẫn đến dưới mắt thường có quầng thâm.
2. Đốm trên mặt có thể liên quan đến lá lách và dạ dày
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, lá lách và dạ dày được gọi là “Hậu thiên chi bản”, bởi vì cơ thể con người muốn vận hành tốt thì cần nạp năng lượng từ thức ăn, mà để thức ăn có thể được tiêu hóa tốt thì cần lá lách và dạ dày cùng nhau tham gia vào quá trình chuyển hóa quan trọng này.
Nếu lá lách và dạ dày thực hiện tiêu hóa không tốt sẽ xảy ra tình trạng huyết ứ v.v. Trước hết về thể chất sẽ có biểu hiện chán ăn, sau khi ăn sẽ nôn. Thứ hai, nếu không tiêu hóa được thức ăn sẽ bị đầy bụng và gây ra tình trạng táo bón.
Còn nếu như biểu hiện trên mặt thì sẽ xuất hiện các vấn đề như khí huyết kém, độc tố tích tụ, lâu dần hình thành các nốt mụn. Vì vậy, trên mặt nổi mụn phần lớn là do tỳ vị hư nhược, lúc này tốt nhất không ăn đồ cay và chú ý nên dùng nước ấm để rửa mặt.
Thông thường, sau khi lá lách và dạ dày có vấn đề, hiệu quả điều trị của thuốc sẽ không còn tốt, vì thế nên lấy việc “dưỡng sinh” làm chủ đạo. Đây là một quá trình lâu dài, trong quá trình này việc chú trọng đến ba bữa ăn rất cần thiết, cần đều đặn, đủ chất và tránh tình trạng ăn quá nhiều.
Trong quá trình bồi bổ tỳ vị, ba bữa cần ăn đều đặn, đủ lượng và tránh ăn quá nhiều. (Ảnh: Roberto Vivancos/ Shutterstock
3. Mụn trên thái dương có khả năng là do tắc túi mật
Mụn trứng cá trên mặt sẽ có trong từng giai đoạn và đó là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, nhưng ở một phương diện khác nó cũng có thể là nguyên nhân của bệnh lý. Bên cạnh đó, mụn mọc ở những bộ phận khác nhau thường do những nguyên nhân khác nhau gây ra.
Mụn xuất hiện ở thái dương chủ yếu là do túi mật hoạt động quá tải dẫn đến bị tắc nghẽn, nguyên nhân thường là vì nạp quá nhiều các sản phẩm chế biến sẵn khiến cơ thể tiết nhiều dầu và nổi mụn. Lúc này cần thanh lọc kịp thời, uống nước ép khổ qua cũng như các loại dưa khác để có thể giảm béo và giảm thiểu tình trạng này tốt hơn.
Y học cổ truyền Trung Quốc có rất nhiều giải thích về các hiện tượng không tốt do những vấn đề về nội tạng gây ra. Trong ‘Hoàng đế nội kinh’ cũng có nhiều cách giải thích. Việc nắm vững các quy luật vận hành của cơ thể con người giúp ích rất nhiều cho sức khỏe thể chất và chế độ sinh hoạt của chúng ta.
Á Kinh, Vision Times/trithucvn