Cuốn sách “Chu Tử Gia Huấn” của Chu Bá Lư được mệnh danh là “Kinh điển về quản lý gia đình”. Toàn bộ tác phẩm tuy chỉ có 30 câu, nhưng mỗi câu đều sâu sắc, giải thích chân lý cuộc sống và cách đối nhân xử thế, vẫn phù hợp cho đến tận ngày nay.
Dưới đây là 8 câu chọn lọc trong đó để chia sẻ với mọi người, từng câu đều là kinh điển, đáng để chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần.
1. : Sáng sớm thức dậy, quét dọn nhà cửa trong nhà ngoài ngõ đều sạch sẽ.
Tục ngữ có câu: “Tài không vào ô cửa bẩn”. Một ngôi nhà sạch sẽ ẩn chứa phúc khí và tương lai của gia đình. Bởi vì, người siêng năng, cuộc sống chắc chắn sẽ không quá tệ. Siêng năng có thể bù đắp sự kém cỏi, trời sẽ đền đáp người chăm chỉ. Trong nhà có người siêng năng, thì gia đình ắt sẽ thịnh vượng.
2- Một bát cháo, một hạt cơm, nên nghĩ kiếm được không dễ. Nửa tấm vải, nửa sợi chỉ, phải nhớ làm ra cũng lắm công phu.
Đây chính là cái gọi là người siêng năng, có thể phát đạt; người xa hoa, giàu có không bền. Chỉ bằng cách duy trì sự siêng năng và tiết kiệm, chúng ta mới có thể hài lòng và có một cuộc sống ổn định. Biết giữ tính cần kiệm, mới có thể biết đủ mà luôn vui vẻ, sống an ổn suốt đời.
3. Lúc chưa mưa nên coi mái nhà xem có dột không, khi chưa khát nên đào giếng đề phòng.
Mọi việc đều phải chuẩn bị trước, giống như khi trời chưa mưa thì phải sửa chữa nhà cửa cho hoàn thiện, đừng “nước đến chân mới nhảy”. Những người có chuẩn bị, khi gặp chuyện mới có thể ung dung.
Bởi vì đã có kế hoạch từ trước, nên mới có thể “núi Thái Sơn sụp đổ phía trước mà sắc mặt không đổi”; bởi vì có sự chuẩn bị từ trước, nên mới có thể “ngày nắng che ô, ngày mưa không ưu sầu”. Vì vậy, đừng đợi đến khi mưa gió mới bắt đầu mua ô, chuẩn bị trước, tự nhiên sẽ không sợ gió sương mưa tuyết, an ổn và ung dung.
4. Đừng tham của cải không chính đáng, đừng uống rượu quá say sưa .
Trong sách “Vi lô dạ thoại” có câu: “Người giữ bổn phận, chính là người hạnh phúc, nhưng người làm được điều đó thì ít”. Giữ bổn phận là trí tuệ lớn nhất của một người. Không tham lam, không ảo tưởng, không đòi hỏi những điều mình không thể đạt được, như vậy mới có thể an tâm, hưởng thụ phúc lộc mà mình xứng đáng. Một gia đình cũng vậy.
5. Làm việc nên giữ mức vừa với mình, đắc ý rồi thì nên thôi.
Làm bất cứ việc gì cũng phải để lại đường lui. Những việc vừa ý cũng nên biết dừng lại đúng lúc, không nên không có giới hạn.
Như người ta thường nói: “Làm gì cũng phải có mức độ, quá cũng như không đủ”. Kiềm chế bản thân, ăn uống có chừng mực, sinh hoạt có quy củ, tâm trạng bình thản. Như vậy mới có thể tu dưỡng thân tâm, kéo dài tuổi thọ, ung dung đi qua năm tháng dài.
6. Khi người ta có việc vui mừng, đừng đem lòng ghen tị. Khi người ta gặp hoạn nạn, đừng tỏ ý vui mừng.
Điều khiến phúc phần của một người ngày càng dày không phải là tài năng, mà là đức hạnh. So với những thứ khác, đức hạnh dày mới là quân bài vững chắc nhất, là tấm vé thông hành tốt nhất trong cuộc đời chúng ta. Người có đức, ắt có phúc; nếu đức hạnh sâu dày, con đường phía trước tự nhiên rộng rãi suôn sẻ, phúc đức sẽ dồi dào.
7. Làm ơn nên quên, chịu ơn phải nhớ.
Khi ban ơn cho người khác, đừng ghi nhớ trong lòng; khi nhận được ân huệ của người khác, nhất định phải luôn ghi nhớ trong tâm. Người ta thường nói: “Lòng tốt hãy cho đi và chia sẻ với người khác“. Một người biết cảm ơn và biết đền đáp ân nghĩa mới là người giàu có nhất trên thế gian.
Nhà triết học Nietzsche cũng nói:“Lòng biết ơn là sức khỏe của tâm hồn”. Biết ơn là tài sản quý giá nhất của một người. Lòng biết ơn là một triết lý sống và là một trí tuệ tuyệt vời trong cuộc sống.
8. Gia đình hòa thuận dẫu rau cháo qua ngày vẫn cảm thấy vui vẻ.
Cuộc sống luôn nhiều những chuyện vụn vặt, răng chạm lưỡi, thìa chạm nồi bát. Dù quan hệ thân thiết đến đâu cũng không thể tránh khỏi xảy ra mâu thuẫn; không có gì hơn là nên rộng lượng hơn, ít bận tâm hơn, thảo luận những việc lớn và tha thứ cho những việc nhỏ. Chỉ khi những người trong gia đình tôn trọng lẫn nhau, yêu thương nhau, hòa thuận với nhau, thì mới có thể cùng nhau vượt qua khó khăn, đi trên con đường dài.
Lấy trung hiếu giữ nếp nhà bền vững, dùng nhân đức xử thế lâu dài. Những gì được Chu Bá Lư truyền lại không chỉ là bài “Chu Tử Gia Huấn”, mà còn là một nền văn hóa, một tinh thần, và một sự truyền thừa văn minh. Mỗi câu trong bài xứng đáng để chúng ta suy nghĩ thật kỹ.